Phận thanh niên xung phong thời hậu chiến (Kỳ cuối)

16:00 | 01/05/2013

1,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hàng trăm thanh niên xung phong (TNXP) C895 đã xả thân cứu tàu, cứu hàng… để rồi 14 người đã anh dũng hy sinh, những người được cứu sống tiếp tục cống hiến tuổi xuân trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại. Thời gian trôi đi có thể xóa nhòa mọi thứ nhưng những cống hiến, hy sinh của họ sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận. Họ xứng đáng là những anh hùng.

>> Phận thanh niên xung phong thời hậu chiến (Kỳ 2)

>> Phận thanh niên xung phong thời hậu chiến (Kỳ 1)

Kỳ cuối: Họ là những anh hùng

Xả thân cứu tàu

Trong số những cựu TNXP mà tôi đã gặp, có một người nguyên là đại biểu Quốc hội khóa VIII, đó là chị Nguyễn Thị Kiều, quê ở Minh Khai, Hưng Hà, Thái Bình. Tròn 18 tuổi, đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, chị Kiều đã viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong và trở thành người tiểu đội trưởng trong trận cứu tàu ở Ga Gôi. Sau khi được đồng đội cứu sống, chị Kiều tiếp tục cùng đồng đội tham gia bảo vệ các cung đường Trường Sơn huyền thoại. Hòa bình lập lại, chị trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác trong Ban Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp rồi làm Phó chủ nhiệm hợp tác xã.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, miền Bắc có phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Tây Nguyên, chị được giao phụ trách việc vận động bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới. Thân gái dặm trường, chị đã tổ chức thành công đoàn công tác với lỉnh kỉnh đồ đạc vào thăm bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng với kết quả vượt ngoài sự mong đợi. Sau lần đó, chị được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Minh khai và chị đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Mải công tác, ngoảnh đi ngoảnh lại, tuổi xuân trôi qua từ lúc nào, chị đành ở vậy tiếp tục chuyên tâm công tác. Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy xã, chị được chuyển lên huyện và giữ chức vụ Phó ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Hà. Những năm tháng công tác ở đây, chị đã quen và làm bạn với một cán bộ ngành thanh tra tỉnh Thái Bình. Người bạn này có vợ và ba con, tuy nhiên vợ anh đã mất sau cơn bạo bệnh. Thế là hai tâm hồn cô đơn đã tìm thấy ở nhau sự đồng điệu. Chị lấy chồng khi đã ở cái tuổi ngoài 50. Hiện nay chị đã nghỉ hưu và ở nhà chăm nom người bạn đời ở tuổi 80, chị bảo: “Cảnh già có bạn cũng đỡ cô quạnh. Hoàn cảnh tôi như vậy, nhưng dù sao cũng còn có chút tiền lương hưu sống qua ngày. Nhiều đồng đội còn khổ lắm! Bản thân bệnh tật, con cái thì dị dạng, điên dại mà chẳng có chế độ gì”.

Sư thầy Thích Đàm Phương bên ban thờ các đồng đội đã hy sinh

Xin được thông tin thêm về vụ nhiễm độc tập thể trong trận cứu tàu tại Ga Gôi (Nam Định) bi hùng. Là người trực tiếp tham gia cứu tàu, cứu hàng trong trận Ga Gôi lịch sử, chị Nguyễn Thị Kiều, nguyên Tiểu đội trưởng của Đại đội TNXP 895 nhớ lại: “Chiều hôm ấy, chúng tôi tổ chức đại hội đoàn tại xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, gần khu vực Ga Gôi. Đang đại hội thì có báo động, sau đó nhận được tin tàu bị trúng bom. Mọi người chạy vội ra ga để tham gia cứu hàng, cứu tàu. Đến nơi thì đã thấy cả khu vực nhà Ga chìm trong khói lửa, đoàn tàu bị đánh phá tan hoang. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, ngọn lửa được dập tắt, phần lớn hàng hóa được chuyển ra khu vực an toàn. Đến toa cuối cùng gần đầu máy phát nổ, khói mù mịt. Toàn bộ lực lượng TNXP và người dân địa phương dồn cả vào đó, nhanh chóng dập lửa và đưa những thùng hàng chưa bị vỡ ra ngoài. Điều không may đã xảy ra, những người vào sâu tiếp cận với hàng vỡ có dấu hiệu ngạt thở, mặt mày tái nhợt, nôn mửa, có người ngã khụy xuống”.

Lúc đó không ai nghĩ đó là những thùng chứa thuốc trừ sâu, mà chỉ nghĩ do vác hàng kiệt sức nên ngất. Vậy là người này ngã, người khác lại xông lên, vừa dập lửa vừa cứu người, cứu hàng. Số người bị ngất tăng lên chóng mặt, nằm ngồi la liệt trên sân ga. Chị Nguyễn Thị Hồng Mùi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, C895 ngay từ những phút đầu đã vào khu vực nóng bỏng, nguy hiểm, kéo, rồi cõng ra nhiều đồng đội. Như một cán bộ y tế thực thụ, chị vừa làm vừa hướng dẫn mọi người làm hô hấp nhân tạo, hà hơi tiếp sức. Chị đã không ngần ngại dùng miệng hút cả đờm cho đồng đội. Rồi chị lao vào sâu hơn, chị kêu gọi: “Tim mình có thể ngừng đập nhưng không thể không cứu đồng đội”. Miệng nói tay làm, như con thoi cứ văng ra lại văng vào, chỉ trong ít phút, chị Mùi đã cứu được hơn 20 đồng đội. Thấy còn mấy người nằm gần toa, chị lao vào cõng bạn. Nhưng đã quá mệt, lực bất tòng tâm, chị đã kiệt sức và ngã gục khi trên lưng còn cõng một đồng đội to lớn hơn mình. Đồng đội đã đưa chị và những người còn lại ra khỏi khu vực nguy hiểm nhưng chị đã hy sinh ngay sau đó.

“Tôi không thể quên được hình ảnh chị Nguyễn Thị Hồng Mùi, một đảng viên trẻ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3. Chị cùng nhiều anh chị em khác lao ra hiện trường để cấp cứu đồng đội. Bất chấp nguy hiểm, chị Mùi đã trực tiếp hô hấp, cứu sống được 20 người, trong đó có tôi. Sau đó bản thân chị cũng kiệt sức và hy sinh”, chị Kiều xúc động.

Ông Trương Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Thái Bình

Trong số những người hy sinh trong ngày định mệnh đó có anh Trần Văn Trình. Vốn là anh nuôi của đơn vị, thấy bom đánh tàu cũng chạy ra cứu hàng hóa, sau đó cứu đồng đội là anh Đào Ngọc Lâm. Trình hô hấp cho Lâm, cuối cùng Lâm sống còn Trình thì hy sinh. Cùng với anh Trình, chị Mùi còn có 12 người khác đã anh dũng hy sinh tại chỗ đó là: Đỗ Ngọc Khanh, Lương Văn Tốn, Đặng Thị Nhung, Lê Văn Đán, Phạm Thị Nhớn, Nghiêm Đình Nhương, Lê Văn Tuyết, Bùi Xuân Hoa, Đinh Văn Đảo, Đinh Thị Nội, Lê Mậu Thưởng và Đỗ Nhật Minh. Tất cả các chị hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vụ Bản, Nam Định.

Xin đừng lãng quên họ

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng với ông Đinh Nhật Lệ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hưng Hà, Thái Bình, nguyên Đại đội phó C895 là bao thời khắc dằn vặt đau đáu. Suốt 20 năm qua, ông cùng các đồng đội đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi, gõ cửa khắp nơi những mong cho đồng đội được ghi danh xứng đáng. Năm 1996, ông đã lên Hà Nội, tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gặp Giáo sư Nguyễn An Lương, làm việc với Hội Luật gia, Phòng Hóa học Quân khu 3 và Binh chủng Hóa học. Ông cẩn thận mang một chai hóa chất độc hại năm ấy tới trình bày với Giáo sư, bác sĩ Hoàng Đình Cầu, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất hóa học.

Năm 1997, ông cùng ông Vũ Công Xưởng, chồng bà Vũ Thị Bột (chiến sĩ TNXP C895) gửi đơn tới Bộ Giao Thông Vận tải. Tiếp nhận đơn đề nghị của ông, ngày 20/6/1997, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ghi rõ nội dung: “Để động viên, an ủi anh chị em một thời đã dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm nghiên cứu trình Chính phủ cho số anh em TNXP chống Mỹ cứu nước nhiễm độc tại Ga Gôi được hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ”. Tiếp đó, ngày 7/8/1999, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có văn bản thứ hai gửi Bộ LĐ-TB&XH và một số cơ quan, tổ chức liên quan đề nghị “giám định y khoa cho số anh em này”. Đã gần 15 năm rồi mà các ông chưa nhận được câu trả lời.

Chị Nguyễn Thị Kiều (thứ 2 từ trái sang) trong một lần đến thăm sư thầy Thích Diệu Đoán

Ông Đinh Nhật Lệ kể: “Ngày 23/9/2010, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức một cuộc hội nghị gồm 13 bộ, ban, ngành Trung ương và UBND, Sở LĐ-TB&XH, lãnh đạo Hội Cựu TNXP hai tỉnh Nam Định, Thái Bình. Bản thân tôi cũng đã được mời đến dự hội nghị. Chúng tôi rất phấn khởi bởi được biết hội nghị được tổ chức nhằm bàn biện pháp giải quyết chế độ cho anh chị em C895 và suy tôn những anh chị em TNXP hy sinh ở Ga Gôi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau hội nghị, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã giao cho Hội Cựu TNXP tỉnh chỉ đạo đơn vị C895 lập danh sách các đội viên xuất ngũ, số đã chết, số còn sống, số bị bệnh tật để báo cáo UBND tỉnh và tỉnh báo cáo lên Bộ LĐ-TB&XH. Chúng tôi đã làm các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn. Nhưng đợi mãi, đợi mãi, vẫn không thấy hồi âm”. Sốt ruột quá, ông Đinh Nhật Lệ đã trực tiếp đến gặp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình thì được trả lời cứ yên tâm chờ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH! Sang hỏi UBND tỉnh thì được hướng dẫn sang Ban Thi đua khen thưởng của tỉnh mà hỏi. Đến Ban Thi đua khen thưởng thì lại được chỉ sang Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Không nản, ông Lệ lại tìm đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tại đó, ông gặp được ông Nguyễn Văn Khoa, Ban Tuyên huấn của Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình. Cả ba lần gặp, ông Khoa đều nói: “Việc của các bác hiện nay không giải quyết nữa mà đợi sự chỉ đạo của trên”. Và đến tận bây giờ, ông và các cựu TNXP C895 vẫn chưa tìm gặp được người và cơ quan có trách nhiệm để trả lời cụ thể rốt ráo vụ việc.

Tấm bia tưởng niệm tại Ga Gôi (Nam Định) ghi rõ: Nơi đây ngày 20/8/1966, cán bộ, chiến sĩ C895 TNXP cùng cán bộ, công nhân viên đường sắt khu ga Núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay giặc Mỹ. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Ông Trương Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thái Bình cho biết, không riêng vụ Ga Gôi, hơn 3.000 cựu TNXP Thái Bình bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng bao năm nay, hết đơn từ này, khiếu nại khác nhưng vẫn chưa được giải quyết. Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập trên, ông Trương Công Ánh cho biết, đến như ông từng giữ cương vị Phó ban TNXP Ban 67 nhiều năm ở chiến trường ác liệt mà hiện giờ vẫn chưa có chế độ gì, bởi lẽ Bộ LĐ-TB&XH quy định phải có danh sách gốc từ cấp trung đoàn trở lên thì mới giải quyết được.

Không biết vì lý do gì các cựu TNXP Thái Bình, kể cả ông Chủ tịch Hội Trương Công Ánh đã không có tên trong danh sách như Bộ LĐ-TB&XH đã quy định. Ông Ánh cho rằng, quy định và đòi hỏi ấy là vô lý vì điều kiện chiến trường khi ấy không thể đáp ứng được. Cho nên 3 dạng quyền lợi tối thiểu của anh chị em dằng dặc hằng bao nhiêu năm vẫn không được giải quyết. Một, nếu bị thương thì giải quyết chế độ thương tật, đủ tiêu chuẩn thì được coi như thương binh. Hai, giải quyết chế độ trợ cấp một lần. Ba, những người độc thân không nơi nương tựa (nhất là chị em) được giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên.

“Tại sao cùng một địa phương như Thái Bình, anh em bộ đội chuyển ngành phục viên phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng tiêu chuẩn đãi ngộ này khác nhưng TNXP lại không được? Đối tượng TNXP bị chất độc da cam của những địa phương, tỉnh thành khác được hưởng chế độ còn Thái Bình lại không? Nhiều năm rồi đề nghị nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì?”, ông Ánh bức xúc.

Di chứng từ vụ nhiễm độc đã rõ ràng và rất nghiêm trọng. Anh chị em tham gia cứu hàng, cứu tàu trong tình huống chiến đấu, chấp nhận gian khổ, hy sinh vì nhiệm vụ cao cả mà tại sao không có một chế độ đãi ngộ nào. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã đề nghị cấp trên giải quyết chế độ cho các anh chị em từ gần chục năm nay. Đài tưởng niệm các liệt sĩ Ga Gôi đã được Đoàn Thanh niên ngành đường sắt xây dựng. Đội phòng cháy, chữa cháy tỉnh Nam Định và nhân dân địa phương thôn Phú Thứ, huyện Vụ Bản được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Vậy mà đến nay, các dũng sĩ thuộc C895 - những người đầu tiên lao vào cứu hàng, cứu tàu lại đang bị lãng quên. Mặc dù tỉnh Thái Bình đã có công văn về việc đề nghị trên phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Lực lượng TNXP C895 vẫn chưa được giải quyết.

Xin được trích một đoạn bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Liên (tại hội trường thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011) thay cho lời kết loạt bài phóng sự này: “Việc các cựu TNXP chưa được hưởng đãi ngộ đó là một thiếu sót đối với những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả xương máu của mình cho đất nước. Những con người ấy, họ không đòi hỏi đâu, nhưng đã bao giờ chúng ta thử nghĩ, chúng ta đang hưởng thành quả ngày hôm nay, sống một cuộc sống hòa bình, yên ấm là nhờ đâu? Chúng ta có ngày hôm nay thì cái giá mà cha anh chúng ta phải trả là những gì? Tôi tin có rất nhiều người từng hỏi lương tâm mình như thế. Vậy tại sao chúng ta lại lãng quên công lao của họ, chẳng lẽ chúng ta lại nói: họ có đòi hỏi gì đâu… Không, không bao giờ họ đòi hỏi chúng ta trả công ơn họ như thế nào, nhưng dù họ có đòi hỏi đi chăng nữa thì chúng ta sẽ trả họ như thế nào, bao nhiêu là đủ, bởi điều đó là vô giá! Vậy sao chúng ta không làm ngay một điều gì đó dù chỉ là nhỏ thôi, để góp phần làm cho những con người anh dũng một thời ấy cảm thấy ấm lòng hơn và cũng là để bày tỏ lòng biết ơn đối với họ”.

Tính đến nay còn 17 vạn, trong tổng số 35 vạn gia đình cựu TNXP kháng chiến, những vết thương chiến tranh chưa hề rời khỏi bản thân họ và con cháu họ. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thế nhưng vẫn còn trên 50% cựu TNXP kháng chiến chưa được hưởng chế độ chính sách này. Trong khi đó còn hàng nghìn gia đình liệt sĩ, hàng vạn thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc hóa học, phụ nữ cô đơn, già yếu. Và trong đó hàng vạn người đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn vì mòn mỏi chờ đợi chính quyền giải quyết chính sách từ năm này qua năm khác cho đến khi già yếu, ốm đau, bệnh tật, tái phát vết thương và di hại của chiến tranh rồi qua đời mà vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, không được trợ cấp mai táng phí khi qua đời. Còn những trường hợp thương tâm như cựu TNXP bị nhiễm chất độc di hại đến đời con, cháu vẫn chưa được giải quyết trợ cấp.


Văn Dũng

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps