Xung quanh việc bắt buộc có bình cứu hỏa trong xe ôtô:

Sao máy móc như thế?

07:16 | 12/01/2016

1,605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tư 57 của Bộ Công an mới đây xuất phát từ nguy cơ cháy, nổ ôtô, xe máy trong thời gian qua. Tuy nhiên nhiều lái xe lo ngại chính bình cứu hỏa sẽ phát nổ khi để trên xe, còn chuyên gia về luật thì cho rằng quy định không phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Vẫn là đối phó

Theo quy định tại Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6-1-2016 thì tất cả các loại ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị bình cứu hỏa, nếu không có thì sẽ bị phạt tiền.

Đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy bằng hoặc cao hơn hướng dẫn tại thông tư này trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng. Trường hợp chưa được trang bị hoặc trang bị thấp hơn hướng dẫn tại thông tư thì thực hiện theo thông tư này.

sao may moc nhu the
Luật sư Tạ Anh Tuấn

Thông tư 57 của Bộ Công an cũng quy định phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định tại khoản 5, Điều 38, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16-12-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Trên thế giới cũng có một số quốc gia bắt buộc trang bị bình cứu hỏa cho xe ôtô như ở Nam Phi, Abu Dhabi hay Qatar… Tại các quốc gia này, nếu lái xe không trang bị bình cứu hỏa thì sẽ bị phạt tiền. Còn tại Quốc đảo Mauritius, bình cứu hỏa phải sát với ghế tài xế. Trường hợp bình chữa cháy nằm ở những vị trí khác thì tài xế sẽ bị phạt.

Trên thực tế, Thông tư 57 của Bộ Công an là xuất phát từ những vụ cháy, nổ xe máy, xe ôtô ở nước ta trong thời gian vừa qua. Trên phạm vi cả nước nói chung và tại thủ đô Hà Nội cũng từng xảy ra hàng loạt vụ cháy xe máy, ôtô khi đang di chuyển, vì không được trang bị bình cứu hỏa nên hầu hết các vụ cháy xe đều không được khống chế kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Băn khoăn có thật

Trong những ngày đầu thực hiện Thông tư 57 có hiệu lực, nhiều lái xe đã tỏ thái độ ngỡ ngàng vì không biết quy định này, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt nên được sự ủng hộ của người dân.

sao may moc nhu the
Lực lượng chức năng kiểm tra xe ôtô về việc thực hiện Thông tư 57

Thế nhưng, chỉ sau một ngày có hiệu lực, nhiều lái xe đã bày tỏ băn khoăn, thắc mắc khi bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa trong xe ôtô. Có ý kiến cho rằng để bình cứu hỏa trong xe không khác nào… bom nổ chậm. Thậm chí, có lái xe vì sợ bình cứu hỏa để trong xe sẽ phát nổ nên đã hỏi ý kiến người thân rằng có nên xả khí trong bình ra, chỉ để vỏ trên xe để qua mắt lực lượng chức năng.

Lo ngại này không phải là không có căn cứ. Ngày 31-7-2014, bình cứu hỏa mini của anh Lê Hồng Duy (ở Gia Lâm, Hà Nội) để trong ôtô đã bất ngờ phát nổ kèm theo bọt khí trắng xóa. Vụ nổ không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến nội thất trong xe bị rách nát, nhiều bộ phận bung ra khỏi khung… Đáng chú ý là bình cứu hỏa mini mà anh Duy mua có hạn sử dụng đến năm 2017 và được mua tại một siêu thị uy tín.

Theo tìm hiểu, bình chữa cháy là dạng khí nén ở áp suất cao, cần được bảo quản trong điều kiện mát mẻ. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản bình từ -10oC  đến +55oC. Thế nhưng khi nhiệt độ ngoài trời 35oC  thì chỉ cần 20 phút, ca-bin một chiếc xe nhỏ (không bật điều hòa) có thể đạt 50oC . Nếu thời gian là 40 phút, nhiệt độ ca-bin lên tới 65,5oC. Ở nhiệt độ này, những vật dụng như bình cứu hỏa, bật lửa, lon nước ngọt có gas đều có nguy cơ phát nổ. Theo phân tích này, việc bình cứu hỏa mini của anh Duy nổ khi để trong xe ôtô đã được lý giải.

