Tạm giam các bị cáo trong vụ án "bầu" Kiên

10:13 | 02/05/2014

960 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng ACB đang được tại ngoại sang tạm giam để phục vụ công tác xét xử.

>> “Bầu” Kiên bị truy tố với 4 tội danh

>> Bán mình cho… tiền!?

Bốn bị cáo nói trên là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB).

Như vậy, 8/9 bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Kinh doanh trái phép” và “Trốn thuế” đã bị Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (C46, Bộ Công an) bắt tạm giam. Riêng ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) do tuổi cao và đang điều trị bệnh nên được tại ngoại.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên tòa ngày 16/4/2014.

Liên quan đến phiên sơ thẩm phải hoãn vì bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt với lý do sức khỏe, ông Nguyễn Đức Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, trong thời gian luật định mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, nếu bị cáo Trần Xuân Giá vẫn không thể đến phiên tòa vì lý do sức khỏe, tòa sẽ cân nhắc, xem xét đến khả năng xét xử vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá. Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở tình trạng sức khỏe thực tế của bị cáo Trần Xuân Giá, tòa cũng có thể giải quyết theo hướng trả lại hồ sơ cho cơ quan truy tố hoặc tách vụ án, tách bị can ra khỏi vụ án này để tiếp tục xét xử những người khác. 

Tại Điều 194 - Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Giá vắng mặt có lý do chính đáng, tòa cũng có thể gia hạn thêm thời gian hoãn phiên tòa.

Hiện ông Giá đang được điều trị bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô với thể trạng cao huyết áp và u tiền liệt tuyến, đang chờ mổ.

Khoản 4 - Điều 139 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 3 - Điều 159 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội kinh doanh trái phép:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Ngày 12/12/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (thuộc Ngân hàng ACB) và một số doanh nghiệp. Quyết định truy tố 7 bị can với 4 tội danh. Tại cáo trạng này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Trung Cang (ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang).

Ngày 3/1/2014, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát đề nghị điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đến cáo trạng lần 2, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho Ngân hàng ACB. Đến ngày 20/1/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra với ông Phạm Trung Cang.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB bị truy tố về tội “Kinh doanh trái phép”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Trong vụ này, 6 người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc); Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn. Ngoài ra, hai bị cáo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến Kế, toán trưởng Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo truy tố, Nguyễn Đức Kiên thành lập 6 công ty và giữ chức Chủ tịch HĐQT. Lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị và điều hành Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên đã thực hiện hàng loạt các hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế thông qua 6 công ty trên.

Các bị cáo Giá, Cang, Quang, Kỳ, Hải, Kiên, Tuấn bị cáo buộc ban hành chủ trương uỷ thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại gần 719 tỉ đồng, đồng thời tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB gây thiệt hại gần 688 tỉ đồng. Tổng số tiền thiệt hại 9 bị can gây ra trong vụ án được cho là gần 1.700 tỉ đồng.

Khoản 3 - Điều 165 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

Phạm tội gây thiệt hại từ một tỉ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Khoản 3 - Điều 161 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội trốn thuế:

Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

T.M