Sông Đà ngày ấy… bây giờ

07:00 | 14/02/2013

1,513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vậy là, sau 7 năm thi công khẩn trương với tất cả quyết tâm, tài lực, trí lực, vật lực, có nước mắt, mồ hôi và cả máu của cả chục ngàn cán bộ, kỹ sư, lao động trên công trường Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện có tầm vóc lớn nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á, là dự án trọng điểm quốc gia - đã chính thức khánh thành ngày 23/12/2012, về đích “trước hẹn” 3 năm so với Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Con đường từ thành phố Sơn La vào Thủy điện Sơn La dài hơn 40km, theo các anh Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La (Ban A) thì “ngày xưa” phải đi mất gần ngày trời với bao khổ ải vì sự khó khăn, hiểm trở, đi phà, đi đò vượt sông Đà, gặp lũ thì coi như “xôi hỏng bỏng không”.

Nhớ lại lần chúng tôi ngược lên Mường La cách đây 7 năm, khi Thủy điện Sơn La chuẩn bị khởi công, ngăn sông đợt 1, đi qua Mường La thấy còn buồn hiu hắt vì hàng quán lèo tèo, điện đóm lập lòe… dù lúc đó “quân công trường” đã có mặt trên công trình 2 năm rồi để thi công các hạng mục giao thông, công trình phụ trợ, nhà ở công nhân…

Có người gọi tên chợ Mường La khi đó là “chợ vồ”, vì nguồn cung thực phẩm ít, ai nhanh tay “vồ” thì được, vậy nên công trường lúc đó hàng ngàn người tập trung cho thi công, bữa ăn còn đạm bạc là lẽ đương nhiên, dù đội quân “hậu cần” cũng đã cố hết sức tìm mua thực phẩm bằng nhiều nguồn khác.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Trước khi đoàn nhà báo chúng tôi vào nhà máy đã được anh Nguyễn Hồng Hà - Trưởng ban A tiếp và trao đổi vắn tắt tình hình chuẩn bị khánh thành nhà máy. Là người đã từng lăn lộn ở nhiều công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Tuyên Quang, nay ở Thủy điện Sơn La và khả năng tiếp tục “làm soái” ở Thủy điện Lai Châu, anh là người có khá nhiều kinh nghiệm quản lý, chịu bám hiện trường để kịp thời cùng phái viên Ban Chỉ đạo Nhà nước và tổng thầu giải quyết những vướng mắc.

Hỏi anh vắn tắt những yếu tố nào góp sức làm nên những kỳ tích để Thủy điện Sơn La “cán đích” trước 3 năm, anh Hà vắn tắt: “Chúng tôi đánh giá, công trình Thủy điện Sơn La đã hội tụ đủ các yếu tố: Thứ nhất, ý chí chính trị xuyên suốt từ trên xuống; Thứ hai, công tác di dân tái định cư ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thực sự là cuộc “đại chuyển dân” với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự vào cuộc hiệu quả của tất cả bộ máy trong tỉnh; Thứ ba, sự đoàn kết nhất trí, sự phối hợp các lực lượng trên công trường thể hiện rõ năng lực quản lý của Ban Quản lý dự án ngay tại công trình giữa Ban Quản lý dự án với tổng thầu và các nhà thầu. Rồi việc quyết định chọn công nghệ xây dựng đập như thế nào, là việc lớn quyết định tiến độ, chất lượng công trình sau này.

Vậy là, hai năm nay, lần lượt đưa 6 tổ máy vào vận hành, Thủy điện Sơn La đã sản xuất được gần 13 tỉ kWh điện an toàn. Về trước 3 năm cũng có nghĩa là làm lợi mỗi năm 15.000 tỉ đồng cho ngân sách.

Tại gian 6 tổ máy đứng “chỉnh tề như hàng quân”, chúng tôi gặp kỹ sư Ngô Mạnh Hùng, Trưởng kíp Phân xưởng Vận hành của Công ty Thủy điện Sơn La và cán bộ tên Lê Công Thành, sinh năm 1979 cùng nhóm với Hùng vận hành 6 tổ máy. Hùng cho biết, quê ở Thái Nguyên, đã công tác ở đây được 6 năm (từ 2007).

Anh đang làm nhiệm vụ trực tủ giám sát nhiệt độ và phanh cơ khí H1, anh học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, anh mặt tại Thủy điện Hòa Bình, Yaly, Tuyên Quang để có được thực tế trước khi vận hành Thủy điện Sơn La; các anh em ở kíp Hùng đều được chọn lọc từ nhiều trường, nhiều công trình khác nhau, ngành nghề khác nhau và được đưa đi đào tạo qua nhiều hình thức, mỗi đợt 4 tháng, rồi về làm việc tại đây. Tại mỗi công trình lại tích lũy thêm được một số kinh nghiệm trong việc xử lý vận hành.

