Tàu chiến Ấn Độ đến Biển Đông: Hàm ý quan trọng hơn là… bán vũ khí?

14:02 | 15/08/2021

443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tin tức về việc Ấn Độ triển khai 4 tàu chiến đến Biển Đông đang khiến dư luật đặc biệt chú ý, nhất là yếu tố “chống Trung Quốc”.

Rõ ràng, việc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong chiến lược tiệm cận Đông Nam Á của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong bài viết ngày 13/8 trên báo South China Morning Post (Hong Kong), nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill – thành viên Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế (IDSC) có trụ sở tại Manila, Philippines đánh giá đây không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy Ấn Độ thực hiện ngày càng nhiều cam kết trong lĩnh vực hàng hải.

Việc Ấn Độ triển khai 4 tàu chiến đến Biển Đông đang khiến dư luật đặc biệt chú ý, nhất là yếu tố “chống Trung Quốc”. (Nguồn: Hải quân Ấn Độ)
Việc Ấn Độ triển khai 4 tàu chiến đến Biển Đông đang khiến dư luận quan tâm. (Nguồn: Hải quân Ấn Độ)

Bốn tàu chiến từ Hạm đội phía Đông của Hải quân Ấn Độ đang được triển khai tới Đông Nam Á, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương trong hơn hai tháng. Việc triển khai này sẽ bao gồm một loạt hoạt động quan trọng như tập trận hải quân trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ (Quad) và các hoạt động trao đổi chiến lược với hải quân các nước Đông Nam Á then chốt.

Việc gói gọn chiến lược của Ấn Độ chỉ trong một khía cạnh sẽ không thể lột tả hết các lợi ích đa chiều của New Delhi. Theo ông Don McLain Gill, cần phải xem xét các lợi ích bao trùm của Ấn Độ trong khu vực.

Đặt trong bối cảnh đó, động thái mới nhất này nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng đối với Ấn Độ là mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng và lồng ghép chính sách ngoại giao nước lớn mạnh mẽ hơn.

Màn trình diễn năng lực quốc phòng

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương vào tháng 2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh Ấn Độ sẵn sàng cung cấp nhiều loại hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu hạng nhẹ và các hệ thống vũ khí khác cho các nước thân thiện ở và ngoài khu vực Ấn Độ Dương.

Hơn nữa, Ấn Độ đã nhanh chóng theo dõi năng lực của nước này không chỉ trong lĩnh vực sản xuất vũ khí mà còn trong ngành đóng tàu.

Ấn Độ sở hữu 28 nhà máy đóng tàu. Dù gặp một số trở ngại, ngành công nghiệp này vẫn đang dần dần mở rộng năng lực sản xuất. Còn cách nào tốt hơn để quảng bá năng lực sản xuất của Ấn Độ hơn một màn trình diễn trực tiếp sản phẩm của nước này?

Bốn tàu chiến của Ấn Độ được điều động đến Thái Bình Dương, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvijay, tàu khu trục nhỏ mang tên lửa dẫn đường INS Shivalik, tàu hộ tống chống ngầm INS Kadmatt và tàu hộ tống tên lửa dẫn đường INS Kora.

Ba tàu còn lại được thiết kế trong nước và được trang bị nhiều loại vũ khí và cảm biến. Các tàu này là nền tảng quan trọng trong sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Các nước Đông Nam Á thường được xem là những nước hứng chịu các hành động cưỡng ép và quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, việc này càng khiến các nước này mong muốn tăng cường năng lực hải quân và năng lực phòng thủ toàn diện.

Khẳng định vị thế nước lớn

Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ là một bên quan trọng trong an ninh của Đông Nam Á. Thật vậy, kể từ năm 2014, Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, đã giữ vai trò tích cực, chủ động hơn với tư cách là nước đảm bảo an ninh trong khu vực thông qua chính sách Hành động hướng Đông.

Theo chính sách này, Ấn Độ đã tìm cách thiết lập quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á, ký kết một loạt thỏa thuận quốc phòng với các nước như Philippines vào năm 2017 và 2021, Indonesia vào năm 2018, Việt Nam vào năm 2020 và Singapore vào năm 2021.

Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cũng đã và đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Các hoạt động trao đổi hải quân trong vài tuần tới sẽ giới thiệu về năng lực chế tạo và công nghệ tiên tiến của Ấn Độ.

Khi các nước Đông Nam Á tìm cách hiện đại hóa và đa dạng hóa năng lực hải quân, Ấn Độ có nhiều tiềm năng để thâm nhập hiệu quả thị trường quốc phòng của các nước này.

Việc Ấn Độ tích cực can dự Biển Đông cũng ám chỉ các tham vọng của nước này. New Delhi rõ ràng sở hữu một nền quân sự hùng mạnh và nền kinh tế lớn, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chuyên gia Don McLain Gill thừa nhận, những năng lực này chưa đủ để củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc tiềm năng.

Cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể là một yếu tố quan trọng trong địa chính trị toàn cầu, nhưng đây chỉ là một phần trong chính sách đối ngoại và chiến lược tổng thể của New Delhi.

Điều quan trọng là phải xem xét các lĩnh vực khác để hiểu rõ hơn về các mục tiêu và quyết định chính sách của Ấn Độ.

"Ấn Độ luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hiện nay, nước này có lập trường rõ ràng hơn, tuyên bố Biển Đông là tài sản toàn cầu, ở đó mọi tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế và không làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của bất kỳ bên thứ ba nào có lợi ích liên quan tới vùng biển tranh chấp". (Premesha Saha, nghiên cứu viên Quỹ nghiên cứu nhà quan sát, Ấn Độ)

Theo Hồng Phúc (Báo Quốc tế)

HĐBA LHQ thông qua Tuyên bố của Chủ tịch về an ninh biển, khẳng định tầm quan trọng của UNCLOSHĐBA LHQ thông qua Tuyên bố của Chủ tịch về an ninh biển, khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS
Tin thị trường: nhu cầu khí đốt tăng chưa từng có, giá dầu biến động khó lườngTin thị trường: nhu cầu khí đốt tăng chưa từng có, giá dầu biến động khó lường
Chuyên gia luật biển Philippines: Không có sự thay thế UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp Biển ĐôngChuyên gia luật biển Philippines: Không có sự thay thế UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp Biển Đông

baoquocte.vn