Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

13:23 | 24/10/2018

264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều nay, 24/10, Quốc hội thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm cho 48 chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Đầu giờ chiều, các đại biểu sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

quy trinh lay phieu tin nhiem tai quoc hoi
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Cuối giờ chiều, các đại biểu sẽ thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại Nghị quyết số: 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội được nêu rõ tại Điều 8trong Nghị quyết :

Người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định có báo cáo bằng văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có yêu cầu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu. Sau đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại Điều 10 quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm:

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

quy trinh lay phieu tin nhiem tai quoc hoi Danh sách 48 chức danh lấy phiếu tín nhiệm
quy trinh lay phieu tin nhiem tai quoc hoi Hôm nay (24/10) Quốc hội bỏ phiếu bầu Bộ trưởng Bộ TTTT, thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm
quy trinh lay phieu tin nhiem tai quoc hoi Lấy phiếu tín nhiệm: Lãnh đạo phải tự kiểm điểm có biểu hiện suy thoái hay không

H.A