Tem điện tử - giải pháp chống hàng giả

07:11 | 11/01/2016

335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm nào cũng vậy, cứ năm hết tết đến là hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng lại tràn ngập ra thị trường. Thực ra, hàng giả, nhái… không chỉ là “vấn đề” của cuối năm mà đã trở thành “vấn nạn” nghiêm trọng đến mức Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) xác định là nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương…  

Hàng gì cũng bị làm giả

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trong 11 tháng trên địa bàn thủ đô, các lực lượng chức năng đã thanh kiểm tra hơn 54.000 vụ, tổng số xử lý vụ là gần 16.400 vụ, khởi tố hình sự 72 vụ đối với 98 bị can và tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa là hơn 2.100 tỉ đồng.

Còn trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo 389 đã công bố tính đến ngày 15-11-2015 đã có 186.989 vụ việc vi phạm được phát hiện, bắt giữ, xử lý - tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm, truy thu thuế ước đạt xấp xỉ 11.536 tỉ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014. 

tem dien tu giai phap chong hang gia 370341
Thực phẩm chức năng giả phát hiện tại Công ty Đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech

Vụ việc gần đây nhất, ngày 31-12, tổ công tác của Phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an, Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện kho hàng của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Hoàng Lan, ở số 27 lô 2, Đền Lừ II, quận Hoàng Mai, Hà Nội do Nguyễn Khương Duy làm giám đốc chứa 560 bộ công tơ điện loại 1 pha 2 dây và 210 bộ công tơ điện 3 pha 4 dây (nhãn hiệu GELEX) nghi là giả.

Vì những bộ công tơ này mặc dù trên vỏ sản phẩm ghi sản xuất tại Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam hoặc có giấy chứng nhận kiểm định nhưng lại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ - một cơ sở mà bất cứ hàng hóa thật nào cũng phải có.

Điều đáng nói hơn và cũng chính là căn cứ để xác định số thiết bị điện trên là giả ấy là  thiết bị điện này tại thời điểm kiểm tra đang được sơn lại vỏ và kẹp chì không phải do “cha đẻ” chúng là Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam kẹp. Chưa kể đến tem dán trên sản phẩm cũng lại là tem giả.

Đối với một số thiết bị điện như phích cắm, ổ điện, bảng điện… cũng được phát hiện tại Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Hoàng Lan thì ông Đoàn Tú, Giám đốc Công ty CP Khí cụ điện 1 chi nhánh Hà Nội (Vinakip) xác nhận là hàng giả, nhái theo sản phẩm của công ty ông.

Ông Tú đánh giá hàng giả của Công ty Hoàng Lan khá tinh vi khi hình thức đến 90% là giống hàng thật. Tuy nhiên, về chất lượng thì các sản phẩm làm giả chỉ bằng nhựa tái chế thay vì nhựa nguyên sinh như sản phẩm thật nên khi dùng dễ gây chập cháy, hỏng hóc, ảnh hưởng không những đến quyền lợi mà cả an toàn cho khách hàng. Hiện nay Cơ quan Công an đang điều tra làm rõ vụ việc.

Đầu tháng 6-2015, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội đã triệt phá thành công một cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả lớn nhất từ trước tới nay. Với 20 tấn sản phẩm được phát hiện tại trụ sở ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.

Tại Cơ quan Công an, Trần Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech khai nhận, từ tháng 10-2014, Quỳnh đã thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả bằng thủ đoạn thành lập công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) rồi đặt in tem nhãn, đóng gói thực phẩm chức năng trôi nổi thành thành phẩm thực phẩm chức năng Omega 3 Costar, nhau thai cừu Placentra Vip reserve, collagen, sữa ong chúa…  sau đó tung ra thị trường kiếm lời.

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hạnh Phúc (đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối sữa ong chúa Costar và Royal Jelly) cũng cho hay những sản phẩm Costar, Royal Jelly thu giữ tại Công ty Đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech là giả.

Quản lý bằng công nghệ điện tử

Một sản phẩm khi bán ra ngoài thị trường, ngoài địa chỉ cơ sở sản xuất được in trên vỏ bao hay tem nhãn… thì không còn hình thức nào khác quản lý nguồn gốc xuất xứ ấy của sản phẩm. Tem chống hàng giả của cơ quan quản lý Nhà nước cũng không chứng minh được như vậy do trớ trêu ở chỗ tem này cũng bị làm giả.

