Sự thật về tái định cư ở Đakđrinh

10:03 | 07/11/2014

2,849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, trên một tờ báo có đăng bài phản ánh về cái gọi là “sự tận khổ” của một số bà con ở khu vực Nhà máy Thủy điện Đakđrinh… Bài báo đã gây bức xúc cho chính quyền địa phương và lãnh đạo, cán bộ, công nhân nhà máy. Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về công tác đền bù, giải tỏa và giúp người dân tái định cư ổn định cuộc sống, phóng viên Năng lượng Mới đã đi điều tra về cuộc sống người dân ở nơi đây.

Năng lượng Mới số 372

Liệu có “tận khổ”?

Tôi xin thưa ngay là không, 100% là không. Bà con nơi đây đang sống khá sung túc, nếu không muốn nói là khá hơn nhiều một số địa phương trong cả nước.

Tôi và Trần Thông, phóng viên Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, cùng hai cán bộ của Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh thuê con thuyền nhỏ của một người dân địa phương bám hồ chứa Thủy điện Đakđrinh làm nghề “tay trái”, để làm phương tiện vượt hồ từ huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) sang huyện Kon Plông (Kon Tum).

Chiếc thuyền nhỏ được gò bằng tôn, như chiếc lá tre giữa biển nước mênh mông. Sơn (chủ thuyền) là chàng thanh niên nhanh miệng và vui tính, giọng anh rổn rảng át tiếng nổ phành phạch của chiếc máy Koler cũ. Anh kể, nghề chài lưới trên hồ tuy vất vả, nhưng do còn ít người làm nghề này nên thu nhập cũng khá, bình quân mỗi đêm cũng được “vài trăm”. Đêm rồi vừa thả lưới, vừa buông câu anh cũng kiếm được “dăm trăm”. Dưới đáy thuyền xâm xấp nước, con chép chừng “hai ký” vàng ươm và con cá trầu cỡ “cổ tay” quẫy ùng ục, nước bắn lên tung tóe. Sơn bảo, chỉ hai con này bán cũng được trên “hai trăm”.

Lớp học trong khu tái định cư Đắk Nên

Mất gần 30 phút chiếc thuyền mới cập bến phía xã Đắk Nên, huyện Kon Plông. Nhờ mối quan hệ thân tình, anh Trần Văn Thuần cán bộ của Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh đi cùng liên hệ từ trước. Lên bờ là chúng tôi “tăng bo” ngay bằng xe gắn máy, phải đi hơn 7km nữa mới đến UBND xã Đắk Nên. Con đường bê tông quanh co uốn lượn quanh sườn núi như nét vẽ giữa đại ngàn. Thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp một cụm dân cư mới được xây dựng, nhà mới mái ngói đỏ tươi. Anh Nguyễn Thanh Hải, cán bộ địa chính xã Đắk Nên, làm “tài xế xe ôm” chở tôi cho hay, đây là các khu tái định cư (TĐC) của đồng bào trong xã di dời từ lòng hồ lên.

Giữa rừng xanh núi thẳm, cơ ngơi của UBND xã Đắk Nên khá bề thế. Tiếp chúng tôi là anh Ka Ngọc Nguyên - Phó chủ tịch UBND xã phụ trách mảng kinh tế nông - lâm. Nguyên còn rất trẻ, là người dân tộc Ka Dong, trưởng thành từ cán bộ đoàn. Anh vừa đi dự cuộc họp chi bộ ở thôn về, hai má ửng hồng như má con gái anh bảo: “Xã mình có 192 hộ/816 khẩu phải di dời để xây dựng Nhà máy Thủy điện Đakđrinh, có 4 khu TĐC mới và 8 khu tái định canh. Vì vậy cán bộ xã phải bám thôn để nắm bắt tình hình tư tưởng của bà con. Các cuộc họp chi bộ, Đảng ủy phân công các đảng ủy viên bám chi bộ để cùng chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo cho sát đúng, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh…”.

