Phát hoảng vì nước giếng biết "biến hình"

15:23 | 09/06/2015

2,086 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mang ấm nước pha chè khô đi rửa, người dân xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ bàng hoàng khi thấy màu nước “biến hình” từ trắng thành đen kịt, sùi bọt trắng xóa…

Video nước giếng "biến hình" thành nước cống trong tích tắc

Nước biết “biến hình”

Thật khó có thể tưởng tượng, ở một mảnh đất yên bình, con người và thiên nhiên rất gần gũi, hòa hợp mà nguồn nước lại bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng như ở xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Càng khó hiểu hơn khi nơi đây không hề có công ty hóa chất hay nhà máy công nghiệp.

Từ những thông tin do người dân cung cấp, chúng tôi tìm đến khu dọc bờ ngòi Lao – Sông Hồng (thuộc khu 8, khu 10, xã Bằng Giã) nơi có hơn 400 hộ dân đang phải sử dụng nguồn nước không thể bẩn hơn này để sinh hoạt.

Hết lần này đến lần khác, người dân thi nhau đào giếng, thuê người khoan sâu xuống lòng đất cả trăm mét nhưng nước đẩy lên vẫn có mùi tanh, màu vàng…

Miêu tả của người dân nơi đây thì loại nước này không chỉ đục ngầu, kết tủa, có mùi tanh mà còn biết cả “làm phép”. Để minh chứng cho việc nguồn nước biết “làm phép”, họ nhanh chóng chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để nguồn nước thực hiện “biến hình”.

Phú Thọ: Nước giếng biết “biến hình” thành nước cống

Ảnh cắt từ clip.

Anh Nguyễn Xuân Trường – Trưởng khu 10, xã Bằng Giã cho biết: Một lần đi rửa chén, mấy đứa nhỏ mang ấm nước pha chè khô ngâm trong chậu nước, chỉ ít phút sau cả chậu nước chuyển màu, đen kịt, sùi bọt như bị pha hóa chất.

Tin tức loại nước biết “làm phép” lan rộng, cả khu 10 thi nhau lấy nước chè khô làm “thí nghiệm” mong muốn nhìn thấy nước “biến hình”.

“Kết quả đều như nhau, chúng tôi thử cả trăm lần thì bấy nhiêu lần nước giếng đổi màu thành nước màu như nước cống. Không biết là vì nguyên nhân gì. Gia đình tôi cũng như các gia đình xung quanh sống ở đây đã lâu năm, trước kia phải dùng nước sông để sinh hoạt nhưng sau đó gia đình anh tôi thuê người khoan giếng lấy nước sinh hoạt cho an toàn. Nhưng không hiểu sao, nước bơm lên trong vắt mà lại có mùi tanh, hôi cực kì khó chịu, để lâu lại chuyển thành màu vàng. Các chậu nhựa, nhôm đựng nước vài hôm là bị ăn mòn, kết tủa thành lớp dầy trên chậu” – anh Trường nói thêm.

Nước máy bẩn, nhà máy nước sạch bỏ hoang

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Lộc – Chủ tịch xã Bằng Giã cho biết sau: “Trước đây, khi chưa có điều kiện các gia đình trong xã sử dụng nguồn nước giếng khơi, giếng đào thủ công và nước giếng khoan để sinh hoạt nhưng các nguồn nước này đều không đảm bảo an toàn.

Khi phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm, chính quyền xã Bằng Giã đã cùng người dân tìm hiểu nguyên nhân và chủ động xây dựng bể lọc với cát, sỏi, than hoạt tính, đánh phèn… nhưng cũng chỉ dùng để rửa rau, tắm giặt. Còn nước ăn thì phải đi mua hoặc xin cách đó tầm 3 - 4km, gia đình nào có điều kiện thì họ mua nước đóng bình về sử dụng”.

Cũng theo vị Chủ tịch xã Bằng Giã, vào các thời điểm nhất định trong ngày, người dân khu 8, khu 10 lại kéo nhau đi lấy nước. Người thì chở bằng xe máy, người dùng xe cải tiến.

Tuy nhiên, gọi là nước sạch nhưng cũng chỉ là khuất mắt trông coi, chứ chưa ai dám đảm bảo nguồn nước đó là nước sạch, không ảnh hướng đến sức khỏe.  “Thấy người dân ở đó họ ăn được thì mình cũng ăn thôi” – Bà Lộc chia sẻ.

Được biết, trên địa bàn xã Bằng Giã đã từng được đầu tư hệ thống nước sạch tuy nhiên, nhà máy nước sạch giờ chỉ còn trong ký ức.

“Khi thực hiện chương trình nông thôn mới, Bằng Giã được một tổ chức phi chính phủ Italia đầu tư vốn xây dựng công trình nước sạch. Theo dự kiến, nhà máy nước sạch sẽ cung cấp đủ lượng nước cho 200 hộ dân. Tuy nhiên, theo thời gian nhà máy này đã bị hư hỏng. Công tác bảo trì, sửa chữa cũng không khắc phục được, máy bơm nước bị rơi xuống giếng sâu gần 100m không thể lấy lên. Hiện nhà máy đã ngưng hoạt động” – Chủ tịch xã Bằng Giã nói.

“Ăn đong” nước từng ngày

Từ khi biết nguồn nước bị ô nhiễm, người dân khu 10 bắt đầu tìm cách để “cai” nguồn nước đang dùng, nhiều người bỏ tiền xây bể lọc nước, khoan thêm giếng mới đều không có tác dụng. Đáng chú ý, nhiều gia đình đầu tư xây bể lọc nước nhưng tình trạng này không được cải thiện.

Theo một người dân thuộc khu 8, xã Bằng Giã: Trước đây, chúng tôi không để ý nên lấy nước ấy để ăn uống nhưng từ khi biết nguồn nước bị ô nhiễm chúng tôi chỉ dùng nước để tắm giặt còn nước ăn thì phải đi mua 3 nghìn đồng/1 can 20 lít.

“Lúc biết nước bị ô nhiễm, tôi xây bể lọc hết 10 triệu nhưng nước vẫn không thể ăn được. Hàng ngày, tôi vẫn phải đi mua nước để ăn uống” – một người dân khu 8 nói.

“Số tiền mua một bình nước tuy không lớn nhưng suốt năm, suốt tháng chúng tôi phải đi mua nước trong khi nước máy từ giếng lên chỉ dùng để rửa chân. Với lại, nguồn nước sạch mà chúng tôi đi mua cũng chẳng sạch hơn là bao. Lúc chúng tôi đun lên vẫn có rất nhiều vôi, cặn...” – chị H. chia sẻ.

Quá lo lắng, mọi người kiến nghị lên chính quyền xã, huyện và tỉnh để được giúp đỡ. Vài ngày sau, đoàn cán bộ Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ đã về kiểm tra và lấy mẫu nước mang đi kiểm định nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng cho người dân.

Xuân Hinh - Thu Hường

(Năng lượng Mới)