Pháp tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo

09:06 | 06/12/2022

413 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhân rộng lắp đặt những tấm pin mặt trời trên đường cao tốc, bãi đỗ xe, phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô cực lớn..., đó là những biện pháp được đề cập trong dự luật thúc đẩy năng lượng tái tạo được Thượng viện Pháp thông qua lần đầu.
Pháp tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo
Trang trại năng lượng mặt trời lớn thứ hai ở Pháp

Mục tiêu đầy tham vọng

Pháp vốn phụ thuộc vào điện hạt nhân từ rất lâu. Vì thế, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1/4 cơ cấu điện của Pháp trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác ở châu Âu. Trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu, nguy cơ “mất điện” do chiến tranh Nga - Ukraine, Chính phủ Pháp đã phải tìm cách thay đổi cục diện.

Tổng thống Emmanuel Macron đặt ra mục tiêu cho năm 2050: Nâng công suất sản xuất điện mặt trời lên gấp 10 lần hiện tại, tức trên 100 GW; triển khai 50 trang trại gió trên biển để đạt 40 GW sản lượng điện gió.

Pháp cần trung bình 5 năm để xây dựng một trang trại điện mặt trời, 7 năm cho một trang trại điện gió và 10 năm cho một trang trại điện gió ngoài khơi.

Do đó, dự luật đưa ra những điều chỉnh tạm thời để đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giúp rút ngắn đáng kể thời gian triển khai.

Cơ chế “từ dưới lên”

Thượng viện và Chính phủ Pháp sẽ trao quyền lực quản lý dự án lại cho khu vực địa phương và bãi bỏ quyền “phủ quyết” một dự án. Nói cách khác, mỗi thành phố sẽ lấy ý kiến phản hồi theo cơ chế “từ dưới lên” để tự xác định những khu vực “ưu tiên”, “có lợi” hoặc thích hợp cho các dự án năng lượng tái tạo được gửi về. Các dự án phải nhận được sự phê duyệt của thị trưởng thành phố để triển khai trong khu vực. Như vậy, thị trưởng là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Pháp tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Pháp

Tạo thuận lợi cho điện mặt trời

Dự luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt những tấm pin quang điện gần đường cao tốc và đường lớn. Dự luật cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng năng lượng ở miền núi. Dự luật sẽ cho lắp đặt những mái che bóng râm có gắn pin năng lượng mặt trời hay mái phủ xanh tại những bãi đỗ xe ngoài trời với diện tích hơn 2.500m2 hoặc cho lắp đặt những công nghệ đó tại bãi đỗ xe có hơn 80 chỗ.

Thúc đẩy điện gió ngoài khơi

Dự luật đề xuất thu thập dữ liệu từ những cuộc tranh luận công khai để xác định vị trí thuận lợi cho những dự án trang trại điện gió ngoài khơi, qua đó cải thiện quy hoạch không gian biển và đẩy nhanh sự phát triển của điện gió ngoài khơi.

Dự luật sẽ không còn điều khoản yêu cầu phải lắp đặt turbine cách bờ hơn 40km. Thay vào đó, turbine có thể được lắp đặt trong phạm vi 22km, tức là trong những khu vực thuận lợi và ưu tiên trong vùng đặc quyền kinh tế. Dự luật sẽ thiết lập một hệ thống chia sẻ giá trị năng lượng tái tạo xuyên lãnh thổ, giúp phổ cập năng lượng tái tạo ở khắp nơi. Hệ thống này sẽ chỉ hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng. Nói cách khác, để giảm giá hóa đơn tiền điện, các thành phố sở hữu những cơ sở hạ tầng năng lượng đều phải tham gia hiện thực hóa chính sách giảm chi phí. Hệ thống này sẽ được áp dụng tại mọi cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.