Chiêu một ngụm nước anh trầm ngâm: “Phải nói rằng, về các khu TĐC là bà con mình được đổi đời. Được sống trong các ngôi nhà mới khang trang, xây dựng kiên cố. Đường giao thông, nước sinh hoạt, rồi điện, trường học, trạm xá được xây dựng mới, vậy mà vẫn còn 11 hộ ở thôn Xô Luông không chịu dọn về nơi ở mới…”. Hỏi tại sao, anh bảo phần vì bà con lưu luyến nơi ở cũ, phần cũng do mình làm chưa thật tốt công tác tuyên truyền, vận động.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Nghĩa Phúc vừa đi cơ sở về ngồi ngay vào bàn làm việc với chúng tôi. Giọng Nghệ An nằng nặng, anh cho hay, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh hỗ trợ cho mỗi khẩu một tháng là 30kg gạo, kéo dài trong 4 năm. Với số gạo này bà con ăn không hết, đã có hiện tượng nhận gạo về là đổi rượu. Từ rượu sinh ra đủ tệ nạn, say xỉn đánh nhau mất đoàn kết cũng có, tai nạn giao thông gây thương tật cũng có…

Để tình trạng này kéo dài là không ổn, chúng tôi họp với dân, bà con đồng tình ký vào bản thỏa thuận, mỗi tháng một khẩu chỉ nhận 15kg gạo, số còn lại quy ra tiền để bà con mua thêm thực phẩm khác. Hợp lý, hợp tình là vậy, thế mà lại có ý kiến cho rằng, Đakđrinh không cấp đủ gạo cho dân, chính quyền xã không chăm lo quan tâm đến lợi ích của người dân, để nhân dân thiếu đói.

Chúng tôi đã đi nhiều nhà máy thủy điện. Nhưng có thể khẳng định, các khu TĐC Thủy điện Đakđrinh được xây dựng ở xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) và các xã Sơn Long, Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) là một trong các khu TĐC tốt nhất. Diện tích đất ở và đất vườn liên kề mỗi hộ 1.000m2. Ngoài ra mỗi hộ còn được cấp 1ha đất rẫy, 4 sào lúa nước gần khu TĐC, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất. Chỉ riêng nhà ở, trước khi xây dựng chủ đầu tư đưa ra nhiều mẫu nhà phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc để bà con tham gia lựa chọn. Và chỉ xây dựng khi được sự đồng ý của cộng đồng dân cư. Không chỉ vậy, ngoài ngôi nhà mới xây, toàn bộ khung nhà cũ (đã được đền bù) của đồng bào được hỗ trợ tháo dỡ về dựng liền kề với nhà mới làm nhà kho.

Nhiều khu TĐC ở đây không khác gì các khu phố mới ở thị tứ, thị trấn dưới đồng bằng. Tại khu TĐC ở thôn Sô Thác, xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) chỉ có 25 hộ dân là đồng bào dân tộc Ka Dong, mà có hẳn một ngôi trường. Trường nằm kề ngay bên đường. Tôi lặng lẽ theo dõi giờ giảng bài của một cô giáo trẻ, trong lớp chỉ có chừng 10 học sinh, các em ngồi ngay ngắn lắng nghe cô giảng. Dường như biết có khách đến thăm, cô giáo cho lớp ra chơi. Qua câu chuyện, tôi được biết cô giáo Chung Thị Thu Huyền, quê tận Đắk Lắk, tốt nghiệp sư phạm, được phân công về dạy học ở đây. Cô bảo, lớp chỉ có 11 học sinh là con em đồng bào ở khu TĐC, các em ngoan và chăm học.

 Chúng tôi ghé vào nhà anh Đinh Văn Thìn, ở thôn Đắk Lai. Chủ ngôi nhà mới 65m2, còn thơm mùi sơn, tay chỉnh chiếc máy thu hình kê trên chiếc tủ mới. Thìn kể, nhận tiền đền bù hai đợt ngoài việc chi tiêu cho việc mua sắm vật dụng mới, anh còn gửi tiết kiệm được 80 triệu. Vụ này gia đình anh thu hoạch lúa rẫy, lúa nước ước được 20 bao, nhẩm tính mỗi bao 50kg thì cũng được cả tấn thóc, ngoài ra còn sắn, bắp trồng xen canh.

Toàn bộ sản lượng lương thực này không phải đụng đến, vì chỉ ngay khoản gạo hỗ trợ mỗi tháng 1,2 tạ (nhà anh có 4 khẩu gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ) ăn cũng không hết. Thìn khoe, nhà anh có 5 con bò. Còn heo, gà, vịt có cả đàn. Bữa ăn hằng ngày ngoài rau, cá còn có thịt, chẳng bù cho ngày trước, chỉ có ngày cúng lúa mới, ngày tết của đồng bào mới có thịt.

