Sứ mệnh phát triển của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO)

07:00 | 26/08/2024

164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - TS Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng nhiệm vụ chính, dài hạn và cũng là cơ hội tốt của NSMO là lớn nhanh, lớn mạnh như "Thánh Gióng", để cùng với các cơ quan quản trị ngành điện như Cục Điều tiết Điện lực và các Cục, Vụ khác thuộc Bộ Công thương nhanh chóng thực hiện sứ mệnh phát triển thị trường điện để đáp ứng phát triển ngành điện và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Sứ mệnh phát triển của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO)
Lễ ký kết biên bản bàn giao giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương.

Từ đầu tháng 8/2024, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã chính thức tách ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 01/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, NSMO có nhiệm vụ trọng yếu là “lập phương thức chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy; điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; góp phần đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng” và các nhiệm vụ quan trọng khác theo quy định của ngành, quản lý nhà nước và pháp luật.

Đây là một tin vui cho những người quan tâm đến phát triển điện lực Việt Nam trong đó có tôi. Bởi lẽ: thứ nhất, NSMO đã được nâng đúng tầm theo thiết kế thị trường điện Việt Nam. Đây là một bước tiến triển tất yếu được mong đợi trong lộ trình tái cơ cấu và thực hiện thị trường điện (TTĐ).

Thứ hai, NSMO là đơn vị điều hành độc lập, không trực thuộc, không chịu sự chi phối của bất kỳ một thành viên tham gia TTĐ nào sẽ giúp tránh được những xung đột lợi ích, hành xử không công bằng, không minh bạch cho tất cả những thành viên tham gia cạnh tranh trong TTĐ. Điều này có lợi cho phát triển điện lực, người tiêu dùng điện và toàn xã hội.

Bài viết này phân tích, nhận định các sứ mệnh, thách thức và cơ hội mới của NSMO.

Nội hàm của sứ mệnh mới

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ chính mà A0 cũng đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua, kể từ khi Việt Nam hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh các cấp độ. Tuy nhiên, theo tôi nội hàm vai trò, sứ mệnh mới của NSMO rất rộng và quan trọng trong phát triển ngành điện và kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Đầu tiên, các nhiệm vụ điều hành giao dịch thị trường điện theo Điều 21 của Luật Điện lực hiện hành và Điều 55 Dự thảo 5 Luật Điện lực sửa đổi (bản tháng 8/2024) bao gồm nhiều hoạt động từ dự báo cung – cầu, lập kế hoạch vận hành TTĐ, điều hành TTĐ giao ngay, cung cấp dịch vụ phụ trợ, dịch vụ giao dịch, thanh toán mua bán điện, cung cấp thông tin thị trường cho đến các nhiệm vụ giám sát vận hành, đăng ký tham gia TTĐ, giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch thị trường để bảo đảm ổn định, hiệu quả và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Dự thảo 5 Luật Điện lực sửa đổi hiện đã bổ sung Điều 61 quy định rõ ràng hơn Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực. Như vậy, cùng với quy định về Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia tại Điều 42 Luật Điện lực hiện hành (và là Điều 89 Dự thảo 5 Luật điện lực sửa đổi), Luật Điện lực sẽ đảm bảo tính chính danh và trao quyền cho NSMO thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ vận hành hệ thống điện (HTĐ) và TTĐ của Luật Điện lực.

Thứ hai, với sản lượng điện thương phẩm trên 250 tỷ kWh/năm (2023), hệ thống điện Việt Nam có quy mô rất lớn, đứng thứ hai trong Đông Nam Á (sau hoặc tương đồng với Indonesia) và trong tốp 25 trên thế giới. Quy hoạch điện 8 dự báo tăng trưởng điện lực của Việt Nam rất cao, gần gấp đôi hiện nay vào năm 2030 nhằm đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Thêm vào đó, Việt Nam đặt các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường đầy thử thách: tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) và giảm phát thải ròng bằng 0 trong cơ cấu nguồn phát điện vào năm 2050.

Để thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ này, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các cơ chế thị trường điện hiện đại, xứng tầm để điều hành và phát triển ngành điện. NSMO rõ ràng đóng vai trò chủ chốt, tất yếu vào công cuộc phát triển thị trường điện này.

