“Phên giậu” nơi biên ải

06:50 | 07/02/2018

330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu, các lực lượng tham gia phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đã trở thành “phên giậu” suốt dọc dài biên cương của đất nước.
phen giau noi bien ai
Bộ đội biên phòng và công an thu giữ hàng lậu ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng

Đó là các chiến sĩ biên phòng, cán bộ hải quan, thuế, quản lý thị trường, an ninh cửa khẩu. Họ là những chiến sĩ tiên phong, dũng cảm đương đầu với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt lũng đoạn nền kinh tế. Không chỉ đổ mồ hôi, công sức mà có người đã phải hy sinh tính mạng vì nhiệm vụ.

Năm 2017 vừa qua, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại khu vực biên giới Tây Nam Bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá còn phức tạp, gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động.

Tuyến đường biển là khu vực nóng nhất về nạn buôn lậu xăng dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, thực phẩm chức năng… Đối tượng vi phạm chủ yếu lại là các tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa và các tàu thuyền hoạt động kinh doanh, khách du lịch, cư dân giáp biên.

Riêng với tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, hàng vi phạm chủ yếu là ma túy, vàng, vũ khí, các sản phẩm động vật hoang dã, điện thoại, rượu, thuốc lá ngoại, xì gà… Đáng chú ý, phi công, tiếp viên hàng không, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tuyến hàng không cũng vi phạm.

Trên tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng đầu nậu thường ràng buộc trách nhiệm giữa chủ hàng với người vác hàng thuê, nhằm đảm bảo hàng hóa không bị thất lạc bằng cách đặt cọc một nửa giá trị lô hàng. Do đó, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng này chống đối quyết liệt và manh động.

Khu vực cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo dọc theo tuyến sông Sê Pôn (Quảng Trị) vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa trái phép từ Lào về Việt Nam. Các đối tượng buôn lậu tập kết hàng hóa ở Lào sát bờ sông Sê Pôn rồi lợi dụng đêm tối, địa hình sông nước, rừng núi hai bên bờ sông hiểm trở để vận chuyển hàng hóa đó sang bên này. Hàng được cất giấu ở tất cả các ngõ ngách khó tìm, khó phát hiện, thậm chí gia cố lại tất cả các loại xe để cất giấu hàng. Dân buôn lậu còn dùng nhiều ma nơ canh, choàng áo khoác lên rồi đặt chúng vào ghế hành khách y hệt như có khách ngồi trên xe để qua mặt các lực lượng chức năng. Trạm Đắkrông đã phát hiện 2.000 chai rượu và bia ngoại, 1.800 gói thuốc lá ngoại với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng trên chuyến xe đó.

Buôn lậu chủ yếu hoạt động ban đêm. Các đối tượng cử người canh gác cẩn mật, có tổ chức khắp mọi nơi, nhất là các trạm gác liên ngành. Ngay khu vực các đồn biên phòng cũng luôn có vài ba đối tượng túc trực 24/24 để quan sát. Ở biên giới phía Bắc, các ngành chức năng địa phương căng mình ngăn chặn hàng lậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ hải quan, biên phòng đã phải căng lều bạt dã chiến, ăn ngủ ngay trong rừng, tại các lối mòn biên giới để canh gác, thậm chí còn lập hàng rào thép gai để ngăn chặn.

Nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng nói trên, hàng lậu và hàng giả sẽ tràn ngập thị trường, gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều loại hàng cấm còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Ngoài lực lượng chức năng, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Ở một số nơi, khi có nhiệm vụ, tất cả lực lượng liên quan đã cùng vào cuộc, không phân định địa bàn. Từ đấu tranh phòng ngừa, những đề án phát triển kinh tế đối với vùng sâu, vùng xa - nơi tội phạm hay lợi dụng lôi kéo người dân nghèo tham gia vận chuyển hàng lậu đã được đặt ra. Nó trở thành giải pháp căn cơ lâu dài để hạn chế được số người tham gia vào hoạt động giao thương hàng giả và hàng lậu.

Đấu tranh chống buôn lậu cũng là mặt trận gặp nhiều cám dỗ nhất, nhiều viên đạn bọc đường nhất. Do đó, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã quản lý chặt chẽ, thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ, bởi con người là nhân tố quyết định trong công tác này. Làm chủ bản thân không sa ngã trước đồng tiền cũng là một thử thách từng ngày, từng giờ đối với họ.

Những ngày cuối năm này, các vùng biên giới và cửa khẩu càng trở nên sôi động, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển, buôn bán một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết như đường, bia, rượu, thuốc lá. Trước sự tấn công quyết liệt của các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, hình thành nhiều đường dây buôn lậu quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ có sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng trong và ngoài nước. Thực tế này khiến cho cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cũng trở nên cam go hơn bao giờ hết.

Trong khi mọi người đang lo chuẩn bị tết thì có những chiến sĩ âm thầm làm nhiệm vụ nơi rừng núi, biên giới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ thực sự trở thành “phên giậu” bảo vệ sự ổn định cho thị trường hàng hóa của đất nước.

Bùi Đức