Chẳng kém các khu TĐC ở Đắk Nên, ở thôn Đức Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), bà con nơi đây chọn mẫu nhà tương tự kiểu nhà sàn thường gặp. Nhà liền nhau san sát trông như một khu phố sầm uất. Toàn bộ các hộ dân di dời lên khu TĐC này là dân xóm nghèo ở xã Sơn Liên. Anh Lương Minh Hùng, Phó phòng Kỹ thuật nhà máy, trước đây được phân công cùng địa phương đi điều tra, khảo sát kể rằng, có lẽ xóm nghèo này là nơi nghèo nhất của tỉnh Quảng Ngãi.

Trước đây họ sống “năm không”: không nhà, không tài sản, không điện, không đường, không trường, trạm. Nơi họ cư trú là những cái chòi lụp xụp. Quanh năm thiếu thốn đủ bề. Gặp ông Đinh Văn Huyết, chủ một ngôi nhà to nhất làng, ông cười nói như khoe, mình đổi đời, cả làng mình đổi đời, ăn ở bây giờ sướng lắm, sướng cái bụng lắm, anh Hùng nói nhỏ với tôi, ông còn có đến 700 triệu gửi ngân hàng.

Khổ vì... mặt tiền?

Khác hẳn với không khí vui vẻ ở nhà anh Đinh Văn Thìn, trong ngôi nhà xập xệ nằm ngay ven đường chống ngập, con đường vừa mới được thi công bằng bê tông xong, trở thành tỉnh lộ 676, thay cho con đường cũ giờ đã ở dưới lòng hồ, là nhà của anh A Ka Lang, thôn Xa Luông, hỏi tại sao khu TĐC mới đã xây dựng xong gia đình không chuyển về ở cho đàng hoàng, Ka Lang lắc đầu không nói. Phải gặng hỏi mãi Ka Lang mới thủng thẳng, ở phố giải tỏa nhà mặt đường đền bù cao hơn ở trong ngõ, nhà mình cũng mặt đường tại sao mức đền bù cũng như các nhà khác.

Trời ạ, thì ra vậy. Té ra anh này chưa chịu về nơi ở mới vì cái nhà cũ của anh đang ở lại là vị trí “mặt tiền”. Nhưng phải thưa ngay rằng, khi chưa tích nước, tỉnh lộ 676 nằm tít dưới lòng hồ bây giờ, cách nhà anh và 10 hộ còn lại cả “vài trăm mét” theo đường chim bay. Nhà anh và 10 ngôi nhà kia chẳng khác gì cái tổ chim treo trên sườn núi. Khi hồ tích nước, con đường chống ngập mới được thi công ngay phía sau của 11 hộ này. Khi xong đường, họ trổ cửa phía sau, thế là thành nhà “mặt tiền”. Và khi đã thành “mặt tiền” thì theo “lý luận” của Ka Lang, mức tiền đền bù phải cao hơn mới thỏa đáng! 

Khu tái định cư thủy điện Đakđrinh ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi

Cũng có ý kiến, tại sao người ở thôn khác lại được ở khu TĐC ở Xa Luông, còn người Xa Luông lại phải đi TĐC ở nơi khác. Cán bộ địa chính xã Nguyễn Thanh Hải giải thích, đúng là có một khu TĐC được xây dựng ở thôn Xa Luông, nhưng chỉ được 20 hộ. Trong khi đó thôn Xa Luông có đến 48 hộ phải di dời TĐC. Trước khi xây dựng đại diện cho thôn gồm già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ trực tiếp đi chọn đất cho dân. Cứ tưởng như vậy là được rồi, ai dè cả làng đi hết chỉ còn lại 11 hộ này chưa chịu đi, khuyết điểm của chính quyền là chưa giải thích cặn kẽ cho bà con mình hiểu.

