Dọn rác từ trong đầu

07:05 | 16/02/2017

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, đến đâu cũng thấy nhức mắt, nhức mũi vì rác thải. Rác chất thành đống, rác bay khắp mặt đường và rác ùn tắc ở các cửa cống, các rãnh nước.

Công nhân vệ sinh môi trường có cố gắng mấy cũng không thể thu gom hết rác hàng ngày bởi nhiều người vẫn vô tư xả rác. Vì thế, cần phải vệ sinh ngay từ những cái đầu vô ý thức mới mong khắc phục được vấn nạn rác thải lâu nay.

Nhiều người đã từng đi đây đi đó, đến những nước văn minh thường ca ngợi đất nước họ có nhiều cái hay, cái đẹp và học theo. Thế mà có việc giữ vệ sinh môi trường sống quanh mình thì chẳng chịu học. Người này xả rác bừa bãi thì người kia cũng làm theo vì không thấy ai nhắc nhở. Người có ý thức giữ gìn vệ sinh tốt nhìn thấy người xả rác hoặc tiểu tiện bừa bãi nhưng ngại không chấn chỉnh thì việc xấu cứ thế diễn ra.

don rac tu trong dau
Rác ở thành phố Vinh, Nghệ An

Rác thải có nhiều loại khác nhau: rác thải công nghiệp, rác thải văn phòng, rác thải xây dựng, rác thải y tế và rác thải sinh hoạt. Thu gom được hết các loại rác này đã khó, tìm chỗ để đổ và tiêu hủy càng khó hơn, vì chỗ nào đất cũng là vàng cả. Vì thế nên nhiều cơ sở y tế và các công trường xây dựng chỉ biết thuê người thu gom, còn mang đi đổ ở đâu thì không cần biết. Thế mới có những vụ xả rác bừa bãi bị phát hiện. Đêm khuya, có những xe chở phế liệu xây dựng đã liều lĩnh tìm chỗ đường vắng rồi trút bỏ từng đống vôi vữa, gạch vụn ra ngay mặt đường.

Ở đô thị, nhiều cuộc họp tổ dân phố đều mất thời gian vì chuyện vứt rác bừa bãi khắp các ngõ phố. Có nhà đi làm cả ngày, tối về thì xe thu gom rác đã đi rồi nên đã tùy tiện mang rác ra ngõ vứt bừa bãi. Có người mang rác từ nhà mình ra cửa nhà khác để. Nếu bị bắt quả tang thì cãi lộn xảy ra, mất cả tình nghĩa xóm giềng.

Ở vùng nông thôn, bây giờ rác thải cũng đã trở thành nỗi bức xúc của người dân. Hầu hết các làng quê chưa có hoạt động thu gom rác nên tất cả đều bị tống xuống sông ngòi, mương nước và cả hai bên đường đi. Lại còn trâu bò, gà, chó phóng uế tự do khắp nơi, tạo nên mùi xú uế rất khó chịu. Những đống rác lưu cữu nhiều năm ở ven làng trở thành những ổ dịch bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Các tuyến đường sắt cũng là nơi xả rác tự do của hành khách. Mỗi ngày có hàng chục tấn rác sinh hoạt cùng phân và nước tiểu tuôn xuống dọc đường tàu; vừa mất vệ sinh, vừa làm hư hỏng đường sắt.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi ngày một người xả ra 0,6kg rác các loại, 1 năm khoảng gần 200kg rác. Thế nhưng số rác hiện thu gom được mới đạt 65%, còn 35% tồn tại gây ô nhiễm môi trường sống. Biết là rác có tác hại đến môi trường nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức giữ gìn và cứ coi như đẩy rác ra khỏi nhà mình là xong việc.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016 với những quy định xử phạt cụ thể, mức phạt cao đối với hành vi vứt rác bừa bãi. Đó là giải pháp tích cực, nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ thực thi nghị định đó để hằng ngày săn bắt và xử phạt được người vi phạm? Bởi thực tế, nhiều quy định xử phạt các vi phạm hiện nay đều không có lực lượng để triển khai nên không đi vào cuộc sống. Vì thế, cần phải tổ chức lực lượng giám sát, nhắc nhở, xử phạt ngay nếu phát hiện hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng để chấm dứt tình trạng một người vi phạm không sao thì người khác cũng làm theo.

Việc cần làm bây giờ là giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường phải được bắt đầu từ trẻ nhỏ và ở tất cả những môi trường mà trẻ có mặt như gia đình, nhà trường, đường phố, công viên… Quan trọng nhất, người lớn phải làm gương tốt cho trẻ. Nhưng chỉ giáo dục bằng lời nói, thiếu hành động thực tế sẽ không có tác dụng. Nếu người lớn cũng cứ vô tư xả rác ở bất cứ chỗ nào thì làm sao giáo dục và làm gương cho trẻ.

Lại nói về các nước văn minh. Từ mẩu giấy gói đồ ăn, từ cái vỏ kẹo hay mẩu thuốc lá người ta cũng mang đến thùng rác công cộng để bỏ vào. Thậm chí, thấy có rác là người ta nhặt cho vào thùng rác. Nhưng với nhiều người Việt ta, nhìn thấy rác thì coi như chuyện bình thường, sống chung với rác coi như đã trở thành thói quen. Vậy thì đến bao giờ mới có thói quen giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng? Nói thì hay nhưng làm thì dở, lại còn có thái độ coi thường công nhân vệ sinh môi trường. Khá nhiều người vô cảm trước sự tận tụy, vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường khi cả ngày lễ, tết, họ vẫn miệt mài, cần cù đêm hôm phục vụ mọi người vẫn chưa hết việc.

Chính vì thế mà, khắc phục được nạn rác thải thì cần phải dọn thứ rác rưởi ngay từ chính trong cái đầu của những người dân vô ý thức khi vẫn vô tư thải rác ra môi trường, miễn là nhà mình sạch là được!

Bùi Đức