Ai tạo "sóng” thị trường dược phẩm TP HCM?

08:45 | 18/02/2012

1,146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua tìm hiểu cho thấy, Hoffmann La Roche đã có nhiều biểu hiện vi phạm khi hoạt động không đúng giấy phép, khuất tất trong chính sách chiết khấu "khủng" đối với các sản phẩm dược thông qua việc móc nối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng bán thuốc, dược sĩ, bác sĩ và đồng thời gây thất thu thuế trên tổng doanh số bán không xác định được đối tượng nộp thuế hơn 66,5 tỉ đồng.

UBND TP Hồ Chí Minh mới đây đã có văn bản đề nghị Công an TP HCM điều tra xử lý vi phạm của Văn phòng đại diện Công ty Dược phẩm Hoffmann – La Roche tại TP HCM nhằm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan theo đề nghị của Sở Công Thương TP HCM.

Vòi bạch tuộc phân phối

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng TP HCM, thời gian qua, có một số công ty dược phẩm nước ngoài đã dùng nhiều hình thức nhằm can thiệp, chi phối, điều hành các công ty dược phẩm trong nước trong việc phân phối các sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam. Điều này tạo nên sự phức tạp, mất ổn định, gây khó khăn trong quản lý và kiểm soát thị trường dược phẩm. Không chỉ có vậy, một số công ty dược phẩm nước ngoài với nhiều hình thức như: tổ chức hội thảo, tham quan du lịch, tặng quà, tiếp khách, khuyến mãi (cho một số đối tượng nhất định) nhằm gây ảnh hưởng đến các bác sĩ trong việc kê toa. Và vô hình chung, một trong những hậu quả của tình hình này chính là vấn đề bất ổn về giá thuốc khiến các bệnh nhân phải gánh chịu.

Bỉnh ổn giá thuốc do chính sách chiết khấu "khủng" sẽ khiến bệnh nhân phải gánh chịu

Công ty Dược phẩm Hoffmann – La Roche Ltd (Thụy Sĩ) là một trong những trường hợp như vậy. Theo giấy phép do Sở Thương mại TP HCM cấp vào tháng 5/2007 thì hoạt động của Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche tại TP HCM (gọi tắt là Văn phòng Roche) chỉ làm liên lạc, xúc tiến nghiên cứu thị trường, xây dựng dự án hợp tác đầu tư…, ngoài ra không được tiến hành các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trực tiếp sinh lợi tại Việt Nam. Về phía Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex là đơn vị nhập khẩu 35 mặt hàng thuốc của Roche. Theo quy trình được các bên ký kết, Vimedimex ủy thác cho Công ty TNHH Diethelm Việt Nam (nay là Công ty DKSH Việt Nam) thực hiện dịch vụ Logistics gồm bảo quản và lưu trữ hàng hóa, nhận đơn hàng, giao hàng, thu tiền hàng; sau đó ủy quyền cho Chi nhánh Vimedimex tại Bình Dương tiêu thụ trên thị trường…

Nhìn nhận một cách khách quan, những năm qua Văn phòng Roche đã giới thiệu thành công đến thị trường Việt Nam các dược phẩm mới, công nghệ cao trong điều trị ung thư, bệnh thiếu máu, bộ phận cấy ghép và bệnh viêm gan… Roche đã cung cấp các thông tin y học cho bác sĩ, dược sĩ, chuyển giao các thông tin về những bệnh lý mạn tính và thuốc đặc trị nhằm giúp tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh đặc biệt.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2011, theo kết luận của UBND TP HCM về việc thanh tra toàn bộ hoạt động của Văn phòng Roche và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng bán thuốc, dược sĩ, bác sĩ có liên quan thì Văn phòng Roche đã có biểu hiện tham gia điều hành việc bán hàng và chiết khấu các sản phẩm Roche do Vimedimex thực hiện phân phối trên thị trường Việt Nam dưới hình thức: Thông báo đơn đặt hàng cho đơn vị phân phối, tự tính toán mức chiết khấu, mức thưởng cho từng khách hàng. Việc thưởng thêm 5-7% cho khách hàng vào năm 2009 không được thỏa thuận trước với đơn vị trực tiếp phân phối là Vimedimex Bình Dương.

