Tạo nền tảng cho công nghiệp khai khoáng

11:00 | 08/04/2020

353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -  Ngành khai khoáng nước ta lâu nay vẫn bị cho là manh mún, thiếu quy hoạch cụ thể, nên hiệu quả thấp và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Với cơ chế mở trong dự thảo điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành khai khoáng Việt Nam có nền tảng phát triển hiện đại và hiệu quả
tao nen tang cho cong nghiep khai khoang

Thứ trưởng Trần Quý Kiên

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua của ngành khai khoáng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược 2020-2030) với một số nội dung có tính thông thoáng hơn.

Trước hết phải kể đến đề xuất thay đổi “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn” bằng “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau tuyển, chế biến có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiêu xuất khẩu khoáng sản có quy mô lớn; nhập khẩu một số khoáng sản cần thiết phục vụ nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp”. Đây là phương hướng quan trọng có tính cơ bản nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản phù hợp với từng thời kỳ và định hướng nhập khẩu một số khoáng sản trong nước có nhu cầu nhưng không có hoặc thiếu.

Mục tiêu của Chiến lược 2020-2030 cũng có tính mở hơn đối với đầu tư nước ngoài như khuyến khích hợp tác với một số nước có công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến một số khoáng sản trong nước có tiềm năng lớn, điều kiện khai thác, chế biến khó khăn.

Về định hướng phát triển, Chiến lược 2020-2030 bổ sung định hướng đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông; yêu cầu hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, bảo vệ môi trường…

tao nen tang cho cong nghiep khai khoang
Tạo nền tảng cho công nghiệp khai khoáng

Trong các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác thăm dò, khai thác khoáng sản, Chiến lược 2020-2030 đã tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Trong đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu, chính quyền địa phương nơi có khoáng sản, khuyến khích người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn những vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, dự thảo điều chỉnh Chiến lược 2020-2030 đã tạo cơ sở, xây dựng theo hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoáng sản trên cả nước. Đến nay, dự thảo đã được sự đồng tình của đại đa số các chuyên gia, doanh nghiệp khai khoáng trên cả nước và đang hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, chỉ trừ dầu khí, than đá và khoáng sản phục vụ xây dựng, các loại khoáng sản khác đều phải tuân thủ theo đúng quy hoạch cụ thể, phù hợp với chiến lược thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản sao cho hiệu quả cao nhất.

Thành Công