Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và khách hàng
![]() |
![]() |
Rà soát kỹ quy định về giấy phép kinh doanh bảo hiểm
Việc quy định rõ ràng các vấn đề liên quan tới giấy phép, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm có ý nghĩa rất quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Quy định này là cơ sở để khuyến khích việc gia nhập thị trường, từ đó phát triển thị trường bảo hiểm một cách lành mạnh. Từ mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp nêu trên, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định về giấy phép, điều kiện cấp giấy phép trong dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch, không tạo các cách hiểu khác nhau.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long |
Về quy định tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong dự thảo luật, đại biểu Trần Hồng Nguyên chỉ rõ, tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư hiện được thể hiện theo tên cơ sở của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, vì vậy không còn phù hợp với dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị, rà soát tên các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng thời ngay tại dự thảo Luật này để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần được quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và của xã hội. Do vậy, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có nhiều quy định yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện cần phải thông báo đăng ký hoặc phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước. Khẳng định đây là yêu cầu cần thiết, song ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nhận thấy, các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại trong việc thực hiện các thủ tục này.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu chỉ rõ, theo báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính đã tăng từ 22% trong năm 2020 lên 26% trong năm 2021. “Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần công khai, minh bạch trong việc thực hiện thủ tục hành chính ngay từ trong các quy định của luật do Quốc hội ban hành, dự thảo Luật cần quy định rõ thời hạn thực hiện đối với các thủ tục hành chính, nhất là thời hạn mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời cho doanh nghiệp. "Minh bạch thời hạn thực hiện thủ tục là yếu tố quan trọng góp phần tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.
Duy trì hai quỹ sẽ tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia
Các ĐBQH cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm vì liên quan đến cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc), ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành phương án bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành thì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, tức là dùng để chi trả cho người được bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm trong tình trạng không thể thanh toán theo giao kết của hợp đồng bảo hiểm.
Mục đích của quỹ này là rất tích cực, song, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, khi đặt Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong tổng thể các quy định của dự thảo Luật sẽ nhận thấy có sự trùng lặp về mục đích của Quỹ này với Quỹ dự trữ bắt buộc. Theo quy định tại dự thảo Luật, mục đích của quỹ dự trữ bắt buộc là để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán. Như vậy, mặc dù rộng hơn nhưng mục đích của Quỹ dự trữ bắt buộc cũng đã bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Một lý do khác được đại biểu đưa ra là, sau gần 12 năm thành lập và trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chúng ta vẫn chưa phải sử dụng đến nguồn quỹ này. Các đánh giá trong tờ trình và trong hồ sơ dự án luật, quỹ này cũng ít có khả năng phải sử dụng.
Với một quỹ ít có khả năng phải sử dụng đến và bên cạnh đó cũng đã duy trì một quỹ khác có chức năng, mục đích tương tự nên nhiều ĐBQH tán thành với phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi mở là không tiếp tục duy trì Quỹ này. Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc duy trì hai quỹ song song sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người được bảo hiểm, vì các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, tất nhiên doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào giá thành sản phẩm để bảo đảm lợi nhuận. Hơn nữa, nếu duy trì 2 quỹ trong quá trình thực thi, trường hợp phải sử dụng nguồn tiền quỹ để thanh toán cho người được bảo hiểm sẽ phát sinh vấn đề phân chia tỷ lệ chi trả của từng quỹ như thế nào, mỗi quỹ bao nhiêu phần trăm và người được bảo hiểm nhận thanh toán từ 2 nguồn quỹ khác nhau, một bên là do doanh nghiệp quản lý, một bên là do Nhà nước quản lý, liệu rằng có làm phát sinh hồ sơ nhiều lần, phát sinh các thủ tục hành chính hay không?
Tại phiên họp hôm qua, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung cho ý kiến sâu về nhiều vấn đề có tính chuyên môn cao, khó và phức tạp như: hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm… Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, các cơ quan chuyên môn tập hợp đầy đủ ý kiến các ĐBQH và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng giải trình, tiếp thu và chỉnh lý thấu đáo đầy đủ các ý kiến để có một dự thảo Luật hoàn thiện nhất trình Quốc hội xem xét thông qua.
Theo Thanh Hải/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
- [PetroTimesMedia] 10 điểm mới trong Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
- Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020
- Thực sự phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân
- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cần ở mức độ cao hơn và sớm hơn
-
Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra thành công tốt đẹp
-
Chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù
-
Luật Đấu giá tài sản: Nâng mức đặt trước để hạn chế tình trạng "bỏ cọc"
-
Ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội
-
Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội vào ngày 20/5
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025