Phập phồng chất lượng thuốc đông y

07:00 | 19/11/2013

3,297 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên liệu sản xuất thuốc trôi nổi, quy trình sản xuất không đảm bảo khiến chất lượng thuốc đông y trở thành mối lo của người dân.

Chất lượng trên trời

Thuốc đông y vốn không còn quá xa lạ với người dân Việt, đặc biệt là khi các bài thuốc đông y được cho là ít gây tác dụng phụ hơn tây y, nhu cầu sử dụng những loại thuốc này càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, nếu như trước đây việc sử dụng thuốc đông y được cho là an toàn thì hiện nay chất lượng của nó là vấn đề đáng báo động, không ít trường hợp người dân sử dụng thuốc đông y và bị ngộ độc gây nguy hiểm cho tính mạng.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112013/18/19/IMG_1555.jpg

Thuốc đông y cần nguồn dược liệu sạch

Tại TP HCM, địa phương đứng đầu trong cả nước về buôn bán, sản xuất thuốc đông y, mối lo ngại về chất lượng của các sản phẩm này càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là mới đây Cục quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản đình chỉ lưu hành hai lô thuốc nước “Thuốc ho Quảng An Cao Chỉ khái mát phổi”  do cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Phú Đức (Q.11, TP HCM) sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ trọng và chỉ tiêu cặn sau khi bay hơi và lô thuốc “Hồng huyết tố” cơ sở y dược học cổ truyền dân tộc Nguyễn Minh Trí (huyện Hóc Môn, TP HCM) sản xuất.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các cơ sở sản xuất thuốc đông y ở TP HCM bị phát hiện không đạt chuẩn và buộc ngưng lưu hành. Bởi trước đó, trên địa bàn đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc do sử dụng thuốc đông y. Điển hình nhất là vụ việc một bé gái X.N (8 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) được đưa vào cấp cứu tại BV Nhi Đồng 2 do ngộ độc thuốc đông y trong tình trạng các chi bị tê cứng không cử động được, thần kinh bị ảnh hưởng. Theo người nhà, thì do cháu bị nghẹt mũi khó thở nên gia đình đã mua loại thuốc đông y hiệu “Thất sơn dược thảo” bán gần nhà cho bé uống dẫn đến ngộ độc.

Theo ông Huỳnh Văn Lãm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM: Tình trạng sản xuất thuốc đông y tràn lan, không được kiểm soát chặt chẽ chính là nguyên nhân khiến chất lượng thuốc đông y bị bôi nhọ. Cũng theo ông Lãm, hiện nay TP HCM có khoảng 100 cơ sở sản xuất thuốc đông y, ngoài những cơ sở sản xuất có uy tín và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt thì đa phần là không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ở những cơ sở này không gian sản xuất chật hẹp, dây chuyền công nghệ lạc hậu. Gần như 100% hàng hóa của các cơ sở này khi xuất xưởng không hề được kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, với các “nhà sản xuất” cao đơn hoàn tán thì rất khó xác định chất lượng vì chưa có cơ quan nào kiểm định, cấp số đăng ký.

Nguồn dược liệu trôi nổi

Có thể thấy, việc thuốc đông y không đảm bảo chất lượng như hiện nay ngoài lý do đến từ khâu sản xuất còn có lý do lớn hơn đó là bởi nguồn nguyên liệu không an toàn. Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám-chữa bệnh của Nhà nước đã cho thấy, gần 400 mẫu dược liệu thì có tới 60% số mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, ximăng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại…

Có thể thấy, nhu cầu sử dụng thuốc đông y là rất lớn, chỉ riêng bệnh viện Y học cổ truyền ở TP HCM mỗi năm đã sử dụng 100 tấn dược liệu. Do nhu cầu sử dụng dược liệu tăng cao trong khi nguồn cung trong nước không đảm bảo nên hơn 80% số lượng dược liệu bệnh viện này sử dụng phải nhập từ Trung Quốc.

Nếu tính thêm 20 bệnh viện y học cổ truyền thuộc Sở Y tế TP hơn 1.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền cho bệnh nhân thì TP HCM có đến gần 100 cơ sở sản xuất đông dược. Như vậy, có thể thấy là nhu cầu về dược liệu trong đông y là rất lớn. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ nguồn dược liệu này thì việc đảm bảo về chất lượng nguồn dược là không nói trước được.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng: “Ở nước ta, đông y không chỉ điều trị bệnh, mà còn là một nét văn hóa cần được bảo tồn. Nếu không kiểm soát nổi nguồn nguyên liệu nhập lậu thì chắc chắn, người bệnh sẽ quay lưng với các loại thuốc đông y. Vì vậy vấn đề cốt lõi hiện nay là ngoài việc kiểm soát khâu sản xuất thuốc chúng ta cần phải đảm bảo nguồn dược liệu sạch nhằm đảm bảo chất lượng cho thuốc đông y”.

Thùy Trang