Quên tết đi, hãy bắt tay vào việc!

07:30 | 16/02/2016

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc là cơ hội đoàn tụ gia đình, nghỉ ngơi, thăm hỏi người thân sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, nghỉ tết dài và chưa hợp lý là điều cần quan tâm. 

 Theo quy định chính thức thì số ngày nghỉ của Việt Nam không nhiều hơn các nước. Nhưng số ngày nghỉ thực tế lại thuộc loại cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Tết Bính Thân năm nay kéo dài 9 ngày (từ ngày 6 đến 14-2-2016) là điều kiện thuận lợi để người dân đi du lịch và cũng là cơ hội tốt để các hãng lữ hành, khách sạn, đơn vị vận chuyển... khởi động một năm kinh doanh đầy sôi động.

Nhu cầu đi du lịch vào dịp tết Nguyên đán của người dân trong những năm gần đây ngày càng tăng cao và đang trở thành xu hướng khá phổ biến của nhiều người dân sinh sống tại các thành phố lớn.

Đối với các hãng lữ hành quốc tế thì đây còn là dịp để phục vụ dòng khách Việt kiều về quê thăm người thân và khách quốc tế đến Việt Nam ăn tết, tìm hiểu nét văn hóa nhân dịp năm mới theo hành trình trải dài từ Bắc vào Nam.

Dịp tết này, nhiều công ty du lịch lữ hành đã đạt 70-90% lượng khách đặt tour theo dự kiến. góp phần tăng nhanh lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam.

quen tet di hay bat tay vao viec
Công ty Visan bắt đầu ca làm việc từ mùng 2 tết

Như vậy, dịp tết cổ truyền là cơ hội làm ăn cho ngành du lịch và những người kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, còn đại đa số là ăn chơi và tiêu tiền. Nghỉ tết càng dài thì sản xuất càng đình trệ và mức độ lãng phí càng lớn.

Nhớ lại cách đây hơn 4 năm, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 5-10-2011, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Hiện nay chúng ta nghỉ tết 4 ngày, trong khi tuần làm việc có 5 ngày nên năm nào tôi cũng thấy kẹt một ngày - đó là ngày phải làm việc nhưng thực tế chẳng ai làm. Vậy nên tết âm lịch có cho nghỉ thêm một ngày được không?”.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đề nghị này có thể đưa vào dự luật được vì “chúng ta có tăng thêm một ngày nghỉ nữa cũng vẫn thấp hơn tổng số ngày nghỉ lễ trong năm so với các nước trong khu vực”.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ tết âm lịch và giỗ Tổ Hùng Vương năm 2011 đối với cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, tết Nguyên đán 2011 được nghỉ 8 ngày. Và mấy năm nay, dịp tết âm lịch đều nghỉ 9 ngày.

Như vậy là trước đây, tết Nguyên đán thường quy định được nghỉ 4 ngày gồm ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch. Bây giờ nghỉ kéo dài hơn một tuần nhưng thực tế thì nhiều người đã nghỉ tới 10 ngày vì trước và sau tết đều ở trong tâm thế nghỉ ngơi rồi.

Từ lâu, quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên sau những ngày nghỉ tết chính thức, người ta vẫn còn nghỉ tết không chính thức thông qua việc tham gia hàng loạt lễ hội truyền thống. Mà lễ hội ở nước ta thì hầu như địa phương nào cũng có. Từ lễ hội cấp quốc gia đến lễ hội cấp xã phường, thôn xóm đều kéo dài dăm ba ngày đến cả tháng trời.

Không chỉ tham gia lễ hội, dân ta còn ham mê cúng bái, cầu phúc, lộc, thọ ở khắp các đình, chùa và di tích. Công chức Nhà nước cũng bị cuốn theo trào lưu này, dẫn tới bỏ bê công việc nơi nhiệm sở. Trước và sau tết, người dân có việc gì đến các công sở thì dài cổ mà chờ đợi vì các quan chức và nhân viên đi lễ chùa. Đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam cũng phải ngao ngán bởi dư âm của dịp tết, lỡ dở bao công việc.