Đấy cũng là lý do, cùng với cái cớ “mặt tiền” nó kéo lùi tiến độ di dời của cả khu TĐC này lại. Tất nhiên cả 11 hộ dân này đều đã nhận đầy đủ các loại tiền giải tỏa, đền bù, hỗ trợ tái định cư… như 37 hộ dân khác cùng thôn đã nhận. Cái “lý luận” nhà “mặt tiền” phải thêm tiền, đã làm mất đi sự thuần khiết hồn hậu vốn có của 11 hộ dân nơi đây. Nếu chỉ nghe phản ảnh một chiều như Ka Lang thì rất dễ đồng cảm và việc trách cứ những người có trách nhiệm như chủ dự án, chính quyền là điều rất dễ xảy ra.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh Trần Hồng Thắng, sau khi nhận được thông tin nói rằng “công ty anh nói một đằng, làm một nẻo” và “lén lút tự san ủi mặt bằng” xây khu TĐC mới sai vị trí so với thỏa thuận giao kèo với chính quyền, để rồi đẩy hàng trăm con người thôn Xô Luông “sống chênh vênh trên sườn núi”. Anh chẳng trách gì người đưa thông tin không chính xác ấy, anh còn bảo “có làm thì có sai” chúng tôi không phủ nhận điều ấy. Nhưng riêng với dự án này, đặc biệt là các khu TĐC cho đồng bào, chúng tôi bằng tấm lòng, bằng cả trách nhiệm và lương tâm của mình, đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và cố gắng tối đa những điều có thể để đồng bào sớm ổn định đời sống và sản xuất. Họ quy chụp vậy, chúng tôi chẳng khác gì “tội đồ”.

Tuy nhiên, phải nói lại cho rõ vấn đề này. Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh không phải là chủ đầu tư dự án bồi thường, di dân, TĐC. Mà chủ dự án ấy thuộc về chính quyền các địa phương. Với danh nghĩa là chủ đầu tư công trình thủy điện, Đakđrinh có trách nhiệm phối hợp và bảo đảm kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC của các dự án tại các địa phương (Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 8/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện”).

Thế mới phải tự nhắc mình và nhắc nhau. Đạo đức của những người cầm bút là phải viết đúng sự thật, phải cẩn trọng trong từng con chữ, thiếu tỉ mỉ, thiếu điều tra cặn kẽ là làm “biến dạng” sự thật. Và như vậy là xúc phạm người khác, xúc phạm cả một tập thể người lao động bao năm trời ròng rã nếm trải biết bao gian khổ giữa núi rừng heo hút.

Đến thời điểm này, Thủy điện Đakđrinh là là nhà máy có tỉ suất đầu tư lớn nhất về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và TĐC trong số các nhà máy thủy điện trên cả nước, với số tiền lên đến 1.567 tỉ đồng. Lãnh đạo nhà máy như ngồi trên lửa trước sự thiếu vốn. Tất nhiên, các loại vốn không phải dồn dập cần cùng một lúc. Song, nói như Phó giám đốc Vương Quý Thạch, chưa lo xong vốn cho dự án này thì dự án khác đã thúc sát rạt ngay sau lưng, chậm vốn là công trình chậm, ảnh hưởng dây chuyền. Có ở vào trong hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu hết nỗi khổ và sự lo toan “đồng tiền bát gạo” của những người có trách nhiệm ở đây.

Chúng tôi cho rằng, đến giờ phút này việc lo vốn để hoàn thành nhà ở cho đồng bào và các công trình phúc lợi, công trình phụ trợ ở các khu TĐC hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, để đồng bào “an cư lạc nghiệp” là sự cố gắng vượt bậc của nhà máy. Các dự án khác mà Đakđrinh còn gọi là “đang nợ”, một phần phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt; phần khác, việc cấp vốn là cấp theo tiến độ công trình. Các công trình đã hoàn thành phải chờ hội đồng nghiệm thu xong mới thanh toán… Với biết bao nhiêu dự án đang triển khai còn dở dang thì việc chậm vốn là điều không thể tránh khỏi.

 Phó trưởng phòng đền bù giải phóng mặt bằng Trần Văn Thuần, người trực tiếp tham gia từng dự án với các địa phương trong chuyến công tác với chúng tôi tâm sự, các hạng mục mà các nhà thầu triển khai thi công là khai hoang ruộng lúa nước, là hoàn thiện các hạng mục đang còn thi công dở dang của các công trình xây dựng hạ tầng cần phải hoàn thiện như: đổ tiếp bê tông mặt đường; gia cố rãnh dọc; tường chắn ta luy âm… Anh Thuần cho biết thêm, các vướng mắc về vốn đã được các bên phối hợp giải quyết kịp thời. Một số vướng mắc phát sinh đã được bàn bạc thống nhất tại cuộc họp ngày vào ngày 21/8/2014 do UBND huyện Kon Plông tổ chức.