Theo Hùng, Thủy điện Sơn La là nhà máy lớn nhất, máy móc hiện đại, đã được kết nối qua mạng chủ, chỉ điều khiển qua kích chuột, nhân lực ít nhưng đòi hỏi có chuyên môn cao, xử lý tốt các tình huống. Rồi tại phòng điều khiển trung tâm, chúng tôi cũng gặp 2 cán bộ trẻ đang say sưa chăm chú quan sát màn hình, tuổi chỉ trên dưới 30. Nhìn họ tự tin vận hành thiết bị, chúng tôi thầm cảm phục và tin rằng, thế hệ trẻ của Thủy điện Sơn La sẽ đứng vững ở mỗi vị trí của mình, vì dòng điện ngày mai của đất nước.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Kỹ sư Bùi Phương Nam, Trưởng phòng Giám sát kỹ thuật Ban A là hướng dẫn viên cho cánh báo chí đi hết các bộ phận chính của nhà máy, làm “guide” luôn cho báo chí, nơi nào nên chụp ảnh để phóng viên có những khuôn hình đẹp. Kỹ sư Nam cũng là một người trẻ, năng nổ, giỏi chuyên môn; xuất thân là người học về kinh tế, sau 2005 đi học cao học, 2007 về đây, lúc đó công trường bắt đầu đi vào thi công, giai đoạn nhộn nhịp nhất. Anh là kỹ sư hố móng trên công trường.

Chúng tôi hỏi: “Sau công trình này, chắc các anh chuyển sang Thủy điện Lai Châu?”. Nam cho biết: “Phòng em đã nhận đấu thầu gói thiết bị công trình bên Lai Châu rồi, mọi người đã chuyển phần lớn sang đó, còn em, nếu lãnh đạo lệnh đi là chúng em lên đường ngay”.

Thế mới biết, đâu chỉ có quân đội mới “quân lệnh như sơn”, những người làm thủy điện như anh kỹ sư trẻ đây cũng luôn luôn sẵn sàng hành trang, vững vàng tinh thần, tư thế để “hành quân” lên công trình mới bất cứ khi nào có lệnh! Và họ gần như đã quá quen điều đó rồi, nên chuyện ở, đi, di chuyển không có gì lạ. Vả lại, tuổi trẻ nhiệt tình, hăng hái lắm, lại được đào tạo cơ bản nên chẳng có gì ngăn được họ thực hiện những ước mơ, hoài bão!

Tôi biết, Nam là một trong số cán bộ có thành tích tốt nên được Ban Quản lý dự án đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp khánh thành Thủy điện Sơn La. Với Nam, kỷ niệm ấn tượng nhất chính là năm 2008, anh được phân công ở lại ăn tết với anh em trên công trường, vậy là đưa cả nhà lên chung vui để thông cảm với anh em. Nam coi đó là tết ấn tượng nhất, vui nhất!

Thủy điện Sơn La là công trình đầu tiên và duy nhất cho đến nay được ghi dấu bởi rất nhiều “kỳ tích”. Đó là: Công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á; Đập thủy điện lớn nhất Việt Nam; Hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam; Khối lượng bê tông đầm lăn lớn nhất; Thiết bị thủy lực siêu trường siêu trọng lớn nhất; Công trình có tiến độ thi công nhanh nhất được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt nhất; Đặc biệt, đây là công trình phát huy nội lực Việt Nam cao nhất; Có số hộ di dân lớn nhất từ trước đến nay.

Công trình của “ánh sáng lòng dân” vùng lòng hồ sông Đà đã được nghiệm thu và chính thức đi vào vận hành thương mại. Với người dân ở đây, nhất là bà con các dân tộc Tây Bắc, từ người Kinh, người Cống, người Si La… mỗi dân tộc vẫn giữ bản sắc riêng và vẫn uống chung một dòng nước này, dòng nước sông Đà kỳ vĩ. Và Tây Bắc vẫn là dải lụa đa sắc màu, vừa quen vừa lạ, vừa đầy bí ẩn và đam mê.

Kế tiếp những trang mới trong hành trình chinh phục sông Đà, ngày 24/4/2012, lễ ngăn sông Đà đợt 1 công trình Thủy điện Lai Châu đã được thực hiện. Sau một thế kỷ, ước mơ ngàn đời của bao con người vùng đất Tây Bắc đã trở thành hiện thực.

Thu Hiền