Tại sao người giàu Trung Quốc chuồn ra nước ngoài?

13:18 | 21/08/2016

3,722 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thay vì lên tiếng đòi hỏi cải tổ và tạo ảnh hưởng tới hệ thống chính trị, người giàu Trung Quốc lại rời bỏ đất nước. Hiện tượng này hoàn toàn khác với lịch sử của tất cả các quốc gia trên thế giới khi chuyển từ một xã hội chậm tiến qua giai đoạn phát triển công nghiệp.

tin nhap 20160821131104

Người Trung Quốc chờ làm thủ tục di dân tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh

Cùng với sự phát triển thần tốc của Trung Quốc trong ba thập niên vừa qua là sự tăng vọt về số lượng người giàu ở nước này. Nếu năm 2008, số triệu phú ở Trung Quốc chỉ là 300 nghìn người thì đến năm 2014 đã tăng trên 1 triệu người.

Mối quan tâm của chính quyền Trung Quốc hiện nay là một phần không nhỏ những triệu phú ấy đã hoặc đang tiếp tục tìm đường ra đi khỏi đất nước bằng chương trình di dân đầu tư ở một số các quốc gia phương Tây. Hậu quả của tình trạng là Trung Quốc bị thất thoát tài nguyên nhân sự và mất hàng nghìn tỷ USD trong thập niên qua.

Trên tạp chí Asian Survey số tháng 8/2016, Steve Hess, giáo sư phụ giảng khoa học chính trị trường đại học Bridgeport, Connecticut, cho rằng dân chúng rời bỏ đất nước ra đi là một dấu hiệu suy giảm tinh thần ái quốc và thiếu tin tưởng vào sự bền vững của chế độ chính trị. Có nhiều điểm cần dè dặt về cách phán đoán ấy. Trước hết, qua lịch sử, dân Trung Quốc chứng tỏ là những con người có tinh thần thực dụng, họ sẵn sàng đến định cư ở nơi nào có điều kiện đáp ứng được nhu cầu của đời sống. Do đó Hoa kiều có mặt ở bất cứ vùng đất nào trên thế giới. Nhưng nên phân biệt những người này gốc gác hầu hết là dân nghèo không phải thành phần giầu có như hiện tượng người ta đang chứng kiến gần đây.

Từ 1990 đến 2000 mỗi năm có khoảng 400.000 di dân. Tổng số Hoa kiều trên thế giới năm 1993 là 4,1 triệu, nay lên tới 10 triệu. Mỹ là nước có nhiều di dân gốc Hoa nhất, hơn 2 triệu, rồi tới Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản... Di dân ra đi từ Trung Quốc gia tăng cùng với thời kỳ kinh tế quốc nội phát triển chứ không phải là khó khăn.

Những di dân này có trình độ học vấn khá và thu nhập cá nhân cao. Năm 2014 có 459.800 du học sinh Trung Quốc ở Mỹ trong số đó 274.000 cấp cao học. Mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là số sinh viên tốt nghiệp ở lại Mỹ không về nước, nhất là thành phần trình độ tiến sĩ và những lãnh vực chuyên môn khác.

Mặc dù Trung Quốc đã thi hành nhiều biện pháp để khuyến khích sinh viên tốt nghiệp trở về, kể cả các biện pháp đãi ngộ về việc làm, lương bổng, tiền thưởng, nhà ở miễn phí và những phụ cấp khác, nhưng kết quả chỉ có giới hạn và tình trạng chảy máu chất xám vẩn tiếp tục.

Một vấn đề khác có hậu quả trực tiếp hơn là sự ra đi khỏi Trung Quốc của những người thành phần giầu có, được gọi chung là HNWI (High-Net-Worth Individuals). Giới này kéo theo họ tình trạng thất thoát tư bản ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Họ tìm ra những phương cách hiệu quả để thoát khỏi nỗ lực của nhà nước Trung Quốc nhằm kiểm soát và hạn chế thất thoát tư bản. Có cả một hệ thống ngân hàng, tài chính, kinh tế và pháp lý trên khắp thế giới tiếp tay với HNWI để trợ giúp chuyển tư bản từ Trung Quốc ra nước ngoài cùng với những di dân.

Sự ra đi của giới HNWI gây ra hai hậu quả trái ngược. Một mặt là tổn hại như đã nói trên nhưng mặt khác lại giúp cho sự ổn định của chế độ. Giảm thiểu những tiếng nói đối lập và hành động phản kháng từ các thành phần có nhiều tiềm lực này khiến cho chế độ tồn tại vững vàng hơn, đồng thời bớt có sự chống đối. Nhưng đối chiếu hai mặt tương phản đó, hầu hết các nhà quan sát nhận định rằng phần hại lớn hơn và về lâu về dài tác động sẽ tích lũy mạnh mẽ dần tới một lúc vượt khỏi khả năng giải quyết của chính quyền Trung Quốc.

Trên căn bản, HNWI rời khỏi Trung Quốc không giống như các chính trị gia đối lập hay những dân tị nạn muốn tránh sự đàn áp nhân quyền. Dân Trung Quốc có thể không nhận biết về những sự ra đi ấy và do đó không tác động gì ngay về mặt tinh thần, nhưng lâu dài họ sẽ cảm thấy bất bình vì họ không được hưởng cuộc sống dễ dãi tại trong nước mà cũng không thể có điều kiện tìm ở nơi khác như mong muốn.

Tâm lý ấy sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu và hạ lưu gia tăng đòi hỏi cải cách, nhất là khi mà sự thất thoát tư bản sẽ khiến ngân sách quốc gia thiếu hụt không còn đủ để đài thọ cho những chương trình quốc nội từ an ninh đến xã hội.

H.Phan

AP, AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc