Siu Black: Giám khảo cũng là con người

08:23 | 04/08/2015

3,620 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là lứa nghệ sĩ đầu tiên lấn sân sang “ghế nóng”, từng có nhiều thăng trầm với vai trò này và trong lần trở lại với sân chơi âm nhạc mới sau sự cố riêng, cựu giám khảo Vietnam Idol có những chia sẻ thú vị về vai trò được xem “làm dâu trăm họ” này.

- Điều gì là động lực khiến chị trở lại "ghế nóng" sau hơn hai năm vắng bóng?

- Từ ngày đầu nhận lời tham gia Vietnam Idol hay hiện tại tôi vẫn chỉ có suy nghĩ, có thể giúp được gì cho những bạn trẻ có đam mê ca hát và có ước mơ đứng trên sân khấu giống mình. Bởi vì điều mà tôi có chính là kinh nghiệm gần hai mươi năm đứng trên sân khấu và giờ mình tự tin mang cái vốn ấy đi truyền lại cho các em, thế hệ đi sau mình. Điều đáng mừng, nhờ ngồi ghế nóng tôi thấy có nhiều bạn trẻ có chất giọng tốt, có đủ tiềm năng để đứng trên những sân khấu chuyên nghiệp.

Vai trò của người giám khảo là phải giúp các em phát huy được thế mạnh của mình chứ không phải chỉ ngồi đó, xem các em ấy thể hiện ra sao và khen chê tùy hứng.

- Giờ đây, nghệ sĩ chạy show làm giám khảo không kém gì ca sĩ. Chị có suy nghĩ như thế nào? Ở hiện tại hay khi nhận lời làm giám khảo Vietnam Idol, thù lao có phải là yếu tố quan trọng với chị?

- Một chương trình tìm kiếm tài năng như Vietnam Idol diễn ra từ 4-6 tháng và người giám khảo gần như phải theo sát thí sinh trong tất cả các hoạt động. Khi nhận lời tham gia, chúng tôi phải sắp xếp lại những kế hoạch khác hoặc việc đi hát ở nước ngoài là không thể thực hiện được. Chúng tôi buộc phải đánh đổi, được cái này thì phải bỏ cái khác và chuyện chúng tôi nhận được thù lao tương đối với công sức của mình. Như vậy, mới có thể an tâm cống hiến toàn tâm sức cho việc đó.

Tôi không dám đánh giá những đồng nghiệp khác mà chỉ chia sẻ những suy nghĩ từ chính kinh nghiệm của mình. Suy nghĩ về thu lao của giám khảo là một con số hấp dẫn thì không đúng, những gì một giám khảo được nhận lại bằng đúng công sức mà họ bỏ ra.

Nữ ca sĩ Siu Black
Nữ ca sĩ Siu Black

- Nghệ sĩ lấn sân sang “ghế nóng” ngoài yêu cầu chuyên môn, còn có nhiều nguy cơ đến từ dư luận về phát ngôn, thái độ... và điều đó khiến không ít người lao đao với những “tai nạn” này. Chị có chia sẻ gì với đồng nghiệp của mình để ứng xử với “tai nạn” này và với khán giả cần có cái nhìn như thế nào với nghệ sĩ ngồi ghế nóng?

- Thực sự, khi ngồi ở vị trí đó, thì mọi hành động, lời nói của giám khảo đều rất quan trọng và cần sự chính xác cao. Chúng tôi cũng xác định được rằng, đó là nghề “làm dâu trăm họ” và phải làm vừa lòng nhiều phía: nhà sản xuất, thí sinh, khán giả… Nói cách khác, nếu các thí sinh chịu áp lực vì bị giám khảo bắt lỗi thì chúng tôi phải chịu sức ép gấp nhiều lần các bạn ấy. Bản thân tôi được mọi người yêu thương cũng là điều may mắn nhưng cũng từng bị không ít những sóng gió vì sự cảm tính và thẳng của mình. Vì sao khán giả vẫn thương, họ hiểu tôi không có ẩn ý, hành động này chỉ thể hiện cảm xúc vui sướng, hạnh phúc của mình tại thời điểm đó mà thôi.

Thực sự, ở vai trò người cầm cân nảy mưc, giám khảo có nhiều áp lực nhưng họ cũng có cảm xúc của mình. Họ cũng là con người mà, phải được quyền bộc lộ niềm vui, nỗi buồn khi họ dành tâm huyết cho những thí sinh của mình mà khi ở trong cuộc mới có thể cảm thông được.

- Trong thực tế, có không ít trường hợp nghệ sĩ có ít tuổi nghề, tuổi đời lại là cái tên đắt giá cho “ghế nóng” vì có lượng fan lớn. Chị có quan tâm đến điều này?

- Tôi nghĩ, đây là chuyện thuộc về trách nhiệm của ban tổ chức, nhà sản xuất chương trình vì họ chú trọng vào hiệu quả và họ cần những cái tên có đủ sức lôi kéo người xem. Trước nay tôi chưa khi nào quan tâm đến việc vì sao ban tổ chức mời người này mà không mời người kia. Họ mời tôi vì họ vẫn trân trọng những thành quả và những kinh nghiệm của mình được mọi người công nhận, thế thôi. Tôi vẫn có quan niệm rằng, điều gì khiến mình vui thì mình làm chứ không câu nệ nhiều.

Siu Black trở lại “ghế nóng”
Siu Black chính thức “tái xuất” sau scandal vỡ nợ
Đâu là sự thật về số tiền và lý do nợ nần của Siu Black?!

- Vậy theo chị, cần chuẩn bị gì để có thể được công nhận hơn khi ngồi ghế nóng?

- Không biết những bạn đồng nghiệp khác họ làm như thế nào nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, điều đầu tiên, phải nhớ được thí sinh của mình. Sau đó, phải hiểu được điểm mạnh, yếu và dòng nhạc mà thí sinh đó sắp trình diễn. Đó là những điều cơ bản cần thiết cho một giám khảo cần trang bị cho mình khi nhận lời mỗi cuộc thi. Hơn nữa, mỗi giám khảo cũng phải hiểu được sở trường của mình để kiểm soát mình tốt hơn khi ngồi vào vị trí đó. Bản thân tôi khi tham gia phải đặt cho mình những tiêu chí khắt khe để có thể hoàn thành vai trò của mình. Nên gần như tôi không bao giờ mắc lỗi chuyên môn. Chỉ có khi vui quá, tôi mới có những những hành động, lời nói bột phát.

Giám khảo cũng là người cần hiểu tâm lý của thí sinh và cần dùng những từ ngữ thích hợp cho phát ngôn của mình. Chúng tôi không “chê” theo cách thẳng thắng mà góp ý cho các bạn có thể sửa để làm được tốt hơn về sau. Có nhiều bạn thương lắm, trước giờ thi tìm gặp giám khảo khóc vì sợ, vì gặp thử thách khó thì chúng tôi phải là người bạn, người đồng hành để giúp các em lấy lại tinh thần và tiếp tục cuộc thi.

- Trong tình trạng các cuộc thi âm nhạc tổ chức tràn lan khiến các bạn trẻ chủ quan trong việc chuẩn bị kỹ năng để biến đam mê, ước mơ thành hiện thực. Chị có lời khuyên nào cho họ?

- Người xưa có câu “văn ôn võ luyện”, không ai làm tốt, thành công ngay từ lần đầu mà không có sự tập luyện, trau dồi cả. Vì vậy, các bạn trẻ trước khi tham gia cuộc thi cần phải dành thời gian tập luyện, nhất là ca hát, phải tập hát và tập phát âm cho đúng chuẩn kiểm soát được ngôn ngữ hình thể của chính mình.

Bản thân tôi trước khi đi biểu diễn chuyên nghiệp phải dành nhiều thời gian để khổ luyện cho minh có phong cách đẹp nhất, tự tin nhất khi đứng trên sân khấu. Có nhiều khán giả tâm sự với tôi rằng, họ thích cái khuôn miệng của tôi khi nhả chữ, nó đẹp và đáng yêu lắm... Đó không phải là vốn trời ban mà là kết quả của quá trình khổ luyện rồi trở thành thói quen của mình ở ngoài đời chứ không phải chỉ ở trên sân khấu.

Điều tôi muốn nhắn tới các bạn trẻ, sự thành công của một ca sĩ là cả quá trình khổ luyện nhưng không phải không thể nếu bạn có đam mê thực sự. Nếu bạn có ước mơ với nghề này đừng tiếc thời gian luyện tập, tìm hiểu nó thì bạn sẽ hái được quả ngọt do chính tay mình trồng mà thôi.

- Tuy nhiên, khi các cuộc thi ca hát nở rộ, dẫn đến tâm lý rằng, chỉ cần trải qua một cuộc thi là có thể thành ca sĩ và đây là nghề "hái ra tiền" và giúp đổi đời với nhiều bạn trẻ, chị thấy sao?

- Nếu đây thực sự là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ thì đúng là chuyện đáng buồn. Sự thành công hay nổi tiếng của ca sĩ là do nhìn nhận và tình cảm của khán giả. Đây là cái đích thực sự một ca sĩ cần hướng tới. Khi họ chinh phục được khán giả, họ sẽ thành công. Tôi thấy, những người đặt nặng về tiền bạc thì họ khó mà thành công được, trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Thời của tôi, việc được khán giả công nhận không hề dễ dàng, còn thời nay, các bạn trẻ có quá nhiều công cụ hỗ trợ để tiếp cận khán giả. Thậm chí có những bạn nổi tiếng trên mạng, tôi không nghe được họ hát cái gì nhưng khán giả vẫn xem và họ trở nên nổi tiếng trên Internet. Điều này đôi khi thật khó để lý giải nhưng vẫn phải chấp nhận. Nhưng tôi vẫn tin rằng, những bạn có đam mê, có nỗ lực thực sự thì sớm hay muộn, khán giả cũng sẽ công nhận và yêu thương họ. Khi đó, sự thành công ấy mới tồn tại lâu bền được, còn cái gì đến nhanh cũng sẽ ra đi rất nhanh.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Thanh Huyền

Năng lượng Mới