Phim chuyển thể - Tia sáng mới của điện ảnh Việt!

11:25 | 14/11/2013

2,909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sức hút từ những nhân vật và câu chuyện trong các tác phẩm văn học nổi tiếng là không thể phủ nhận. Vì thế hàng loạt bộ phim truyền hình được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng của các tác giả đang được thực hiện và chuẩn bị ra mắt khán giả. Nhiều người hy vọng rằng, những bộ phim chuyển thể này sẽ mang lại luồng sinh khí mới, phá tan sự nhạt nhòa, nhàm chán của phim truyền hình Việt thời gian qua!

Văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 phát triển khá rực rỡ. Một thành tựu điển hình nhất của giai đoạn văn học này chính là trào lưu văn học hiện thực phê phán với nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển. Nhiều hình tượng nhân vật đã trở thành những điển hình bất hủ.

Cụ thể, giai đoạn 1936-1939 có tác phẩm hiện thực phê phán nổi tiếng như: “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Số đỏ”, “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng... Đến giai đoạn 1939-1945 thì văn học xuất hiện một thế hệ nhà văn hiện thực mới như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Ðình Lạp… Những nhà văn hiện thực này vẫn tiếp tục miêu tả cuộc sống tăm tối của người nông dân giai đoạn lịch sử đó qua các tác phẩm như: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” của Nam Cao; “Sống nhờ” của Mạnh Phú Tư.

Trên thực tế, hầu hết mọi nền điện ảnh trên thế giới đều chuyển thể những tác phẩm văn học nổi tiếng thành phim, thậm chí đó còn là một phần tất yếu trong công nghệ sản xuất phim của họ. Điện ảnh Việt Nam cũng vậy, các nhà làm phim của chúng ta cũng từng tạo được ấn tượng với những bộ phim chuyển thể. Ngay từ năm 1989-1995, thời kỳ bùng phát của phim video thì đã có nhiều bộ phim được chuyển thể kịch bản từ các tác phẩm văn học nổi tiếng ra đời. “Gánh hàng hoa”, “Nửa chừng xuân”, “Số đỏ”, “Lan và Điệp”, “Bỉ vỏ”... và một số phim được chuyển thể từ tác phẩm của các nhà văn như: Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Hồ Biểu Chánh…

Cảnh trong phim "Trò đời"

Nhưng kể từ sau giai đoạn này, thể loại phim chuyển thể bắt đầu vắng bóng hẳn trên thị trường, thay vào đó là một trào lưu làm phim truyền hình mới xuất hiện. Đó là sự xuất hiện của những đội ngũ biên kịch, đạo diễn trẻ, phim của họ phản ánh hơi thở của cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay nhanh chóng. Mãi đến năm 2010 thì dòng phim chuyển thể mới trở lại bằng sự ra đời của bộ phim“Lều chõng”, phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Sau cú hích này nhiều nhà sản xuất phim, các hãng phim từ Nhà nước, tư nhân bắt đầu bàn bạc quay lại với dòng phim chuyển thể.

Cụ thể là mới đây, các nhà làm phim thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam gồm đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang đã quyết định chọn lại những tác phẩm văn học nổi tiếng của giai đoạn văn học Việt Nam 1930-1945 để chuyển thể thành phim. Ý tưởng này được “thai nghén” từ năm 2010 và được lãnh đạo VTV cùng Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đồng thuận và hỗ trợ sản xuất. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang đã bắt tay chuyển bốn tác phẩm kinh điển của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên phim, đó là phim “Trò đời”. Các hãng tư nhân cũng nắm bắt xu hướng phim chuyển thể, mới đây đạo diễn Hà Sơn chuyển thể tiểu thuyết“Gánh hàng hoa”của Khái Hưng và Nhất Linh cho Hãng phim Đông A và tiếp theo sẽ chuyển thể 7 tiểu thuyết văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Hiện tại, “Trò đời” đang lên sóng những tập cuối cùng trên sóng VTV, phim này cũng chính là dự án trọng điểm của VFC trong năm 2013. “Trò đời” được đầu tư với kinh phí rất lớn, 330 triệu/tập, phía nhà đài cho biết nếu phim này thành công thì hứa hẹn sẽ có một loạt các tác phẩm xuất sắc của các nhà văn giai đoạn 1930-1945 được chuyển thể thành phim như: Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố... “Trò đời” chọn tác phẩm “Số đỏ” làm trung tâm nhưng phim cũng là tập hợp nội dung từ bốn tác phẩm khác như “Cơm thầy cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy Tây” và “Làm đĩ”. Lý do của sự “tổng hợp” này là để nhà làm phim có thể kéo mỗi dự án phim dài tới30-40 tập. Với khán giả, sự kết hợp này cũng đem lại nhiều thú vị khi cùng lúc được gặp lại nhiều nhân vật, câu chuyện quen quen khi đọc sách.

