Quản lý, sử dụng Quỹ BHYT: Nghèo vẫn tiêu hoang?

06:45 | 29/08/2018

234 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù được đánh giá vẫn có thể cân bằng từ nay đến năm 2020, nhưng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) về lâu dài lại nảy sinh nhiều khó khăn nếu không quản lý và sử dụng tốt sẽ có nguy cơ cạn kiệt.

Bội chi vẫn lớn

Tại cuộc họp về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm cho biết, theo tính toán của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, đến năm 2020 Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHYT, có một số vấn đề tác động trực tiếp đến quỹ cần được giải quyết một cách phù hợp và nhanh chóng.

Phân tích yếu tố đã ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHYT hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, đó là mức đóng BHYT không thay đổi, trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng, phạm vi quyền lợi BHYT, thông tuyến và điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình.

Về tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT trong năm qua, Bộ Y tế đã tăng cường chấn chỉnh, kiểm soát, song vẫn còn tồn tại nhiều biểu hiện như: Chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn, chưa tính đến yếu tố chi phí - hiệu quả; chỉ định sử dụng một số dịch vụ xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa cần thiết; chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền trong phục hồi chức năng; cho người bệnh nhập viện điều trị khi tình trạng bệnh có thể điều trị ngoại trú...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, trong năm 2017, số chi khám chữa bệnh BHYT lớn hơn số thu khoảng 8.847 tỉ đồng. Dự kiến năm 2018, con số chênh lệch sẽ khoảng 3.528 tỉ đồng. Số chi có thể sẽ tăng nhanh hơn nữa, khi giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tính đầy đủ chi phí theo lộ trình, kết cấu thêm cả chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định... Như vậy, Quỹ BHYT đứng trước nguy cơ cao mất cân đối, mặc dù độ bao phủ BHYT đạt 85,6% dân số tính đến hết năm 2017.

Nói về bội chi Quỹ BHYT, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn có ý kiến: Năm 2017, sau khi thực hiện đầy đủ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương, hầu hết các tỉnh đều bội chi Quỹ BHYT. Việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ y tế; chỉ định bệnh nhẹ vào nội trú và kéo dài thời gian nằm viện xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, đặc biệt là tuyến huyện. Còn giá thuốc và vật tư y tế chưa được kiểm soát tốt; tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc cùng tiêu chí kỹ thuật, khác hàm lượng có giá cao bất thường; lựa chọn vật tư y tế đắt tiền còn phổ biến…

Trong khi đó, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị chưa ban hành đầy đủ, không rõ ràng, thiếu các công cụ kiểm soát, đánh giá tính hợp lý của chỉ định điều trị, khó cho sự đồng thuận của cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh. Giá dịch vụ y tế chưa phù hợp với thực tế, một mặt do định mức quá cao, không sử dụng hết gây lãng phí.

Chưa kể tình trạng lạm dụng, sử dụng thẻ BHYT đi khám nhiều nơi trong ngày, nhiều ngày trong tháng xảy ra khá phổ biến, nhưng chưa có chế tài xử lý. “Các cơ sở y tế chưa tuân thủ việc ứng dụng công nghệ thông tin để chia sẻ kết quả xét nghiệm, kiểm soát thông tuyến, tình trạng chỉ định trùng lặp xét nghiệm, thuốc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố”, ông Sơn nói thêm.

Phải trả lời được nhiều câu hỏi

Có một thực tế đáng chú ý: Một số không nhỏ dịch vụ y tế đang được cung cấp với tiêu chuẩn quá cao so với khả năng chi trả và nguồn lực hiện có của Quỹ BHYT, theo kiểu “nghèo vẫn tiêu hoang”. Ngành y tế dường như đang quá “ưu ái” các kỹ thuật cao, với chi phí gấp nhiều lần so với các dịch vụ y tế thông thường được cung cấp cho số đông bệnh nhân, chưa thực sự chú trọng đến bài toán chi phí - hiệu quả trong sử dụng Quỹ BHYT...

ngheo van tieu hoang

Nơi tiếp nhận bệnh nhân BHYT tại một bệnh viện

Để khắc phục tình trạng này, có nhiều ý kiến cho rằng, phải trả lời bằng được những câu hỏi: Tại sao tình trạng lạm dụng vẫn tồn tại dai dẳng? Trách nhiệm thuộc về ai? Phải chăng chúng ta vẫn thiếu chế tài xử lý các trường hợp bác sĩ lạm dụng chỉ định dịch vụ y tế? Đồng thời, cơ quan thực hiện giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phải có chế tài với người làm sai, vi phạm trong thanh toán...

Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề, ông Bùi Sỹ Lợi nói: Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 86,9%, gần tiến mốc BHYT toàn dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh mệnh giá BHYT thấp, nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, Quỹ BHYT đang đứng trước thách thức về khả năng mất cân bằng. Để bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia BHYT, việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT cần tiết kiệm một cách hợp lý và theo đúng các quy định của pháp luật.

Ông Lợi nêu rõ: Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam xây dựng báo cáo đầy đủ về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, trong đó làm rõ được thành tựu của cả quá trình phát triển bảo hiểm y tế ở nước ta, việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, đề ra các giải pháp phát triển đối tượng bền vững. Trên cơ sở đó, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể cân đối Quỹ BHYT.

Năm 2017, số chi khám chữa bệnh BHYT lớn hơn số thu khoảng 8.847 tỉ đồng. Dự kiến năm 2018, con số chênh lệch sẽ khoảng 3.528 tỉ đồng. Số chi có thể sẽ tăng nhanh hơn nữa, khi giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tính đầy đủ chi phí theo lộ trình, kết cấu thêm cả chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định...
ngheo van tieu hoang 4.300 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả từ 200 triệu đồng trở lên
ngheo van tieu hoang Một bệnh nhân ở Lạng Sơn được chi trả 2,8 tỉ đồng tiền BHYT

Nguyễn Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.