Đến tem chống hàng giả của cơ quan hữu trách còn bị làm giả thì việc in nguồn gốc xuất xứ dưới hình thức nào của sản phẩm là việc… nhỏ. Đơn cử ngay như vụ công tơ điện hay thực phẩm chức năng giả nói trên, cũng có in nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên vỏ sản phẩm. Nhưng nguồn gốc xuất xứ đó là in giả. 

Như vậy, một giải pháp được Công ty CP Đầu tư phát triển quốc tế Alpha (IAG) đề xuất là quản lý nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bằng tem điện tử trên cơ sở dùng công nghệ cao kết hợp với công nghệ thông tin và thuật toán để xác thực nguồn gốc của sản phẩm thông qua các yếu tố: nơi sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất (hoặc nhập khẩu), đóng gói, hạn sử dụng, giá bán và cả thông tin đã được kiểm định hay chưa…

Tem này được cấu tạo bằng một mã cốt đơn chiếc cho từng sản phẩm, nghĩa là mỗi sản phẩm được gắn một mã cốt gồm 15 chữ số. Có bao nhiêu sản phẩm thì có bấy nhiêu mã cốt, không bị trùng lặp nhau. Vì có tới 36 triệu tỉ mã cốt có thể gắn cho sản phẩm. Nếu vượt quá con số này thì mã cốt sẽ lại được tạo mới theo thuật toán khác. Nói chung mã cốt để quản lý hàng hóa là… không giới hạn.

Mã cốt của tem điện tử xác thực hàng hóa nói trên được in trên giấy đề can và được phủ một lớp che như nhũ. Đây được gọi là phần tĩnh của tem. Phần “sống” của tem chính là mã cốt sau khi đã được cạo lớp phủ và nhập vào điện thoại di động hoặc Internet rồi nhắn tin đến tổng đài 8188.

Trong vòng 3 giây, lập tức hệ thống máy chủ của IAG sẽ có thông tin hồi đáp về ngày sản xuất, nơi sản xuất, ngày hết hạn… của sản phẩm.

Nói một cách dễ hiểu hơn, người tiêu dùng sau khi mua sản phẩm đã được dán tem điện tử, cạo lớp phủ che mã cốt trên tem điện tử rồi nhập mã cốt đó bằng điện thoại di động (hoặc môi trường Internet) đến tổng đài. Người tiêu dùng sẽ nhận được các thông tin cần thiết về sản phẩm để xác thực sản phẩm họ mua nguồn gốc xuất xứ như thế nào.

Nguồn gốc này sẽ chứng minh sản phẩm là thật hay giả. Trong trường hợp giả thì sẽ không có thông tin hồi đáp vì mã cốt không đúng (làm giả). Hoặc để kiểm tra mã cốt này đã từng được kiểm tra hay chưa, người tiêu dùng có thể kiểm tra thêm một lần nữa cũng bằng cách nhập mã cốt bằng điện thoại di động, sẽ có câu trả lời mã cốt sản phẩm đã được kiểm tra cách đây bao lâu hoặc chưa được kiểm tra lần nào...

Tất nhiên mỗi lần nhắn tin như vậy, người tiêu dùng sẽ mất 600 đồng/tin và giá của mỗi tem điện tử nếu doanh nghiệp mua để dán vào sản phẩm nhằm quản lý chất  lượng hàng hóa là 1.000 đồng/tem.

Với số tiền phải bỏ ra như vậy, thì so với việc xác định hàng hóa của doanh nghiệp hoặc của người tiêu dùng đang sử dụng thật hay giả là quá rẻ, chấp nhận được. Bởi nếu hàng giả, hậu quả của nó còn lớn hơn nhiều trong trường hợp không được xác thực, đặc biệt là đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Với tem điện tử, Công ty IAG đã cung cấp một hạ tầng cho xã hội trong việc chống hàng giả, nhái, một “quốc nạn” không chỉ riêng với Việt Nam mà của nhiều nước khác nói chung.

Đồng thời “phát minh” này cũng bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp và sâu xa hơn là cho cả một nền kinh tế. Chưa kể đến nó rất đúng với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ là tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong kinh tế.

 

Tú Anh

Năng lượng Mới 489