Sống chung với... rác thải

09:18 | 25/07/2018

901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường do vấn nạn xả rác bừa bãi trên địa bàn thành phố.
song chung voi rac thaiTP Hồ Chí Minh: Nóng vấn đề xử lý rác thải công cộng
song chung voi rac thaiNhững dòng sông bị “bức tử” ở Hà Nội
song chung voi rac thaiDọn rác từ trong đầu

1. Một buổi chiều tháng 7 trời chuyển mưa, chúng tôi đến khu vực phường 15, quận Bình Thạnh - nơi có con rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp) là một trong những nơi ô nhiễm nhất của TP HCM. Đứng trên cây cầu nhỏ bắc ngang con rạch và quan sát thì thật khó tin rằng, bao nhiêu năm qua người dân ở đây vẫn sống chung với dòng kênh ngập rác hôi thối này. Đúng hôm nước triều rút để lộ ra tất cả rác thải trong lòng rạch, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhưng bao nhiêu người đi qua cầu vẫn thản nhiên, có lẽ họ cũng quá quen với tình trạng này.

song chung voi rac thai
Người dân sống trong những căn nhà tạm bợ trên rạch Xuyên Tâm đoạn phường 15, quận Bình Thạnh

Đi bộ sang phía bên kia cây cầu nhỏ, gặp anh Nguyễn Trung Hiếu (29 tuổi) đang ngồi trước nhà nói với chúng tôi: “Hồi tôi còn nhỏ, con rạch này sạch, còn ra tắm được mà. Sau này nhà sàn nhiều quá lấn gần hết con rạch. Hồi đó chưa có cây cầu này, phải di chuyển qua lại bằng đò. Ngày xưa con rạch này rộng lắm, xà lan còn vào được, giờ còn nhỏ xíu à, rồi rác bỏ tùm lum”.

Chị Phượng (35 tuổi) đang ngồi chơi với hai đứa con trai trong hẻm nhỏ gần rạch Xuyên Tâm, nhớ lại: “Em về khu này sống từ năm 10 tuổi, giờ đã 35 tuổi rồi. Nguyên con hẻm nhỏ này gia đình dòng họ em ở đông lắm. Hồi đó con rạch này chưa ô nhiễm. Khu này bắt đầu ô nhiễm khoảng trước năm 2000. Người ta cứ đem rác ra quăng xuống rạch sao mà không ô nhiễm được”.

Còn chị Hằng, ở trong con hẻm nhỏ này, phía sau nhà gần giáp với con rạch Xuyên Tâm, cho biết: “Tôi đi làm cả ngày. Mua nhà rồi sửa chữa lại, làm cửa kín nên cũng ít ngửi thấy mùi hôi thối từ rạch bay vào. Nhưng những buổi trưa nắng nóng, nước triều rút thì hôi lắm”.

song chung voi rac thai
Rạch Xuyên Tâm ngày nước triều rút để lộ ra đầy rác thải

Trong khi đó, một cụ bà (80 tuổi) ở nhà trọ phía dưới chân cầu đi qua rạch Xuyên Tâm thì lắc đầu nói “suốt ngày ngửi mùi hôi thối”. Từ phòng trọ của bà nhìn thẳng phía sau là con rạch ô nhiễm và bốc mùi hôi nồng nặc. Bà cho biết thêm, phường cũng thường xuyên xuống xịt chất diệt muỗi và tuyên truyền người dân đừng vứt rác xuống rạch, ô nhiễm, nhưng chẳng ăn thua gì…

Hiện nay, hàng nghìn hộ dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ con rạch bị ô nhiễm này. Khu vực phường 15, quận Bình Thạnh hiện tại là nơi chịu cảnh ô nhiễm nặng nề nhất. Người dân nơi đây mong muốn dự án cải tải hệ thống rạch Xuyên Tâm sớm hoàn thành để không còn những hình ảnh xấu xí, ô nhiễm ngập rác hôi thối như thế này.