Triển vọng khả quan

Theo ước tính mới nhất của Ủy ban Điều tiết năng lượng Pháp (CRE), Chính phủ Pháp sẽ thu về 21,7 tỉ euro từ lĩnh vực điện gió, 3,5 tỉ euro từ lĩnh vực điện mặt trời. Thậm chí, Pháp sẽ thu được thêm 1,7 tỉ euro từ lĩnh vực thủy điện.

CRE đã đánh giá lại triển vọng doanh thu của lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt từ điện gió. Vào tháng 7-2022, CRE dự kiến điện gió chỉ mang về 8,6 tỉ euro. Tuy nhiên, do giá điện trên thị trường tăng, CRE đã điều chỉnh dự báo: Trong giai đoạn năm 2022-2023, điện gió sẽ mang về cho Pháp 30,9 tỉ euro.

CRE dự đoán thêm: Với giá bán buôn điện hiện tại, tất cả những ngành năng lượng tái tạo ở lục địa Pháp sẽ trở thành nguồn doanh thu chính cho ngân sách nhà nước. Trong nguồn dữ liệu tổng thể này, điện gió sẽ chiếm phần lớn doanh thu, với con số xấp xỉ 21,7 tỉ euro. Còn điện mặt trời sẽ thu về 3,5 tỉ euro, thủy điện thu 1,7 tỉ euro. Biomethane (khí đốt tái tạo) cũng đã được đưa vào mạng lưới năng lượng, dự kiến thu về cho Chính phủ Pháp 0,9 tỉ euro.

Theo giải thích của CRE, Pháp có được điều kiện thuận lợi đó nhờ vào chính sách hỗ trợ đặc biệt cho năng lượng tái tạo từ năm 2003. Theo đó, Chính phủ Pháp sẽ bảo đảm một mức giá mua điện nhất định cho các nhà khai thác năng lượng tái tạo, đồng thời trả khoản tiền bù đắp trong trường hợp giá thị trường vượt quá mức giá bảo đảm này (có một trường hợp đang xảy ra trong thời điểm hiện tại). CRE dự kiến, với tốc độ phát triển mạnh mẽ, trong 20 năm, lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ có đủ khả năng hoàn trả tiền cho Chính phủ Pháp.

Có thể sớm cắt trợ cấp

CRE nhắc lại, với những khoản lợi nhuận đó, Chính phủ Pháp sẽ có đủ khả năng trích ngân sách để thực hiện những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khi giá năng lượng tăng cao.

Nhưng vào ngày 8-11-2022, CRE cảnh báo: Vì bối cảnh giá điện thị trường đang có lợi cho nhà sản xuất năng lượng tái tạo, họ sắp phải đối mặt với nguy cơ bị cắt trợ cấp sớm. Trên thực tế, nhiều yêu cầu cắt trợ cấp đã được đưa ra sau vài báo cáo sản lượng: Vào tháng 7-2022, công suất lắp đặt tích lũy đã đạt 1,3 GW. Vào cuối tháng 9-2022, công suất đã vượt quá 3,7 GW.

Theo ước tính của CRE, quyết định cắt trợ cấp cho năng lượng tái tạo ở thời điểm này sẽ khiến Chính phủ Pháp chịu khoản lỗ lũy kế lên đến 6-7 tỉ euro trong năm 2022 và 2023. CRE nhận xét: “Những công trình năng lượng tái tạo phát triển được nhờ có sự hỗ trợ tài chính của nhà nước trong hơn 10 năm nay. Vì vậy, việc các nhà sản xuất bị chấm dứt trợ cấp sớm chỉ vì giá bán buôn điện cao là điều không bình thường”. Hiện nay, CRE khuyến nghị tăng thuế doanh nghiệp đánh vào những cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo này.

Theo ước tính mới nhất của Ủy ban Điều tiết năng lượng Pháp (CRE), Chính phủ Pháp sẽ thu về 21,7 tỉ euro từ lĩnh vực điện gió, 3,5 tỉ euro từ lĩnh vực điện mặt trời. Thậm chí, Pháp sẽ thu được thêm 1,7 tỉ euro từ lĩnh vực thủy điện.

S.Phương