Bên cạnh đó, Văn phòng Roche đã chuyển các e-mail thông báo đơn đặt hàng đề nghị Vimedimex Bình Dương giao hàng cho các nhà thuốc nhưng qua đối chiếu các nhà thuốc xác nhận không đặt các đơn đặt hàng này, dẫn đến không xác định được đối tượng mua hàng, gây thất thu thuế trên tổng doanh số bán không xác định được đối tượng nộp thuế là hơn 66,53 tỉ đồng và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh dược phẩm.

Trong báo cáo của Văn phòng Roche cho thấy, tổng chi phí tiếp khách trong năm 2008 và 2009 là hơn 1 tỉ đồng, số tiền này chủ yếu dành cho các trình dược viên tiếp cận giới thiệu thuốc tại các nhà thuốc, bác sĩ các bệnh viện, phòng khám… Ngoài ra, Văn phòng Roche còn chi thưởng cho các trình dược viên căn cứ vào doanh số thực tế tiêu thụ các sản phẩm Roche theo địa bàn trình dược viên được phân công phụ trách. Những điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc khám và kê toa của các bác sĩ đối với mặt hàng của Roche (trái với quy chế kê đơn do Bộ Y tế ban hành).

Qua thanh tra cho thấy, đã có 3.643 thông báo đơn đặt hàng trong năm 2008, 2009 với tổng doanh số trước chiết khấu gần 600 tỉ đồng, số tiền chiết khấu là hơn 116,5 tỉ đồng, chiếm 53% trên tổng doanh số bán các sản phẩm Roche của Vimedimex Bình Dương và chiếm 71% giá trị chiết khấu là do Văn phòng Roche tại TP HCM chuyển bằng hình thức e-mail cho Công ty DKSH Việt Nam thực hiện. Đối với mặt hàng biệt dược Pegasys (đặc trị viêm gan siêu vi C), Văn phòng Roche đặt hàng cho khách hàng chiếm trên 75% doanh số Vimedimex Bình Dương xuất bán trong năm 2008, 2009; số tiền chiết khấu của những đơn hàng này chiếm 84% giá trị chiết khấu mặt hàng Pegasys.

Qua đó có thể thấy rằng, Văn phòng Roche đã tham gia chi phối việc bán hàng và chiết khấu các sản phẩm của Roche tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, qua xác minh tại 10 nhà thuốc và 3 công ty mua hàng của Vimedimex Bình Dương, Thanh tra TP HCM còn phát hiện trong 2 năm 2008, 2009, Văn phòng Roche đã đặt hàng thông qua 266 hóa đơn bằng hình thức chuyển e-mail cho bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty DKSH Việt Nam, đề nghị giao hàng cho các đơn vị này. Thế nhưng, các nhà thuốc cho biết không đặt hàng, không mua hàng, không nhận các mặt hàng với tổng giá trị hơn 60,7 tỉ đồng ghi trên những hóa đơn này.

Có thể nói những việc làm nêu trên của Văn phòng Roche đã vượt quá nội dung hoạt động được cấp phép, trực tiếp chi phối việc phân phối các sản phẩm Roche trên thị trường. Trong vụ việc này, đơn vị thực hiện dịch vụ Logistics và đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm Roche cũng có phần trách nhiệm. Nếu Công ty DKSH Việt Nam ghi đầy đủ thông tin khách hàng trên hóa đơn theo quy định và nếu Vimedimex Bình Dương chủ động hơn trong kinh doanh thì những sai phạm của Văn phòng Roche không thể xảy ra trong thời gian dài.

