Phát thải khí nhà kính của EU giảm mạnh
Phát thải nhà kính của EU giảm mạnh. |
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho rằng sự suy giảm khí thải nhà kính tại EU là nhờ sự gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo tại khối 27 quốc gia này - đối tượng phát thải lớn thứ tư thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Báo cáo của EEA cho biết: "Sự sụt giảm lớn này là do sự suy giảm đáng kể trong việc sử dụng than và sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo, cùng với việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng trên khắp châu Âu".
Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng đây là "mức giảm hàng năm lớn nhất trong nhiều thập kỷ, ngoại trừ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 khiến lượng khí thải giảm 9,8%".
Cơ quan điều hành EU nhấn mạnh rằng lượng phát thải ròng tại Liên minh châu Âu năm ngoái thấp hơn 37% so với mức năm 1990, mặc dù GDP tăng 68% trong cùng kỳ.
Báo cáo cho biết dữ liệu này là bằng chứng cho thấy "tiếp tục có sự tách rời giữa phát thải và tăng trưởng kinh tế" trong khối.
Ủy ban châu Âu - tổ chức đi đầu trong nỗ lực đầy tham vọng của EU hướng tới mục tiêu trung hòa carbon - cho biết khối này "vẫn đang đi đúng hướng để đạt được cam kết giảm phát thải ít nhất 55% vào năm 2030".
EEA đánh giá mục tiêu năm 2030 là "trong tầm với" nhưng cảnh báo rằng "các quốc gia thành viên EU sẽ cần duy trì tốc độ tiến triển này để đạt được các mục tiêu về khí hậu và năng lượng của châu Âu".
Ngược lại với xu hướng giảm, lượng khí thải từ ngành hàng không đã tăng 9,5% vào năm ngoái, tiếp tục xu hướng hậu Covid-19.
Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu, lượng khí thải từ sản xuất điện và sưởi ấm đã giảm 24% so với năm 2022, nhờ sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, cũng như "quá trình chuyển đổi khỏi than đá".
Năng lượng tái tạo là nguồn cung điện hàng đầu tại EU vào năm 2023 đạt 44,7% (tăng từ 41,2% vào năm 2022), vượt qua nhiên liệu hóa thạch ở mức 32,5% và năng lượng hạt nhân ở mức 22,8%.
Về mức tiêu thụ năng lượng chung của khối, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã tăng từ 10,2% vào năm 2005 lên 24% vào năm 2023, theo EEA.
EU đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Trong số bốn quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, EU là quốc gia đạt được tiến bộ lớn nhất trong việc cắt giảm khí thải.
Một báo cáo được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố tuần trước ước tính rằng lượng khí thải của EU đã giảm 7,5% vào năm ngoái - so với mức giảm 1,4% ở Hoa Kỳ và mức tăng lần lượt là 5,2% và 6,1% ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của người đứng đầu EC - bà Ursula von der Leyen trong nhiệm kỳ mới là đàm phán với các quốc gia thành viên và nghị viện về mục tiêu cho năm 2040 - với mục tiêu của Brussels là cắt giảm 90% lượng khí thải so với mức năm 1990.
Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP) của bà der Leyen - đảng lớn nhất trong nghị viện - đã tuyên bố rằng đây là mục tiêu "đầy tham vọng".
Hơn nữa, các đảng cánh hữu giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử toàn khối năm nay đã dẫn đầu phong trào phản đối những chính sách mà họ gọi là "trừng phạt" về môi trường, làm dấy lên lo ngại rằng Brussels có thể buộc phải từ bỏ tham vọng về khí hậu của mình.
Tuy nhiên, báo cáo của EEA đã chỉ rõ rằng cần phải hành động nhiều hơn chứ không phải giảm đi để giữ cho khối này đi đúng hướng.
Dựa trên các biện pháp hiện đang được áp dụng tại các quốc gia thành viên, EEA cho biết các dự báo chỉ ra lượng khí thải ròng sẽ giảm 43% vào năm 2030 so với năm 1990 - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 55%.
Báo cáo cho biết 22 quốc gia thành viên đã đệ trình thêm các dự án "đã lên kế hoạch nhưng chưa triển khai", nếu được phê duyệt sẽ giúp cắt giảm 49% lượng khí thải vào cùng thời điểm.
Cơ quan này cho biết: "Để thu hẹp khoảng cách còn lại vào năm 2030, điều cần thiết là phải tiếp tục cắt giảm khí thải với tốc độ nhanh trong những năm tới".
D.Q
AFP
-
Thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện dự kiến giảm 39.493 tấn CO2 tương đương/năm
-
Dòng chảy khí đốt Nga đến EU: Khả năng phục hồi trước những tranh chấp hợp đồng
-
EU đề xuất tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ để giảm phụ thuộc vào Nga
-
Hợp tác Việt Nam - EU theo hướng phát triển xanh và bền vững
-
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU: Nỗ lực thích ứng vì một tương lai bền vững