Quốc hội Mỹ muốn Trump duy trì hiệp ước vũ khí với Nga

13:37 | 18/12/2019

444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội Mỹ đang hối thúc Nhà Trắng gia hạn hiệp ước New START nhằm duy trì kiểm soát số lượng đầu đạn hạt nhân của Washington và Moskva.

Các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ tại quốc hội Mỹ dự kiến trình ba dự luật trong tuần này nhằm hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn Hiệp ước Giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START) trước khi nó hết hạn vào tháng 2/2021.

Các dự luật sẽ yêu cầu Nhà Trắng đưa ra đánh giá tình báo về thiệt hại của Mỹ nếu New START hết hạn, đồng thời tỏ ý nghi ngờ chính quyền Trump chưa phân tích đầy đủ về cách Nga, Trung Quốc có thể phản ứng nếu hiệp ước này hết hiệu lực.

Quốc hội Mỹ muốn Trump duy trì hiệp ước vũ khí với Nga
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Titan II bị Mỹ loại biên. Ảnh: AFP.

Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.

Hiệp ước này có thể được gia hạn thêm 5 năm nếu hai bên nhất trí. Nga đã đề xuất kéo dài hiệu lực hiệp ước ngay lập tức, trong khi Mỹ vẫn đang xem xét. Washington sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào với Moskva nếu từ bỏ New START.

Tổng thống Trump và các cố vấn cho rằng New START không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí rộng hơn. Nhiều nhà lập pháp và chuyên gia coi đề xuất này là biện pháp phá hủy New START và chấm dứt giới hạn kiểm soát kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, do Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng trên.

Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các dự luật, cũng như thông tin cho rằng Washington đang tìm cách chấm dứt New START.

Nga được cho là đang sở hữu khoảng 6.500 đầu đạn hạt nhân, con số này của Mỹ là gần 6.200. Trong khi đó, Trung Quốc nắm giữ 300 đầu đạn các loại, theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ.

Theo VNE