Khuất tất chiết khấu

Liên quan đến vi phạm của Văn phòng La Roche, một bằng chứng rõ ràng là, trong báo cáo của Vimedimex Bình Dương đã liệt kê khá rõ tổng doanh thu trước chiết khấu các sản phẩm của Roche năm 2008, 2009 là trên 1.112 tỉ đồng, trong đó, sản phẩm thuốc biệt dược Pegasys chiếm thị phần khá lớn với tổng doanh thu hơn 538 tỉ đồng (gần 50% doanh thu của Văn phòng Roche tại Việt Nam). Chỉ trong hai năm 2008-2009, Vimedimex Bình Dương đã chiết khấu trên giá bán cho các sản phẩm của Roche tổng cộng 164 tỉ đồng, riêng chiết khấu cho biệt dược Pegasys hơn 103 tỉ đồng. Như vậy, theo tính toán, bình quân tỉ lệ chiết khấu trên giá kê khai các loại thuốc của Roche khoảng 15%, riêng chiết khấu của thuốc Pegasys lên đến 19%.

Biệt dược Pegasys, một sản phẩm của Roche chuyên đặc trị viêm gan C chiếm thị phần lớn tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Theo phân tích của các chuyên gia dược phẩm, chiết khấu này được Vimedimex Bình Dương hạch toán giảm trừ giá vốn nên mức chiết khấu thực trên giá vốn lên đến khoảng 17%. Riêng biệt dược Pegasys, có chiết khấu thực trên giá vốn là 23%. Đối chiếu giá thuốc Pegasys bán lẻ trên thị trường hiện nay khoảng 4,2 triệu đồng/lọ 180mcg thì mỗi lọ đem lại siêu lợi nhuận gần cả triệu đồng. Bởi vì Pegasys là loại thuốc đặc trị nên người bệnh viêm gan siêu vi C nên người bệnh phải cố “chịu đựng” mua để tiêm.

Thiết nghĩ vấn đề những ai hưởng lợi từ chính sách chiết khấu này cần phải được điều tra làm rõ. Trong khi đó, qua xác minh của Thanh tra TP HCM tại 10 nhà thuốc thì sổ sách phản ánh việc nhập, xuất và giá bán thuốc năm 2008-2009 đều không còn lưu giữ. Có 8 nhà thuốc xác nhận giá trị chiết khấu các mặt hàng của Roche được Vimedimex Bình Dương giảm trừ trên hóa đơn, nhà thuốc cũng đã giảm giá để bán cho khách hàng.

Điều gây bức xúc dư luận là trong khi tổng số tiền chiết khấu trên giá bán của Vimedimex Bình Dương trong năm 2008, 2009 đến hơn 164 tỉ đồng cho các nhà thuốc bán lẻ bên ngoài thì qua xác minh của thanh tra tại 7 bệnh viện mà Vimedimex cung cấp thuốc, gồm: Chợ Rẫy, Truyền máu – Huyết học, Đại học Y Dược, Ung bướu, Nhân dân Gia định, Bình Dân và Nhân dân 115, tất cả đều không biết và không được hưởng gì từ chính sách khuyến mãi này. Được biết tổng giá trị chiết khấu theo chương trình khuyến mãi mà Vimedimex Bình Dương không cho các bệnh viện TP HCM thụ hưởng là khoảng 6 tỉ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, điều này vô hình chung làm giá vốn thuốc mà bệnh viện mua từ Vimedimex đã đắt hơn giá nhà thuốc bên ngoài mua 17-23%. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thuốc trong bệnh viện luôn cao hơn so với bên ngoài. Mặt khác, Vimedimex Bình Dương cũng không thực hiện đúng chương trình chiết khấu các sản phẩm Roche cho 3 bệnh viện (Đại học Y dược, Nhân dân 115 và Cấp cứu Trưng Vương) với tổng số tiền 1,2 tỉ đồng. Không những vậy, Vimedimex Bình Dương còn để cho Văn phòng Roche “thao túng” hoạt động phân phối. Ngược lại, Vimedimex Bình Dương lại chiết khấu cho các nhà thuốc tư nhân vượt mức thỏa thuận với Roche 15,7 tỉ đồng. Vimedimex Bình Dương lý giải do hầu hết các đơn vị này mua thuốc theo hợp đồng đấu thầu nên giá cả cố định không thể thay đổi. Liệu lời giải thích này có hợp lý?

Rõ ràng những khuất tất quanh chính sách chiết khấu của Roche cần phải được Công an TP HCM sớm vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm, trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan!

Thế Vinh