Một lái xe ở Hà Nội than thở: Tôi phải đi mua 2 bình cứu hỏa mini cho 2 chiếc xe ở nhà. Cả 2 đều là bình chữa cháy dạng khô. Khi đọc thông tin hướng dẫn thì được biết là không được để bình nằm và phải cố định bình cứu hỏa ở một chỗ, không được để tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao hơn 50oC. Thế nhưng mùa hè, nền nhiệt dao động 35-40oC  ngoài trời, vào trong xe có khi lên tới 60oC. Vậy thì bảo quản kiểu gì?

Anh Nguyễn Anh Ngọc (40 tuổi), một lái xe ở Hà Nội thì cho rằng: Với những bình cứu hỏa mini thì khó có thể dập tắt được đám cháy nếu không bình tĩnh, sử dụng đúng kỹ thuật vì khi rút chốt bình cứu hỏa, bóp thử một lần là hết chứ chưa nói đến đám cháy xăng dầu hay hóa chất.

“Tôi thấy việc để bình chữa cháy mini trong ôtô chẳng khác gì một quả bom nổ chậm. Ở chỗ, các loại bình này bày bán tràn lan không có quy chuẩn, điều kiện đường sá ở nước ta vẫn chưa hoàn thiện, đi đường sẽ gây rung lắc hay khi nhiệt độ tăng cao lúc để xe ngoài trời có thể khiến bình cứu hỏa nổ bất cứ lúc nào” - anh Ngọc lo ngại.

Quy định chưa phù hợp?

Thông tư 57 của Bộ Công an hiện đang gây nhiều tranh cãi, ở góc độ pháp lý, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia luật và Liên danh cho rằng quy định trên không phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

“Thực tế cho thấy, ở Việt Nam vài năm gần đây có nhiều phương tiện giao thông như ôtô, xe máy đang lưu thông bỗng nhiên bốc cháy. Tôi nghĩ Thông tư 57 ra đời cũng xuất phát từ “thực tế” đó. Nhưng nếu áp dụng máy móc Thông tư 57 vào thực tế ở Việt Nam sẽ không phù hợp, thậm chí còn gây tác dụng ngược, nghĩa là tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng” - Luật sư Tuấn nói.

Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, với khí hậu Việt Nam nhất là vào mùa hè, nắng nóng, đậu xe dưới trời nắng hơn 40oC, thì nhiệt độ bên trong xe có thể lên tới 60oC, thậm chí 70oC. Đặc biệt, khu vực nằm dưới kính trước sẽ hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ mặt trời, nên nhiệt độ, cao hơn nhiều so với ngưỡng các bình chữa cháy chịu đựng được.

Trong điều kiện như ở Việt Nam, đặc biệt là vào mùa hè, thì người dân lo ngại bình chữa cháy trên xe chẳng khác gì là “quả bom nổ chậm” cũng là có cơ sở.

Hơn nữa, hiện tại có thực trạng cơ quan PCCC chưa kiểm soát đuợc chất lượng bình cứu hỏa, nên hàng giả, hàng nhái tràn lan - giá cả không thống nhất. Trong khi ý thức người dân lại chỉ nặng về tâm lý đối phó cho khỏi bị phạt, nên trang bị bình cứu hỏa để đối phó với lực lượng chức năng, tránh bị phạt, chứ chưa hẳn là vì mục đích đảm bảo an toàn.

“Cá nhân tôi thấy rằng, chúng ta nên cân nhắc giữa tính mạng và tài sản, cái nào quan trọng hơn thì ưu tiên bảo vệ cái đó. Còn người là còn tất cả, mất người thì có tài sản cũng chẳng để làm gì - thế nên trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, thì hầu hết mọi người đều sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Và khi xảy ra hỏa hoạn, thì việc cứu chữa bao giờ cũng ưu tiên cứu tính mạng người trước, sau đó mới đến tài sản. Vấn đề này đang dư luận rất quan tâm, tôi nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần chia sẻ với người dân, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia để có quyết định cuối cùng, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra” - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia luật và Liên danh nói.

 

Hinh Nguyễn

Năng lượng Mới 490