Thứ ba, trong tương lai không xa, để đáp ứng những thách thức mới trong chuyển dịch năng lượng bền vững, thị trường điện Việt Nam cần thay đổi thiết kế mới, phù hợp. Khi đó, NSMO sẽ có thêm nhiệm vụ điều hành các thị trường mới liên quan như các thị trường dịch vụ phụ trợ điều khiển tần số, các dịch vụ phụ trợ mới (quán tính, đáp ứng tần số nhanh, tốc độ thay đổi công suất, sức bền hệ thống), điều hành đấu giá quyền truyền tải tài chính (FTR), và nhiều khả năng sẽ điều hành các cơ chế quản lý công suất (như dự phòng chiến lược), đấu giá/lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển điện lực của thị trường công suất (từ quy hoạch điện). NSMO tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và điều hành thị trường bán lẻ điện, bắt đầu với việc quản lý, điều hành các dịch vụ bán buôn của cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) vừa mới được ban hành vào đầu tháng 7/2024.


Với các nội hàm rộng và quan trọng nêu trên và là đơn vị chính thực thi xây dựng các cơ chế điều hành TTĐ, cũng như điều hành trực tiếp các TTĐ và HTĐ, NSMO cần đóng vai trò chủ động, sớm chỉ ra những bất cập để đề xuất các thiết kế, cải cách TTĐ mới, phù hợp cho ngành điện hơn là thụ động chờ đợi, hay chịu sự chỉ đạo trong việc đẩy mạnh các chính sách phát triển điện lực.

Sứ mệnh phát triển của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO)
TS Thái Doãn Hoàng Cầu tại một buổi Hội thảo về Thị trường điện.

Thách thức và cơ hội

Rõ ràng, trong thời gian tới NSMO cần hoàn thành rất nhiều công việc liên quan trong quá trình chuyển tiếp, thành lập công ty khi tách ra khỏi EVN như: kiện toàn tổ chức, nhân sự, giải quyết các vấn đề nguồn vốn, khoản vay, trả nợ vay, v.v.. Các thách thức, khó khăn bao gồm cả việc phối hợp, vận hành các nguồn lực phát điện chủ chốt và lưới điện truyền tải, phân phối sẽ không được thuận lợi như khi A0 còn thuộc EVN.

Tuy nhiên, đó chỉ là những vất vả trước mắt. Theo Quyết định 752/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính hỗ trợ về pháp lý và tài chính để đảm bảo NSMO tiếp tục vận hành ổn định, liên tục hiệu quả sau chuyển giao.

Tôi cho rằng, nhiệm vụ chính, dài hạn và cũng là cơ hội tốt của NSMO nên là: lớn nhanh, lớn mạnh như Thánh Gióng để cùng với các cơ quan quản trị ngành điện như Cục Điều tiết Điện lực và các Cục, Vụ khác thuộc Bộ Công thương nhanh chóng thực hiện sứ mệnh phát triển thị trường điện để đáp ứng phát triển ngành điện và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Song song với thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi trước mắt, các nhiệm vụ vận hành hàng ngày, NSMO cần đặt mục tiêu và có kế hoạch liên tục đảm bảo duy trì tính độc lập, không thiên vị, năng lực chuyên môn cao để hỗ trợ cạnh tranh mua bán điện, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát minh đổi mới, phục vụ khách hàng.

Để đảm bảo công bằng và minh bạch, đơn vị điều hành TTĐ thường phải là cơ quan phi lợi nhuận hoặc có mục tiêu bất vụ lợi thương mại.

Minh bạch bao gồm minh bạch dữ liệu TTĐ và minh bạch trong quy trình lập phương thức vận hành HTĐ, điều hành TTĐ. Chúng ta biết rằng vấn đề đối xứng thông tin, tức là thông tin hoàn hảo là một trong những điều kiện cần để thị trường trở nên cạnh tranh hoàn hảo hơn. Thiếu thông tin sẽ tạo rào cản cạnh tranh không đáng có cho những đối tượng muốn tham gia thị trường điện (nhà đầu tư, công ty điện lực mới, ...) cần nghiên cứu tìm hiểu kỹ về nó. Minh bạch dữ liệu và thông tin giúp thúc đẩy phát triển thị trường điện công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.

