Quyết liệt phòng chống sốt xuất huyết

08:30 | 26/08/2017

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH), mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi điều trị nhiều nhất bệnh nhân SXH nhằm chia sẻ và động viên người bệnh và cán bộ y tế ở đây.

Làm việc “hết công suất”

Báo cáo với Phó Thủ tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượt khám đến BV được chẩn đoán SXH Dengue trên tổng số lượt khám là 17.120/107.663 lượt; số bệnh nhân nhập viện điều trị là 2.903 người, trong đó số bệnh nhân SXH có sốc nặng là 120 trường hợp, số bệnh nhân có bệnh lý nền là 284 trường hợp... số bệnh nhân được điều trị khỏi, ra viện là 2.421 người. Riêng từ ngày 18 đến 20-8, bệnh nhân tăng cao khi số lượt được chẩn đoán SXH trên tổng số lượt khám là 1.422/2.508; số bệnh nhân nhập viện điều trị là 200 người, trong đó số bệnh nhân SXH Dengue có sốc nặng là 11 trường hợp và số bệnh nhân SXH có bệnh lý nền là 19 người; số bệnh nhân đã được điều trị khỏi, ra viện là 197 người.

quyet liet phong chong sot xuat huyet
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Trước diễn biến phức tạp của dịch đồng thời quá tải bệnh nhân, để đáp ứng công tác khám và điều trị, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch năm 2017; thường trực 3 đội cấp cứu phòng chống dịch ngoại viện sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ tuyến dưới; tăng số phòng khám cho bệnh nhân SXH lên 11 phòng, đặc biệt ưu tiên khám cho trẻ em vì trẻ dễ biến chứng nhanh và nặng. Đồng thời, BV tăng giờ làm việc đến 19h hằng ngày. Hơn 1 tháng nay các nhân viên của BV không nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật; huy động tối đa lực lượng khám, chữa bệnh…

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, BV đã có các phòng nhận diện bệnh nhân theo các mức: xanh - vàng - đỏ. Những bệnh nhân nặng ở báo động đỏ được kiểm tra tình trạng sức khỏe 30 phút/lần. Do số bệnh nhân đông nên khó khăn nhất hiện là thiếu nhân lực, bên cạnh đó là thiếu máy lọc máu, truyền dịch cho bệnh nhân.

Chưa thể yên tâm

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng báo cáo tình hình với Phó Thủ tướng: Bộ Y tế đã tổng lực triển khai nhiều giải pháp để cùng với Hà Nội quyết liệt phòng chống dịch. Bộ Y tế đã hỗ trợ Hà Nội về nhân lực và vật lực, huy động máy phun hóa chất cỡ lớn từ 22 địa phương về hỗ trợ Hà Nội. Phun mù nóng diệt muỗi là biện pháp mới nhưng Hà Nội đã làm để nhằm khống chế muỗi. Hiện nay, số ca mắc SXH của Hà Nội đang đi ngang, 6 ngày gần đây số ca mắc chững lại.

Với các đề xuất tăng cường nhân lực và máy móc của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ cấp kinh phí sớm nhất để BV tăng thêm trang thiết bị về máy lọc máu, máy truyền dịch để xử trí các ca nặng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và gửi lời cảm ơn tới đội ngũ cán bộ y tế của BV đã tận tụy và hy sinh thời gian cho gia đình để túc trực tại BV, điều trị tích cực cho các bệnh nhân mắc SXH. Phó Thủ tướng cũng khẳng định: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có nhiều sáng tạo trong việc ứng phó với các đợt dịch bệnh trước đó như dịch SARS, nên cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong khám và điều trị SXH cho các BV tuyến dưới. Hiện nay, phác đồ điều trị chung theo Bộ Y tế đã có, nhưng từ thực tiễn, BV phải có kinh nghiệm xử lý riêng.

Đánh giá tình hình SXH còn nhiều nguy hiểm, các BV công và tư đều quá tải, chưa có dấu hiệu giảm, trong khi thời tiết còn mưa và nóng nhiều, Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế: Không được thấy dịch đi ngang mà yên tâm, thở phào và dừng lại những biện pháp phòng, chống SXH. Người dân đã có ý thức hơn về loại muỗi truyền bệnh và phương pháp phòng, chống bệnh. Dù các BV có đông nhưng khi người dân có triệu chứng mắc SXH vẫn cần đến BV để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, không nên tự điều trị tại nhà rất nguy hiểm.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có nhiều sáng tạo trong việc ứng phó với các đợt dịch bệnh trước đó như dịch SARS, nên cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong khám và điều trị SXH cho các BV tuyến dưới. Hiện nay, phác đồ điều trị chung theo Bộ Y tế đã có, nhưng từ thực tiễn, BV phải có kinh nghiệm xử lý riêng.

Nguyễn Bách