Sản xuất Ethanol: Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu

16:28 | 17/10/2017

2,663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để bảo đảm cho các nhà máy sản xuất ethanol hoạt động hiệu quả, đáp ứng đủ xăng E5, việc đa dạng hóa, chủ động nguồn cung nguyên liệu đầu vào là nhiệm vụ quan trọng phải làm. 

Diện tích sắn vượt quy hoạch

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm hiện nay, quy hoạch sắn để làm nguyên liệu sản xuất ethanol theo chương trình phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) của Chính phủ đã hoàn thành dự thảo và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, diện tích sắn ổn định 550 nghìn ha, năng suất sắn bình quân trên toàn quốc đạt 230 tạ/ha, sản lượng 12,65 triệu tấn. Trong đó, dành cho các cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 4,2 triệu tấn, sản xuất ethanol đạt 4,8 triệu tấn và xuất khẩu đạt 3,02 triệu tấn.

Như vậy, theo quy hoạch, diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NLSH đến năm 2020 đạt 159 nghìn ha, chiếm 35,45% diện tích sắn toàn quốc; năng suất sắn trong vùng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NLSH đạt gần 300 tạ/ha, sản lượng đạt 4,8 triệu tấn. Đáp ứng đủ cho 10 nhà máy sản xuất NLSH của Việt Nam hoạt động hết công suất. Giai đoạn 2021 - 2030, diện tích sắn ổn định 550 nghìn ha, tốc độ tăng trưởng về năng suất đạt bình quân 2,69%/năm, sản lượng đạt 16,5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng về sản lượng đạt 2,69%/năm. Trong đó dành cho các cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 5,35 triệu tấn, sản xuất ethanol đạt 5,4 triệu tấn và xuất khẩu đạt 4,93 triệu tấn.

san xuat ethanol da dang hoa nguon nguyen lieu

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng sắn đã vượt dự thảo quy hoạch. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt - chia sẻ: Diện tích thực tế đang sản xuất là 570 nghìn ha với sản lượng đạt 11 triệu tấn củ tươi, tương đương 3,6 triệu tấn sắn lát phơi khô. Nhưng với quy mô diện tích như hiện nay thì sản lượng sắn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vừa lấy tinh bột vừa sản xuất xăng sinh học E5.

Trong khi đó, diện tích mở rộng sản xuất sắn không còn nhiều; các vùng sản xuất sắn chủ yếu khó khăn, đầu tư thấp nên để tăng năng suất sẽ gặp khó. Mặt khác, chúng ta cũng không thể bố trí cây sắn vào các vùng đất phù sa màu mỡ được vì đây là cây làm đất bạc màu nhanh. Do đó, khả năng nguyên liệu sắn đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sản xuất xăng E5 rất khó. Hơn nữa, nhu cầu tinh bột sắn của thế giới hàng năm đều tăng, giá hấp dẫn cũng là thách thức trong việc sử dụng sắn làm đầu vào sản xuất NLSH khi phải cạnh tranh với xuất khẩu.

Đa dạng hóa nguồn cung

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2018, xăng E5 sẽ được bán đại trà trên cả nước, thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92. Như vậy, thời điểm chuyển đổi từ sử dụng xăng A92 sang E5 đã cận kề. Để đảm bảo đầu vào cho sản xuất ethanol, các chuyên gia cho rằng, việc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là cần thiết. "Trong thời gian tới sắn, mía và Jatropha (cây dầu mè) sẽ là 3 loài cây trồng chủ lực cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc với các giải pháp phù hợp, mới có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển NLSH theo lộ trình" - ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

san xuat ethanol da dang hoa nguon nguyen lieu
Các nhà máy chế biến sắn cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực chế biến

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, sắn vẫn là đầu vào quan trọng cho sản xuất ethanol, do đó, để bảo đảm diện tích, tăng sản lượng sắn theo kế hoạch, trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu chuyển giao giống mới năng suất, chất lượng tốt kết hợp đầu tư thâm canh tăng năng suất, đồng thời hoàn thiện quy trình canh tác sắn bền vững nhằm phát triển sản xuất sắn ổn định, bảo đảm đủ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và ethanol.

Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến sắn cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực chế biến, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, đa dạng các sản phẩm theo hướng an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ethanol. Gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu, các nhà máy cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, tạo lòng tin cho nông dân đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất NLSH. Trong số các cây trồng nông nghiệp, sắn, mía và Jatropha là cây trồng có tiềm năng phát triển để làm nguyên liệu cho sản xuất NLSH

Báo Công Thương

  • el-2024