NSMO đương nhiên đã phải là một trong những đơn vị hàng đầu có năng lực chuyên môn liên ngành kỹ thuật, kinh tế, thương mại và quản lý liên quan đến vận hành HTĐ, TTĐ. Tuy nhiên, NSMO vẫn cần liên tục cập nhật, nâng cao các năng lực này vì công nghệ điện lực thay đổi nhanh và chuyển dịch năng lượng bền vững có nhiều tác động lớn đến các phương thức quản lý, các quyết định vận hành HTĐ và TTĐ. Tại nhiều TTĐ như ở Úc (NEM) và bang Texas Mỹ (ERCOT), đơn vị vận hành TTĐ thường nắm vai trò chủ đạo trong việc đặt ra những vấn đề phức tạp của TTĐ và phát triển các giải pháp chuyên môn. Nâng cao năng lực chuyên môn giúp tối ưu hiệu quả kinh tế, giảm chi phí vận hành HTĐ, TTĐ, nhờ đó tiết kiệm chi phí cho người tiêu thụ điện.

Sứ mệnh phát triển của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO)
TS Thái Doãn Hoàng Cầu tại một buổi tập huấn.

Tầm nhìn mới – bệ phóng cho phát triển

Tôi và có lẽ rất nhiều người khác kỳ vọng trong tương lai không xa, NSMO sẽ trở thành một cơ quan quản trị ngành điện lớn, có tầm ảnh hưởng, cùng với các cơ quan quản trị khác làm bệ phóng cho phát triển Việt Nam như trường hợp của Cơ quan Vận hành Thị trường Năng lượng Úc (AEMO) đối với nước Úc.

AEMO có xuất phát điểm với tên gọi là NEMMCO chỉ vận hành hệ thống điện, điều hành thị trường điện các vùng Đông và Nam Úc (NEM) kể từ khi NEM chính thức vận hành từ cuối năm 1998. Từ tháng 7/2009, AEMO đảm nhiệm điều hành thị trường mua bán khí ngắn hạn cho các vùng Đông và Nam Úc và dần mở rộng điều hành thị trường điện quốc gia Úc (hiện vẫn chưa bao gồm vùng lãnh thổ Bắc Úc). AEMO không chỉ “giữ đèn sáng và nước ấm cho hiện tại” mà còn cho “tương lai” ngành năng lượng Úc thông qua nhiệm vụ lập Quy hoạch điện, thực thi dịch vụ đấu thầu công suất mới cho chính phủ của bang New South Wales và của các bang khác.

AEMO hiện đóng vai trò trụ cột trong chuyển dịch năng lượng bền vững Úc với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước hoặc vào năm 2050. AEMO đã và đang kề vai, sát cánh cùng các cơ quan quản trị ngành điện độc lập, phi lợi nhuận khác như Ban An ninh năng lương (ESB), Cục Điều tiết Năng lượng Úc (AER), Ủy ban quản trị (quản lý và lập quy định) thị trường năng lượng Úc (AEMC) cũng như hợp tác với nhiều đơn vị trong ngành năng lượng và các ngành liên quan để phát triển nhiều giải pháp mới cho các thách thức của ngành năng lượng Úc.

Lưu ý rằng, quy mô sản lượng điện hàng năm của Việt Nam hiện nay đã vượt Úc và dự báo đến cuối năm 2030 sẽ cao hơn gấp đôi Úc hiện nay.

Để hiện thực hóa sứ mệnh, tầm nhìn phát triển tương đồng cho Việt Nam, mong rằng Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu trách cấp đủ, kịp thời “áo giáp sắt, nón sắt, thanh gươm sắt, roi sắt và ngựa sắt”, tức các khuôn khổ pháp lý, nguồn lực, hỗ trợ cần thiết như thẩm quyền, tài chính, duy trì chính sách đãi ngộ về nguồn nhân lực cho NSMO và các cơ quan quản trị ngành điện khác để các đơn vị này có thể hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã được minh định trong Luật Điện lực và các Quyết định liên quan của Chính phủ.

Về tác giả

Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc.

Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.

Tham khảo

Cầu, T. D. H. (2024). Thị trường điện: nút thắt cần tháo gỡ ngay. Kinh tế Sài gòn. Số 28-2024: 50-53. 11/7/2024. https://thesaigontimes.vn/thi-truong-dien-nut-that-can-thao-go-ngay/

Cầu, T. D. H. (2024). Luật Điện lực mới: Cần tạo cơ sở pháp lý cho những thay đổi. Kinh tế Sài gòn. Số 23-2024: 58-59. 6/6/2024. https://thesaigontimes.vn/luat-dien-luc-moi-can-tao-co-so-phap-ly-cho-nhung-thay-doi/

Cầu, T. D. H. (2024). Thiết kế mới thị trường điện và các tác động & Thiết kế mới thị trường điện: Khuyến nghị các điểm chính cần xem xét. Kinh tế Sài gòn. Số 21-2024: 27-29 & 30-31. 23/05/2024. https://thesaigontimes.vn/thiet-ke-moi-thi-truong-dien-va-nhung-tac-dong/, https://thesaigontimes.vn/thiet-ke-moi-thi-truong-dien-khuyen-nghi-cac-diem-chinh-can-xem-xet/

Cầu, T. D. H. (2024). Thị trường điện tự do: Lựa chọn duy nhất?. Tia sáng, Số 10-2024: 8-10. 20/5/2024. https://tiasang.com.vn/dien-dan/thi-truong-dien-tu-do-lua-chon-duy-nhat/

Cầu, T.D.H. (2024). Kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc và khuyến nghị cho Indonesia và Việt Nam. PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam 20 & 21/3/2024. https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-1-thi-truong-dien-uc-va-kinh-nghiem-cai-cach-707689.html, https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-2-tai-sao-indonesia-va-viet-nam-nen-tham-khao-kinh-nghiem-uc-707768.html

Cầu, T.D.H. (2023). Luật NLTT cần đảm bảo cân bằng hài hoà các mục tiêu an ninh, hiệu quả và bền vững. Chuyên đề Vì sao cần sớm có Luật Năng lượng tái tạo? PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam. 25/12/2023. https://petrovietnam.petrotimes.vn/ts-thai-doan-hoang-cau-luat-nltt-can-dam-bao-can-bang-hai-hoa-cac-muc-tieu-an-ninh-hieu-qua-va-ben-vung-702476.html

Cầu, T.D.H. (2023). Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện. Chuyên đề Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước". PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam. 23/10/2023. https://petrotimes.vn/bai-11-ts-thai-doan-hoang-cau-phat-trien-dien-luc-hieu-qua-ben-vung-can-cac-co-che-thi-truong-dien-696765.html

Cầu, T.D.H. (2023). Mô hình nào cho Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia?. Dân trí. 24/06/2023.https://dantri.com.vn/tam-diem/mo-hinh-nao-cho-trung-tam-dieu-do-he-thong-dien-quoc-gia-20230624093356445.htm

Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Hoạch, N. H. (2024). Kỳ vọng gì sau khi A0 tách khỏi EVN, chuyển về Bộ Công Thương?. Tạp chí Năng lượng Việt Nam. 20/8/2024. https://nangluongvietnam.vn/ky-vong-gi-sau-khi-a0-tach-khoi-evn-chuyen-ve-bo-cong-thuong-33025.html

Luật Điện lực sửa đổi - Dự thảo 5 (bản tháng 8/2024), Bộ Công Thương.

Luật Điện lực - Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH ngày 25/01/2022.

Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 1/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Viện Năng lượng (2023). Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thuyết minh chung. Viện Năng lượng - Bộ Công Thương.

VTV (2024). Tách A0 khỏi EVN là cần thiết để xây dựng thị trường điện theo cơ chế thị trường. Đài truyền hình Việt Nam. 7/8/2024. https://vtv.vn/kinh-te/tach-a0-khoi-evn-la-can-thiet-de-xay-dung-thi-truong-dien-theo-co-che-thi-truong-20240807064128717.htm

Web page thông tin về AEMO: https://aemo.com.au/about/who-we-are

Thái Doãn Hoàng Cầu, PhD