TGĐ gốm sứ Minh Long: Doanh nghiệp phải cùng nhau vượt khó

07:51 | 15/11/2013

3,367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là doanh nghiệp đưa ngành gốm sứ Việt ra với thị trường thế giới, Minh Long đã xây dựng được thương hiệu khá vững chãi trải qua trăm năm lịch sử. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, gốm sứ Minh Long vẫn vượt qua và phát triển ổn định. PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty TNHH Minh Long I về kinh nghiệm vượt khó của công ty.

PV: Thưa ông, thời gian qua được xem là thời điểm khó khăn nhất của tình hình kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động, ông có đánh giá gì về tình trạng này?

Ông Lý Ngọc Minh: Đây là khó khăn mang tính hệ thống của thị trường do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và Việt Nam cũng nằm trong tình trạng này. Điều đáng nói là rất ít doanh nghiệp trong nước sớm nhận ra dấu hiệu của cuộc khủng hoảng này nên đã không có sự chuẩn bị cũng như chiến lược kinh doanh sáng suốt. Khi khủng hoảng leo thang, các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn khó do trước đó họ đã đầu tư dàn trải vào quá nhiều. Vì vậy khi gặp khó khăn, nguồn vốn cần huy động không đáp ứng đủ dẫn đến kinh doanh bết bát là điều tất yếu.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112013/14/18/IMG_1444.jpg

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty TNHH Minh Long I

PV: Vậy trong tình hình suy thoái kinh tế như vậy, Minh Long đã gặp phải khó khăn gì và doanh nghiệp giải quyết khó khăn đó bằng cách nào thưa ông?

Ông Lý Ngọc Minh: Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, mặc dù không bị ảnh hưởng về nguồn vốn bởi Minh Long không tham gia đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn khiến thị trường trở nên ảm đạm, sức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng giảm mạnh và Minh Long cũng gặp phải khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình.

Để giải quyết khó khăn về thị trường, Minh Long đã chủ động quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình đến với người tiêu dùng nhiều hơn thông qua các kênh phân phối và trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, Minh Long còn chủ động liên kết với các đơn vị khác để đưa sản phẩm vào tiêu thụ với nhiều chính sách ưu đãi. Điển hình nhất là vừa qua, chúng tôi đã liên kết với các đơn vị trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thuộc hiệp hội du lịch thành phố để phân phối và quảng bá sản phẩm. Việc làm này không chỉ giúp sản phẩm của doanh nghiệp được đẩy mạnh tiêu thụ mà còn khiến khách du lịch trong và ngoài nước biết thêm về thương hiệu gốm sứ Minh Long.

PV: Có thể thấy là dù gặp khó nhưng Minh Long vẫn vượt qua một cách khá suôn sẻ?

Ông Lý Ngọc Minh: Như đã nói, chúng tôi chỉ tập trung đầu tư vào giá trị cốt lõi với mảng kinh doanh chính là sản phẩm gốm sứ. Từ năm 2009 khi kinh tế thế giới bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng chúng tôi đã chủ động tập trung vào sản xuất những sản phẩm phù hợp với tâm lý của người tiêu dùng. Vì vậy nên trải qua tình hình khó khăn nhưng Minh Long vẫn trụ vững và chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể là trong năm nay chúng tôi đã cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp  Ly’s Horeca với giá thành phù hợp với thị trường hiện nay. Đây là kết quả của chiến lược kinh doanh đi đúng hướng mà chúng tôi đã vạch ra trước đó.

PV: Vậy theo ông, vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là gì?

Ông Lý Ngọc Minh: Khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thị trường. Nếu như giai đoạn đầu tiên của thời kỳ khủng hoảng doanh nghiệp khốn khổ về vốn thì hiện nay với những chính sách ưu tiên của Chính phủ, vấn đề này đã không còn căng thẳng như trước. Thay vào đó, mối lo lớn của các doanh nghiệp hiện nay là làm sao thúc đẩy thị trường qua việc tiêu thụ sản phẩm, phá băng hàng tồn kho. Nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ có nhiều doanh nghiệp quay trở lại với thị trường.

PV: Với kinh nghiệm của Minh Long thời gian qua, ông có chia sẻ gì cho các doanh nghiệp trong chiến lược vượt khó?

Ông Lý Ngọc Minh: Với tình hình đầu ra cho thị trường khó khăn như hiện nay thì các doanh nghiệp phải tăng cường hoạt động liên kết và hợp tác hơn nữa trong sản xuất kinh doanh. Trên tinh thần đôi bên cùng có lợi thì việc hợp tác và liên kết sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được tối đa chi phí đầu vào từ đó mang đến giá thành rẻ hơn cho đầu ra của sản phẩm. Thông qua việc hợp tác sẽ tạo ra mối liên kết về cung - cầu giữa các doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp sản xuất đúng mặt hàng thị trường cần đồng thời sử dụng được nguồn vốn phù hợp cho sản xuất. Mặt khác, thông qua việc liên kết các doanh nghiệp sẽ trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm thị trường giúp nhau kinh doanh tốt hơn.

Bên cạnh việc liên kết thì các doanh nghiệp cũng cần tăng nội lực cho mình bằng việc sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý nhất. Bởi trong tình cảnh như hiện nay nếu chỉ cần sử dụng sai một đồng vốn thôi thì hệ quả đã khôn lường.

Ngoài vốn, các yếu tố như nhân lực, công nghệ… chúng ta cũng chưa thực sự mạnh, vì vậy với những doanh nghiệp đang trụ vững trên thị trường, đây là thời gian tốt nhất cho việc bồi dưỡng đội ngũ nhân lực, phát triển công nghệ đón đầu cơ hội khi thị trường phục hồi trở lại .

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi  này!

Thùy Trang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps