Tăng cường giải pháp tài chính, giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

21:03 | 22/01/2022

262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các chuyên gia kinh tế, nhà quán lý, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, tìm kiếm các giải pháp thích ứng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay tại diễn đàn“Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ((VINASME)) tổ chức ngày 21/1.
Tăng cường giải pháp tài chính, giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết: Với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong 2 năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, dịch bệnh đã từng bước được khống chế và đẩy lùi, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, đảm bảo hai mục tiêu: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Các đại biểu đã đánh giá về thực trạng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, những khó khăn trong khủng hoảng nhân lực và tài chính của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), cũng như đưa ra nhiều dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế.

Theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thời gian qua đã có nhiều chính sách đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên việc hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời. Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tính kết nối, gắn kết giữa thực tiễn với chính sách.

Cùng đó, việc tác động và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để ban hành chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và sự vận động của kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số rất nhanh và rất linh hoạt.

Từ đó, ông Lê Minh Nam mong muốn các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và ngược lại, tiếp thu những ý kiến đóng góp và những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội.

Ông Lê Minh Nam nhấn mạnh, chúng ta sẽ tìm được giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong 2 năm qua cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong năm 2022. Các ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp sẽ được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phân tích, đánh giá, tổng hợp và đề đạt ý kiến chính thức lên diễn đàn Quốc hội. Theo đó, tôi mong muốn rằng các diễn đàn như thế này cần được tổ chức thường xuyên hơn, sâu rộng hơn, đặc biệt là tận dụng công nghệ trong thời 4.0 để nhiều doanh nghiệp đóng góp ý kiến, giúp cho chúng ta có được tiếng nói toàn diện, đầy đủ, chất lượng và đại diện cho phần lớn những đối tượng thụ hưởng, chấp hành chính sách.

Tăng cường giải pháp tài chính, giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
Toàn cảnh diễn đàn

Tại diễn đàn, Quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông VINASME Nguyễn Thị Bích Hường nhấn mạnh: Trong hai năm qua dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: du lịch, dịch vụ, vận tải, các doanh nghiệp sản xuấttại các khu công nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, dịch bệnh đã từng bước được khống chế và đẩy lùi, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi nhưng vẫn cảnh giác, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng chứng tỏ sức mạnh bền bỉ, sáng tạo, đổi mới, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phát triển ổn định kinh tế đất nước. Tuy tỷ lệ tăng trưởng GDP thấp nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng, đó là tín hiệu rất đáng mừng khẳng định tiềm năng cần khai thác.

Quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông VINASME Nguyễn Thị Bích Hường cho hay, nhưng DNNVV vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi tới đây. Những khó khăn từ trước tới nay là những vấn đề lớn của doanh nghiệp mà VINASME luôn kiên trì bảo vệ, kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ… thì qua thời kỳ dịch bệnh, khó khăn này lại càng chồng chất.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung với các doanh nghiệp đều là những người kinh doanh, có mối quan hệ tương hỗ với nhau, là bạn hàng của nhau, là đối tác của nhau. Nhưng trên thực tế, các ngân hàng là các doanh nghiệp lớn, tiềm lực kinh tế mạnh, nên nói một cách dân dã là ở "cửa trên" trong mối quan hệ qua lại này. Trong khi đó, DNNVV với số lượng đông đảo, sự đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước nên DNNVV cũng có vai trò hết sức to lớn, điều này cũng đã được khẳng định. Chính vì vậy, sự kết nối, phối hợp nhằm mục đích cuối cùng là hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp là một việc làm hết sức kịp thời trong giai đoạn khó khăn này.

Về giải pháp cụ thể, bà Nguyễn Thị Bích Hường đề nghị: "Mỗi ngân hàng xây dựng 1 chính sách đặc biệt chăm sóc cho các doanh nghiệp đang là khách hàng của mình, điều kiện là doanh nghiệp có phát sinh doanh thu trong 2 năm qua, hoặc cácdoanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành nghề đang có cơ hội phục hồi tốt. Mức đề xuất khoản vay tín chấp 1 tỷ đồng cho thời hạn 12 tháng. Những ngày đầu năm 2022, các kết quả kinh doanh từ các ngân hàng với các con số và tỷ lệ lợi nhuận ấn tượng từ các ngân hàng cũng truyền cảm hứng cho các DNNVV. Hy vọng rằng với các hỗ trợ kịp thời từ các chính sách của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng sẽ mang lại cho các DNNVV những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022".

Tăng cường giải pháp tài chính, giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại diễn đàn

Tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, trong tình hình khó khăn hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp nhiều hơn nữa dù 2 năm qua các ngân hàng chia lửa, đồng hành rất tích cực với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ vì lãi suất còn cao, doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó, quy định không phù hợp với tình huống bất bình thường hiện nay.

PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ: Về phía doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cần có cách tiếp cận bài bản hơn, không chung chung, để các ngân hàng không bị "mắc tội". Những đề xuất cụ thể mà bà Nguyễn Thị Bích Hường thay mặt VINASME như cho vay tín chấp 1 tỷ đồng là điều mà v đã kêu thảm thiết suốt 2 năm qua. Doanh nghiệp muốn được vay tín chấp. Hệ thống ngân hàng hãy đặt niềm tin vào doanh nghiệp, tạo điều kiện hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Hạ lãi suất chưa quan trọng bằng kéo dài thời gian cho vay. Nhu cầu tiếp cận vốn quan trọng hơn là hạ lãi suất. Đề xuất này của doanh nghiệp xuất phát từ thình hình thực tế của doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Sương - Trưởng ban Pháp luật – Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ: Nhiệm vụ trọng tâm của các ngân hàng giai đoạn này là hỗ trợ tích cực cho các khách hàng, các tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt là những đối tượng chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thực hiện miễn, giảm, cơ cấu lại nợ cho khách hàng, người dân theo các Thông tư của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng luôn cam kết, chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp, khách hàng và các đối tượng chịu ảnh huởg bởi dịch bệnh. Thời gian qua, đã có hơn 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hơn 5 triệu khách hàng được thụ hưởng từ các cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các địa phương làm thế nào để sử dụng, phát triển Quỹ hỗ trợ DNNVV một cách hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng là hỗ trợ ngành ngân hàng khi các DN vẫn chưa có đủ khả năng cũng như tài sản đảm bảo.

Đánh giá cao các tham luận, ý kiến góp ý từ các đại biểu, chuyên gia, đại điện doanh nghiệp, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký VINASME cam kết sẽ cùng đồng hành, chia sẻ cũng như chuyển những ý kiến này tới cơ quan chức năng có thảm quyền để xem xét giải quyết với mục tiêu nhằm hỗ trợ, chia sẻ tối đa những khó khăn, cũng như sớm triển khai các giải pháp để doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phú Văn

Ông Huỳnh Thế Du: Nên hỗ trợ doanh nghiệp Ông Huỳnh Thế Du: Nên hỗ trợ doanh nghiệp "khỏe", coi chừng gói tín dụng
Nghị quyết 68 hỗ trợ trên 33.505 tỉ đồng cho gần 28,3 triệu lượt đối tượngNghị quyết 68 hỗ trợ trên 33.505 tỉ đồng cho gần 28,3 triệu lượt đối tượng
Hiệu quả từ các “gói” hỗ trợ doanh nghiệp và người lao độngHiệu quả từ các “gói” hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động