Nói về góc độ kinh tế, nghỉ tết dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động của quốc gia. Các số liệu thống kê về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta đều cho thấy một quy luật đáng quan tâm, đó là tăng trưởng GDP trong quý I thường thấp hơn so với 3 quý khác.

Năng suất lao động của nước ta đang bị xếp vào nhóm thấp nhất châu Á. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước khác cùng khu vực không kéo dài kỳ nghỉ tết như Thái Lan, Indonesia nên GDP quý I của họ vẫn tăng bình thường.

Rõ ràng, nghỉ tết quá dài ngày sẽ làm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị trì trệ. Trước và sau khi nghỉ, công việc đều có phần chậm trễ, thiếu tập trung vì mọi người còn mải vui, chúc tụng nhau nhân dịp tất niên, tân niên. Một số người luôn trong tâm trạng la đà, say xỉn.

Trong khối ASEAN, năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và xấp xỉ với Lào. Và nó lại càng thấp hơn trong thời gian nghỉ tết.

Sự cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia đang ngày càng khốc liệt và đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đã gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Vậy nên với năng suất lao động thấp, số ngày nghỉ nhiều thì lao động Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh. Và điều đó sẽ tác động mạnh đến xã hội, khi thất nghiệp tăng thì tội phạm cũng gia tăng.

Vì thế, mỗi cơ quan, ban, ngành cần lưu ý chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công nhân viên của mình. Mọi người chỉ giữ tâm thế ngưng làm việc trong những ngày nghỉ chính thức chứ không được mang tâm thế ấy trước và sau những ngày nghỉ.

Có hai thái độ khác hẳn nhau về nghỉ tết. Một số người vẫn dành ngày tết để tranh thủ làm những phần việc quan trọng mà họ cảm thấy không thể không làm. Các vị lãnh đạo cũng dành ngày tết đi cơ sở, thăm hỏi và chúc tết bà con nông dân, anh chị em công nhân. Rất nhiều người lại lấy dịp tết là cơ hội để làm ăn kinh doanh thông qua các dịch vụ. Và những nhóm nghề phục vụ nhân dân đi lại, vui chơi thì phải phân công ca kíp để làm việc suốt cả dịp tết.

Tuy nhiên, có người được nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng vẫn muốn nghỉ nhiều ngày hơn nữa. Người không nghề nghiệp cũng lang thang đàn đúm bạn bè, rượu chè bê tha. Người làm công ăn lương thì dựa vào chế độ bao cấp, nghỉ vẫn có ăn nên nghỉ bao nhiêu ngày cũng được. Đó là lối tư duy “nước nổi thì thuyền nổi”.

Sau một năm lao động vất vả, nghỉ tết là quyền lợi chính đáng và cũng là phong tục cổ truyền của dân tộc. Nhưng đã qua tết rồi mà ai đó vẫn nhởn nhơ, đắm chìm với những thú vui mà lãng quên công việc là điều không thể chấp nhận.

Đặc biệt những công bộc của dân, ăn lương Nhà nước mà cũng lấy “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì có bao nhiêu vị trí công tác bị bỏ trống, bao nhiêu người dân chịu thiệt thòi, hỏng việc? Mà những công bộc lại ăn đồng lương từ tiền thuế đóng góp của dân!

Cái điệp khúc kêu ca lương thấp, thu nhập thấp thường thấy ở rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Song, nếu nhìn thẳng vào sự thật về năng suất lao động và tinh thần tận tụy với công việc của những người hay kêu ca ấy thì họ đã được hưởng đúng với giá trị lao động mà họ bỏ ra.

Vì vậy, mỗi người hãy nghiêm chỉnh nhìn lại mình và nhìn ra xung quanh xem sự nỗ lực phấn đấu, mồ hôi công sức mình bỏ ra có xứng đáng với sự hưởng thụ hay chưa. Từ đó mà xác định rằng, đã hết tết rồi, hãy chính thức bắt tay vào công việc!

 

 

Bùi Đức

Năng lượng Mới 497