Quảng Ninh:

Quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

10:49 | 31/03/2017

3,768 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quảng Ninh hiện có trên 200 điểm mỏ và điểm quặng, tổng sản lượng khoáng sản khai thác mỗi năm lên tới trên 50 triệu tấn. Điều đó đặt ra cho Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp cho công tác bảo vệ môi trường.

Để lập lại trật tự trong khai khoáng, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch vùng cấm hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, duy trì 5 khu vực cấm và 4 khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản than, đồng thời bổ sung thêm 17 khu vực khoanh định cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích trên 181.000ha, khoanh định 3 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích gần 40.000ha.

Hiện các ngành chức năng cũng đang triển khai hàng loạt biện pháp nhằm lập lại trật tự, giải tỏa bến bãi chế biến, tiêu thụ than trái phép và quy hoạch đường vận chuyển, cảng bến xuất than. Đặc biệt, thực hiện Thông báo số 37-TB-TU, ngày 28-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, cát, đất sét, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, từ 1-1-2017, dừng hoàn toàn việc vận chuyển than trên Quốc lộ (QL) 18A, 10A và QL188 (nay là QL17B) trên phần đường thuộc tỉnh Quảng Ninh.

quan ly khai thac khoang san gan voi bao ve moi truong
Khai thác than tại Quảng Ninh

Đối với nguồn nước thải mỏ, theo thống kê sơ bộ, tại vùng than trên địa bàn tỉnh, mỗi năm lượng nước này thải ra môi trường khoảng 20-25 triệu m3, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống sông, suối, hồ, vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn sinh thủy, ảnh hưởng chất lượng nước nông nghiệp. Mặt khác, môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản bị ô nhiễm do bụi, khí độc, khí nổ và tiếng ồn, đặc biệt tại khu vực Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê và các phường Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong - TP Hạ Long. Hàm lượng bụi tại các khu vực khai thác, chế biến than đều vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 1,2-5,2 lần; tại khu dân cư lân cận vượt TCCP 3,3 lần.

Thấy rõ những tác động không tích cực, Quảng Ninh đã nhanh chóng xây dựng và ban hành hàng loạt quy hoạch như: Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã sớm thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030... Thông qua các quy hoạch này, đã rà soát, đánh giá chính xác trữ lượng các loại khoáng sản; khả năng khai thác của địa phương, tiềm năng kinh tế - xã hội mà khoáng sản mang lại. Trên cơ sở đó, triển khai khai thác và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá.

Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường ở các đơn vị ngành than cũng được chú trọng: Các tuyến đường nội mỏ, đường vận chuyển than, nhất là qua các khu dân cư đã được ngành Than thực hiện phun nước tưới đường thường xuyên; xây dựng trạm rửa xe, che phủ bạt cho ôtô vận chuyển than trên các tuyến đường chuyên dụng. Đáng chú ý, công tác xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh than được đặc biệt quan tâm, tính đến nay, ngành than đã đầu tư xây dựng 45 trạm xử lý nước thải hầm lò và lộ thiên, trong đó có mỏ lộ thiên quy mô lớn như: Trạm xử lý nước thải Cọc 6, Núi Béo nâng tổng công suất xử lý đạt 100 triệu m3/năm. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản cũng được tăng cường. Riêng năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 29 đơn vị với tổng số tiền trên 2,4 tỉ đồng.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều ký cam kết bảo vệ môi trường cũng như có phương án cải tạo môi trường khi đăng ký cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

N.K

  • el-2024