Quyền Chủ tịch Viettel: Sếp DNNN giỏi có nhà lầu, xe hơi thì vấn đề gì đâu?

07:04 | 11/03/2021

4,212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Doanh nghiệp tư nhân thất bại thì mất tiền thôi, nhưng lãnh đạo DNNN nếu thất bại ngoài tiền còn cả sinh mệnh chính trị... nếu làm tốt, họ có nhà lầu, xe hơi, thì có vấn đề gì đâu?".

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Đề án Phát triển doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 18/NQ-CP tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 10/3, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viettel đã chia sẻ thẳng thắn về "tấm áo chật" của cơ chế đã, đang ràng buộc, tạo rào cản cho doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.

Ông Dũng cho rằng, từ trước đến nay ở khía cạnh quản lý, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cứ ngồi viết văn bản, giấy tờ là nghĩ ngay về quản kiểm, trói doanh nghiệp Nhà nước.

Quyền Chủ tịch Viettel: Sếp DNNN giỏi có nhà lầu, xe hơi thì vấn đề gì đâu? - 1
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel tại hội nghị.

"Tôi mong các bộ, ngành hãy nghĩ một câu thôi. Cố gắng làm sao từ tư duy hay coi doanh nghiệp Nhà nước giống như doanh nghiệp tư nhân. Cái gì của họ thuộc về Nhà nước thì cứ để Nhà nước họ quản, nhưng riêng về cơ chế để họ phát triển thì chí ít phải giống tư nhân chứ. Hãy giao quyền tự chủ cho người đứng đầu là các chủ tịch hay tổng giám đốc", Quyền Chủ tịch Viettel nói.

Ông Dũng cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm rõ ràng những cái họ làm ra. Vấn đề quan trọng nhất là chính sách, cơ chế và chế tài hậu kiểm. Nếu không làm được hay làm sai phải xử. Còn nếu họ làm được phải để họ làm.

"Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân nếu thất bại thì họ mất tiền thôi, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, nếu thất bại ngoài tiền còn cả sinh mệnh chính trị, chúng ta hoàn toàn đem chế tài này ra xử lý", ông Dũng nói.

Nhưng "nếu họ làm tốt, thì họ có nhà lầu, xe hơi, có vấn đề gì đâu? Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, họ thành công còn trở thành tỷ phú mà. Chúng ta phải cho lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quyền tự quyết những chuyện hết sức đơn giản như tổ chức doanh nghiệp, vay vốn, đầu tư dự án", lãnh đạo Viettel nói.

Ông Dũng lấy ví dụ một bất cập: "Việc thu phí không dừng trên cao tốc, chúng tôi phải xin làm thủ tục mất 2 năm trời để được thu. Nếu ngày hôm nay tôi nảy ra ý nghĩ một ngành mới, phải làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Kinh doanh, lợi nhuận là thời cơ, mất vài năm thì thời cơ đâu? Hay đầu tư nước ngoài cũng vậy, doanh nghiệp Nhà nước mà muốn mua vài chục % của doanh nghiệp nước ngoài, không hề dễ dàng, có ai cho quyền đâu!".

Theo quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel, Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, muốn đạt được điều này hoàn toàn phải dựa vào công nghệ.

"Không biết năm 2045 nhân loại sẽ phát triển đến đâu nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ phải là xã hội số, phát triển văn minh. Như vậy, chuyển đổi số quốc gia đến lúc ấy là cực kỳ quan trọng. Thứ 2 là Việt Nam phải làm chủ công nghệ lõi, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu chúng ta không làm chủ được thì không bao giờ chúng ta vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, chứ đừng nói đến thịnh vượng, thu nhập cao được", ông Dũng nói.

Theo người đứng đầu tập đoàn Viettel, các ngành như công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin cần phải được tập trung đầu tư, ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt là tạo cơ chế và xây dựng nguồn nhân lực....

"Facebook, Alibaba là công ty số, chỉ cần vài năm là có tài sản cả trăm hay nghìn tỷ USD, vượt xa so với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn làm náo loạn thế giới, thay đổi hoàn toàn về tư duy sản xuất, phân phối, quan hệ thương mại thế giới", ông Dũng ví dụ.

Quyền Chủ tịch Viettel cho rằng: Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao phải có công nghệ lõi, Việt Nam phải bắt buộc phải bắt tay vào nghiên cứu công nghệ lõi, để tự chủ. Cuộc cạnh tranh quốc gia hiện nay chỉ cần thay đổi một bước là đã thay đổi cả đất nước, cả dân tộc và cả vị thế.

Quyền Chủ tịch Viettel: Sếp DNNN giỏi có nhà lầu, xe hơi thì vấn đề gì đâu? - 2
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mục tiêu năm 2030 đến 2045, Việt Nam hướng đến trở thành nước phát triển. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải chạy theo các cơ hội mới, hướng vào các lĩnh vực mới, đưa đất nước đi lên.

"Chiến tranh thương mại của các nước lớn, vấn đề dịch bệnh và xu hướng cạnh tranh của các cường quốc đã và đang thay đổi cấu trúc, trật tự đầu tư và thương mại đang thay đổi, dịch chuyển rất lớn. Việt Nam hiện có rất nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương, đây là những cơ hội để tái cấu trúc kinh tế, đổi mới về cả tư duy, cách thức vận hành cũng như rút ngắn khoảng cách phát triển với các cường quốc", Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Theo Dân trí