Các khu TĐC ở Thủy điện Đakđrinh thực sự là những làng quê được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Cuộc sống mới của bà con nơi đây đang thực sự được đổi đời. Họ đang được tiếp cận với nhiều điều mới mẻ qua hệ thống giao thông hoàn chỉnh, qua ánh sáng văn minh do chính nguồn điện nơi dòng sông đang phát sáng. Khoảng cách nghèo nàn, lạc hậu đang dần được thu hẹp. Những người thợ Thủy điện Đakđrinh tự hào về sự đóng góp của mình trong việc làm thay đổi một vùng đất.

1. Tổng số chi phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư toàn dự án: 1.567 tỉ đồng.

2. Công tác bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất:

- Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng toàn dự án là 1.657,97ha.

- Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất toàn dự án là 656 tỉ đồng.

Trong đó: Địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 352 tỉ, địa bàn tỉnh Kon Tum 304 tỉ.

  Khu lòng hồ Thủy điện Đakđrinh có tổng diện tích là 843,4ha, gồm địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 510ha, địa bàn tỉnh Kon Tum là 333,4ha.

- Tổng số hộ dân phải di dời lên khỏi khu lòng hồ là 384 hộ, địa bàn Quảng Ngãi là 181hộ, địa bàn Kon Tum là 203 hộ.

*  Bồi thường đất theo đơn giá của UBND tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

*  Các khoản hỗ trợ cho dân tái định cư gồm đất ở và đất vườn liền kề là 1.000m2/hộ. Mỗi hộ được hỗ trợ:

+ Hỗ trợ di chuyển trong tỉnh 5 triệu đồng/hộ. Xây nhà cho hộ tái định cư dưới 5 khẩu là 65m2, trên 5 khẩu là 85m2 với số tiền xây dựng dao động từ 270 triệu đến 350 triệu đồng/hộ.

+ Cấp đất sản xuất nương rãy 1ha/hộ và 0,4ha đất sản xuất lúa nước/hộ.

+ Hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ vật nuôi gồm 1 con bê 1 năm tuổi và 2 con lợn 10kg/con. Hỗ trợ vượt nghèo gồm 5 triệu đồng/khẩu. Hỗ trợ y tế, chất đốt, thắp sáng; Mỗi khẩu thuộc hộ tái định cư được hỗ trợ 30kg gạo/tháng, thời gian là 48 tháng.

+ Ngoài ra còn có các khoản hỗ trợ khác như hỗ trợ chất đốt, thắp sáng, thưởng tháo dỡ đúng kế hoạch 5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ về nhà mới, người có công với cách mạng, hỗ trợ giáo dục.

3. Công tác đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng, công trình công cộng, nhà ở tái định cư:

- Tổng số vốn đầu tư là 911 tỉ đồng, gồm địa bàn Quảng Ngãi 283 tỉ đồng, địa bàn Kon Tum 628 tỉ đồng.

Công ty đã cấp vốn cho địa phương triển khai xây dựng 7 khu tái định canh, tái định cư; 5 công trình thủy lợi và xây dựng các công trình hạ tầng, công trình công cộng tại các khu tái định cư theo đúng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Đường giao thông Công ty DHC đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gồm các đường ngoại vùng, nội vùng trong khu tái định cư khoảng 10,71km với mặt đường rộng 4,5m cứng hóa bằng bê tông, các đường đi đến khu sản xuất với chiều dài khoảng 15,4km cứng hóa bằng bê tông. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum công ty đã đầu tư các đường nội, ngoại vùng khu tái định cư với chiều dài khoảng 5,5km, mặt đường 4,5m cứng hóa bằng bê tông, đường đi đến khu sản xuất dài khoản 8,5km cứng hóa bằng bê tông.

- Đường điện công ty đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum gồm 3 đường 22kV với tổng chiều dài khoảng 19,2km. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đường dây 22kV khoảng 2,86km; đường dây 0,4kV với chiều dài khoảng 3,95km.

- Các công trình nhà văn hóa, hệ thống trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở được đầu tư xây dựng theo đúng chuẩn quốc gia.

Hiện nay toàn bộ nhân dân thuộc diện tái định cư trên địa bàn hai tỉnh đã về nơi ở mới và từng bước ổn định đời sống sản xuất.


Đ.T.H