Sức hút từ những nhân vật và câu chuyện trong các tác phẩm phim chuyển thể là rất lớn, tuy nhiên để làm được những bộ phim như thế thì nhà làm phim cũng đối mặt với khó khăn trăm bề, không chỉ là chuyện làm sao vượt qua được “cái bóng” của tác phẩm văn học. Đạo diễn Nhuệ Giang trăn trở về những khó khăn cụ thể trong quá trình làm phim rằng: “Cái khó nhất hiện nay là việc tìm kiếm bối cảnh và diễn viên”. Theo chị thì, để tìm diễn viên Xuân Tóc Đỏ - một nhân vật xuyên suốt trong “Trò đời” thì đoàn làm phim đã rất nhọc công. Làm sao để tìm được một diễn viên trẻ mà chỉ nhìn thôi cũng toát lên được cái thần thái của Xuân Tóc Đỏ đã rất khó. Đó là chưa kể đòi hỏi diễn viên trẻ đó phải nhập vai vào nhân vật cách nay trên 70 năm một cách linh hoạt, chuẩn xác là điều không dễ dàng gì. Sự chênh giữa hai thời đại, đời sống khác, yếu tố lịch sử khác, quan niệm và cách sống cũng khác thì việc hóa thân của diễn viên là vô cùng khó. Làm sao để nắm bắt được cái thần thái của nhân vật cũng là rào cản đối với dàn diễn viên đang được trẻ hóa như hiện nay. Diễn viên trẻ Việt Bắc là người được chọn vào vai Xuân Tóc Đỏ. Suốt khoảng 10 tập đầu của phim, Việt Bắc đã khiến nhiều khán giả không khỏi thất vọng vì không lột tả được nhân vật. Tuy nhiên, như càng diễn càng nhập vai tốt, ở chặng đường giữa và cuối hiện tại, Việt Bắc đã lấy lại cảm hứng của người xem về hình ảnh một Xuân Tóc Đỏ trong tác phẩm văn học “Số đỏ”.

Các tác phẩm văn học của Nam Cao được chuyển thể thành phim

Một khó khăn lớn khác ngoài việc chọn diễn viên chính là việc tìm bối cảnh cho phim. Vấn đề phim trường thiếu trầm trọng của điện ảnh Việt đã là muôn thuở, cộng với việc tốc độ đô thi hóa đã xóa nhòa nhiều khu phố, di tích cổ nên các nhà làm phim cũng không ít lần phải lao đao. Chính vì thế mà để quay “Trò đời”, ngoài việc phải đầu tư xây dựng một số bối cảnh, trang phục dụng cụ thì cả đoàn di chuyển rất nhiều địa điểm từ làng cổ Đường Lâm đến Đông Ngạc, phố Tạ Hiện hay những bối cảnh cổ trong nội thành được tận dụng hết mức có thể như đường Trần Hưng Đạo, công viên Bách thảo... Thế nên, biết tận dụng những nguyên liệu có sẵn là một chuyện, nhưng chế biến chúng thành những “món ngon” hay không lại dựa vào bàn tay tài hoa của người đầu bếp - đó chính là các đạo diễn.

Hiện tại thì bộ phim dài tập “Trò đời” vẫn chưa kết thúc nên chưa thể nói dòng phim này sẽ thành công hay thất bại! Tuy nhiên một điều có thể ghi nhận là phim chuyển thể đã mang đến một luồng sinh khí mới cho phim truyền hình Việt đang rơi vào giai đoạn nhàm, chán như hiện nay. Nhưng sản xuất được những bộ phim chuyển thể này không hề đơn giản. Vì thế để dòng phim này thật sự phát triển, trở thành một bước khởi sắc mới cho điện ảnh Việt thì rất cần sự quyết tâm đầu tư, dấn thân của các đạo diễn, nhà sản xuất.

Trúc Vân