2. Bên cạnh những con rạch ngập rác và hôi thối thì tình trạng xả rác thải không đúng nơi quy định vẫn diễn ra thường xuyên ở TP HCM. Nhiều miệng cống thoát nước ở TP HCM thường xuyên đầy rác. Việc “vô tư xả rác” này không những gây khó khăn cho công nhân dọn vệ sinh cống thoát nước mà còn làm tình trạng ngập nước tại TP HCM ngày càng trầm trọng. Người dân có thể thấy tình trạng này trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh), đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), đường Dương Bá Trạc (quận 8)…

song chung voi rac thai
Không xa rạch Xuyên Tâm đang ô nhiễm và đầy rác thải là kênh Thị Nghè đã được cải tạo sạch đẹp, xanh tươi

Hay trên cây cầu bắc ngang đường sắt trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp), rác thường xuyên được tập kết hai bên đường dày đặc. Lực lượng chức năng đã cho gắn camera theo dõi nhưng đến tối vẫn đầy rác. Nhiều người đang chạy xe máy thản nhiên quẳng bịch rác bên cầu. Chưa kể, có người còn vô tư vứt túi rác thẳng xuống đường ray xe lửa bên dưới cầu.

Những đống rác tự phát này không thiếu thứ gì, từ rác sinh hoạt như túi nilon các loại, gối, chiếu, ly, mùng, mền, cát, đá, gạch, bàn ghế... chất thành đống. Không những vậy, gần các miệng cống, người ta còn vứt thức ăn thừa và có khi thức ăn rơi vương vãi xung quanh miệng cống, rất mất vệ sinh và là điều kiện cho ruồi, nhặng bu vào, gây ô nhiễm.

3. Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: Công tác thu gom rác trên địa bàn thành phố hiện nay đang còn nhiều bất cập, người dân vẫn vô tư xả rác ra môi trường. Biện pháp, chế tài xử lý hành vi xả rác ra công cộng chưa đủ sức răn đe.

Đại biểu Như Khuê dẫn chứng, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, sau mỗi sự kiện lớn là cả tuyến đường ngập trong rác, công nhân vệ sinh phải thu gom đến 4 giờ sáng mới hết rác. Hoặc tại khu vực đầu hầm Thủ Thiêm, sau mỗi đợt bắn pháo hoa đều có một bãi rác lớn. Sau khi đi giám sát tại địa phương, nhiều cử tri cũng phản ánh vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật, rác thải luôn ngập các tuyến đường.

“Thành phố đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, vì vậy cần xây dựng một khung xử phạt, chế tài thật nặng để răn đe, ngăn chặn hành vi thiếu ý thức khi vô tư xả rác nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Từ đó nâng cao ý thức người dân tại nơi sinh sống và cộng đồng” - đại biểu Như Khuê khuyến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Thanh Trí cho biết, việc thu gom rác thải hiện nay đã được nêu ra từ lâu và đến kỳ họp này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay, tại các quận, huyện đang tồn tại bất cập về việc thu gom rác sinh hoạt. Các loại rác như tủ, bàn ghế hỏng, đệm, chăn gối… không được các đơn vị thu gom rác tiếp nhận nên người dân thường lén lút vứt bừa bãi ra các khu đất trống, xuống kênh rạch, dòng sông... gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Thậm chí, một số cán bộ dù nhìn thấy hành vi này cũng làm ngơ bỏ qua do không biết xử lý ra sao, bởi dù có xử phạt cũng chỉ khoảng 500.000 đồng/lần xả rác, không đủ sức răn đe.

Đề cập đến vấn đề này, bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết, mỗi năm thành phố chi khoảng 4.000 tỉ đồng để thu gom rác thải, trong đó có gần 1.200 tỉ đồng dành cho việc xử lý nước thải sinh hoạt, 700 tỉ đồng chi cho việc quét rác, 88 tỉ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỉ đồng chi cho khâu xử lý rác thải… Tổng số kinh phí này mới chỉ là kinh phí trích ra từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa tính tới tổng số tiền người dân phải đóng để thu gom rác hằng tháng. Mặc dù kinh phí dành cho việc thu gom rác thải khá cao, xong hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, gây bức xúc trong dân thời gian qua. Đã đến lúc các nhà quản lý cần xem xét lại cách xử lý vấn đề này để bảo đảm môi trường sống trong lành, không ô nhiễm cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh, để thay đổi nhận thức người dân đối với hành vi xả rác nơi công cộng, trước mắt cần tăng cường việc quản lý Nhà nước, xử phạt thật nghiêm minh. Bởi cùng một người dân nhưng khi đi ra nước ngoài họ lại tuân thủ nghiêm việc bỏ rác đúng nơi quy định, còn tại Việt Nam thì họ lại vứt rác bừa bãi.

Thảo Nguyên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps