Tân Hiệp Phát sợ phải thu hồi nên "giăng bẫy"?

07:00 | 07/02/2015

6,504 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có nhiều người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm nước uống của Tân Hiệp Phát không may có dị vật bên trong, rất dễ bị tiêu chảy. Những ai đi đòi quyền lợi mà dại dột “thỏa thuận ngầm” với Tân Hiệp Phát bị doanh nghiệp này bẫy cho “nhập kho”. Điều này lý giải vì sao các sản phẩm của hãng nước giải khát này đang ngày càng mất dần niềm tin của người tiêu dùng và cũng thưa vắng dần trên thị trường đồ uống.

Năng lượng Mới số 397

Bồi thường ảo - bị bắt thật

Cái tên sản phẩm nước uống của Tân Hiệp Phát lại tiếp tục gây xôn xao dư luận do liên quan đến loại nước uống có nhiều “khuyết tật”. Người tiêu dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát phải chịu thiệt thòi trước tiên khi mua những sản phẩm kém chất lượng như trên. Nhiều người vì không muốn làm lớn chuyện nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Một số người tiêu dùng dẫu có khiếu nại nhưng sự việc lại bị rơi vào quên lãng. Hay thậm chí, một số người “đạt được thỏa thuận” với đại diện của Tân Hiệp Phát lại vướng vào “cạm bẫy” tống tiền.

Vụ gần đây nhất, chai nước ngọt Number One của Tân Hiệp Phát có con ruồi “chìm nổi” bên trong. Anh Võ Văn Minh (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chủ quán cơm), phát hiện và liên hệ với đại diện của Tân Hiệp Phát.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Giữa 2 bên đi đến thống nhất, Tân Hiệp Phát sẽ “bồi thường” cho anh Minh 500 triệu đồng để “mua” sự im lặng. Đại diện của Tân Hiệp Phát và anh Minh viết thỏa thuận rồi giao tiền thì bị Công an tỉnh Tiền Giang ập vào bắt giữ. Anh Minh bị điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Kết cục cho ông chủ quán cơm và cũng chính là người từng làm đại lý tiêu thụ sản phẩm cho Tân Hiệp Phát phải có những ngày nằm trong nhà tạm giam để suy nghĩ về hành động nông nổi, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật.

Tân Hiệp Phát thì ngược lại - một doanh nghiệp được hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư được đào tạo bài bản nên những anh “nông dân” không thể “đùa bỡn”.

Nếu như anh Minh chỉ là trường hợp đặc biệt thì người dân có thể dễ “tặc lưỡi” thông cảm nhưng vụ việc này đã là bản sao của nhiều trường hợp khác.

Ngày 5/6/2012, anh Trần Quốc Tuấn (ngụ Bình Thạnh) cũng đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45B) Bộ Công an bắt về hành vi tương tự. Anh Tuấn phát hiện chai nước trà xanh của Tân Hiệp Phát có con gián bên trong nên cất giữ và liên hệ với đại diện Tân Hiệp Phát. Hai bên thương lượng và “chốt” ở mức anh Tuấn được bồi thường 50 triệu đồng. Trong lúc đang trao tiền và trả lại hiện vật, anh Tuấn bị các trinh sát Bộ Công an ập đến bắt quả tang. Sự việc anh Tuấn bị bắt đã làm “nóng” trên các diễn đàn lúc bấy giờ.

Chỉ sau đó khoảng 1 tuần, một thành viên của trang diễn đàn VozForum đã đăng những hình ảnh liên quan đến chai Dr Thanh có “dị vật” nổi lềnh bềnh trong chai. Hình ảnh được thành viên chụp và đăng tải lên trang mạng nhanh chóng thu hút cộng đồng.

Thành viên này kể, người mẹ bị ốm nên được bạn đến thăm và biếu cho 1 lốc trà Dr Thanh. Người này dẫn đứa cháu đi chơi và lấy 1 chai mang cho cháu thì phát hiện dị vật màu trắng như thạch dừa nổi trên cổ chai. Hạn sử dụng của chai nước này còn khoảng 3 tháng. Rút kinh nghiệm như trường hợp của anh Tuấn, thành viên của diễn đàn VozForum chỉ đưa lên diễn đàn cho mọi người “xem chơi” và ra giá 40 triệu đồng.   

Những vụ việc trên chưa gây hậu quả cho người sử dụng do phát hiện “dị vật” sớm. Trường hợp của ông Lê Cao Tánh (ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho con uống Dr Thanh dẫn đến tiêu chảy là có thật. Tháng 12/2012, ông Tánh thường mua 1 lốc 10 chai Dr Thanh cho con uống sau mỗi bữa cơm. Sau khi các con anh Tánh uống sản phẩm của Tân Hiệp Phát thì liên tục bị tiêu chảy. Ông Tánh cứ ngỡ con ăn trong trường mầm non không hợp vệ sinh nên đi ngoài.

Đến ngày 18/12/2012, con ông Tánh lại đòi uống Dr Thanh và phát hiện dị vật nổi ở cổ chai. Ông Tánh đã ủy quyền cho Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Lâm Đồng yêu cầu được can thiệp và làm rõ vụ việc.

Người tiêu dùng sản phẩm Dr Thanh đã quá quen thuộc với điệp khúc “dị vật” nổi trong chai của Công ty Tân Hiệp Phát. Tình trạng chất nhầy nhụa, ruồi, gián trong chai nghe như quen tai đối với sản phầm của công ty này.

Cũng trong tháng 12/2012, bà Tất Tố Mai, chủ quán cà phê Hàng Hải (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện nhiều chai Dr Thanh còn nguyên chai, nguyên kiện nhưng chất nhầy nổi “bồng bềnh” bên trong.

Từ những sự cố trên, chỉ có người tiêu dùng đành phải chịu thiệt thòi dẫu có đi đòi tiền “bồi thường” từ phía Tân Hiệp Phát. Những người tiêu dùng may mắn thì chưa uống phải, những người “vô phúc” thì uống vào dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Hơn thế nữa, những trường hợp tự đi đòi “công bằng” đã tự rước họa vào thân do bị rơi vào tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: “Phải thu hồi những sản phẩm kém chất lượng của Tân Hiệp Phát”

Từ những sự việc trên, có thể thấy, cơ quan chức năng đã “ngó lơ” trách nhiệm của Tân Hiệp Phát đối với những sản phẩm được đưa ra thị trường. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM phân tích: “Các cơ quan chức năng phải có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng với những sản phẩm… “khuyết tật” của Tân Hiệp Phát”.

Sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang mất niềm tin của người tiêu dùng

Theo quy định tại Điều 22, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa có trách nhiệm: Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm trên phải có trách nhiệm thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông.

Nội dung thông báo phải mô tả hàng hóa thu hồi, lý do thu hồi và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra. Ngoài ra còn thông báo thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa, các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi...

Tân Hiệp Phát còn phải có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi. Sau khi hoàn tất việc thu hồi phải báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật. Trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.

Luật sư Hậu dẫn giải, Điều 34 Nghị định 91/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương. Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

UBND cấp tỉnh tại địa phương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương, Sở Công Thương là cơ quan giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu kết luận vấn đề: “Cơ quan có trách nhiệm giám sát việc thu hồi là ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa, trường hợp việc thu hồi hàng hóa được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên sẽ do Bộ Công Thương giám sát”.

Hưng Long

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps