Phận đá Đời người

11:00 | 07/10/2020

486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các mỏ đá ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) là chốn mưu sinh của hàng nghìn người lao động địa phương và các nơi khác đổ về. Đá khai thác nơi đây mang theo cả mồ hôi, nước mắt và cả máu của người thợ chẻ đá.

Dọc đoạn đường gần 15km qua các xã Ea Bia, Đức Bình Tây, Suối Trai... có nhiều cơ sở khai thác đá lớn nhỏ. Ở đâu cũng thấy la liệt đá. Cảnh vật nhuốm một màu bạc phếch của bụi đá.

phan-da-doi-nguoi
Một bãi đá của xã Ea Bia

Từ 6 giờ 30, mỏ đá ở xã Ea Bia đã nhộn nhịp bởi nhiều âm thanh hỗn tạp của vô số các loại máy móc, của tiếng cưa cắt, tiếng đục đập và tiếng í ới của những người gọi nhau trong nắng sớm. Giữa những lán trại dựng tạm bợ, tiếng máy cưa xẻ đá rền vang, đôi lúc lại rúc lên những chuỗi âm thanh re ré rát tai của những chiếc máy công suất lớn nghiến vào đá phiến. Quanh đó, những tiếng búa nện vào đá chát chúa, đinh tai nhức óc. Dưới cái nắng oi ả, từng đám bụi đá trắng xóa quyện với khói xe và bụi đất đỏ từ những con đường vào các công trường làm cho không khí ngột ngạt, oi nồng...

Gần một khu lán trại tạm bợ, mấy người đàn ông đang hì hục cùng nhau vần một tảng đá lớn vào lán để chẻ nhỏ. Anh Đào Văn Thao bàn tay trái bị tím bầm vì đá cứa rách, máu rịn đỏ qua lớp vải băng sơ sài, mồ hôi nhễ nhại, đang cố chẻ đôi phiến đá granit ốp tường. Nhưng càng đập thì phiến đá càng vỡ nát ra thành nhiều mảnh nhỏ. Anh Thao vứt búa sang một bên, ngồi bệt xuống đất thở phì phò: “Cực chẳng đã mới phải làm nghề này. Suốt ngày bầm dập cả chân tay mới kiếm được mấy chục nghìn đồng. Khổ lắm!”.

phan-da-doi-nguoi-1
Một số đồ nghề bắt buộc của người thợ đá

Để có được 12 nghìn đồng cho 1 viên đá móng xây nhà cỡ 30x20x10cm là cả một quá trình đầy vất vả. Công việc tưởng như rất đơn giản lại cần đến cả một quy trình kỹ thuật khá rắc rối, nghiêm ngặt. Để tách đôi phiến đá đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, cẩn trọng từng ly từng tí. Mạnh tay quá thì phiến đá vỡ nát, nhẹ tay quá cũng không được. Ngồi nghỉ một lúc, anh Thao lại cầm búa lên và tỉ mẩn gõ từng nhát cẩn trọng vào tảng đá, biến nó thành một sản phẩm đẹp mắt...

phan-da-doi-nguoi-2
Dấu tích một tảng đá lớn vừa đục xong

Trong khu lán trại nhỏ trùm bạt cũ kỹ để che nắng, anh Đào Văn Bình, 26 tuổi, đang ra sức quai chiếc búa nặng 6kg xuống khối đá lớn chừng vài tấn. Mặc những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió, anh Bình kể: “Mới 17 tuổi, tôi đã theo người anh lớn đi làm phu chẻ đá ở vùng Đèo Cả, rồi phiêu bạt vào đây. Những ngày đầu mới vào nghề, ngày nào toàn thân cũng mỏi nhừ, chân tay đau nhức, rát bỏng vì những vết phồng rộp. Làm lâu rồi cũng quen!”.

phan-da-doi-nguoi-5
Tỉ mẩn từng chút một để có được viên đá như ý

Dưới cái nắng hầm hập phả vào mặt, đầu tóc trắng xóa bụi đá, những người thợ đá vắt hết sức mình cũng chỉ kiếm được từ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng mỗi ngày. Ở đây, các chủ khai thác đá trả công cho thợ bằng khoán sản phẩm. Một viên đá đúng quy cách, kích cỡ 60cmx30cm, dày 15cm, được bán với giá 11.500 đồng, trong khi công thợ chỉ được 2.500 đồng. Tính trung bình, người thợ đá nào dày dạn kinh nghiệm kiếm được 180.000-250.000 đồng/ngày, thợ phụ hoặc mới vào nghề kiếm được 140.000-160.000 đồng/ngày. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho các loại dụng cụ lên tới hơn 4 triệu đồng mới dùng được, hầu hết đều phải đặt làm riêng, còn dụng cụ mua ngoài chợ chỉ dùng được một lúc là bỏ đi.

phan-da-doi-nguoi-4
Tỉ mẩn từng chút một để có được viên đá như ý

Nghề đá nhọc nhằn, nguy hiểm. Ai cũng hiểu như thế, nhưng vì mưu sinh nên họ cố bám trụ với mỏ đá mong muốn sẽ dành dụm được lưng vốn kha khá rồi về quê kiếm kế sinh nhai khác. Nhưng rất khó, chỉ cần sẩy chân sẩy tay, tai nạn là coi như tiền thuốc, tiền viện không thể bù lại được. Chưa kể đến những sự cố dẫn tới thiệt mạng.

phan-da-doi-nguoi-3
Người thợ với chiếc búa đang đục đá

Chúng tôi đến với những người thợ đá tại các mỏ đá, lúc đứng dậy bước đi mới chợt giật mình khi thấy lớp bụi trắng li ti phủ kín bề mặt những cuốn sổ ghi chép và chiếc máy ảnh. Thật sự lo ngại cho những người thợ chẻ đá nơi đây khi họ phải thường xuyên hít bụi đá. Rồi khi đã giải nghệ, đến tuổi xế chiều, chắc nhiều người sẽ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Ông Ka Sô Chiểu, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bia, chia sẻ: “Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra tại những mỏ đá này bởi người phu bất cẩn, bởi dụng cụ bảo hộ hầu như không được trang bị, cũng bởi tâm lý chủ quan của người làm đá, chưa có ý thức tự bảo vệ mình. Công việc quá cực nhọc nên phải mặc những trang phục thoải mái và tiện lợi nhất, trong khi các dụng cụ bảo hộ lại cản trở hoạt động, bất tiện trong vận động, nên rất ít người sử dụng. Bên cạnh đó, chế độ với người lao động cũng không được bảo đảm. Mỗi khi có tai nạn, bệnh tật, các chủ cơ sở khai thác đá có quan tâm nhưng chưa đầy đủ, chủ yếu người thợ tự lo cho bản thân mình”.

Những người thợ đá mà chúng tôi tiếp xúc tại cơ sở khai thác đá ở Ea Bia đều lam lũ, vất vả với nghề, ngoài mục đích mưu sinh còn với mong muốn có một việc làm ổn định lâu dài. Nghề đá thực sự đã đem lại cơm ăn, áo mặc và cả chuyện học hành cho con cái họ. Nhiều người tâm sự, họ cũng tự hào rằng, các sản phẩm do họ làm ra hầu như có mặt trong các công trình xây dựng lớn, nhỏ khắp mọi miền đất nước, thậm chí xuất khẩu. Họ mong muốn được là một công nhân thực thụ, được hưởng các quyền lợi chính đáng của người lao động như được đào tạo nghề, được tập huấn các kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động, được khám chữa bệnh... Song, mong muốn vẫn chỉ là mong muốn.

Nhọc nhằn là thế, nguy hiểm là vậy, nhưng như nhiều người nói, họ vẫn phải bám đá mà sống trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó này

Minh Ngọc - Bảo Anh