Phải thay đổi cách tử hình thôi? 8

09:34 | 18/12/2013

17,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nên chăng các cơ quan bảo vệ pháp luật cần đề xuất với các cấp có thẩm quyền nên áp dụng cả hai hình thức thi hành án tử hình: tiêm thuốc độc và xử bắn.

>> Án tử hình và các phương thức thi hành trên thế giới

Mấy năm trước, Quốc hội đã biểu quyết thay hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn bằng tiêm thuốc độc.

Nhiều người đã vội vàng tung hô rằng, hình thức này nhân đạo hơn, đỡ gây ức chế cho người thi hành án, làm giảm sự "hãi hùng" ở chốn pháp trường…

Phải mất mấy năm trời, các nhà khoa học mới chế ra được loại thuốc để tiêm, mới xây dựng thí điểm được năm "trung tâm" tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình. Trong suốt thời gian đó, số lượng người chờ thi hành án tử hình tăng vọt, gây rất nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác giam giữ.

Trong nghề quản giáo trại giam, không gì "chối" hơn là phải trông coi tù tử hình.

Thôi! Cái việc ấy để lúc khác sẽ nói. Trở lại chuyện thi hành án tử hình bằng thuốc độc, nghe thì rõ là nhân văn, nhưng đến khi bắt tay vào mới thấy rằng quá nhiêu khê, phức tạp và tất nhiên là cực kỳ tốn kém.

Ngày trước, thi hành án tử hình thì địa phương nào thi hành ở nơi ấy. Việc thi hành án chỉ là đưa tử tù ra pháp trường, đội hành quyết có 7 hoặc 5 người (cho một tử tù), tốn mấy viên đạn là xong. Chi phí cho công tác bảo vệ pháp trường, cho đội thi hành án, cho ban tổ chức thi hành án chẳng đáng là bao.

Tử hình kiểu Tứ mã phanh thây (thời phong kiến)

Bây giờ, việc thi hành án cho một tử tù bằng hình thức tiêm thuốc độc vô cùng rắc rối. Nếu phạm nhân nằm ở trại giam đã xây dựng "phòng" tiêm thuốc độc thì còn đơn giản, nhưng nếu ở các tỉnh xa thì không đùa được. Cả một đoàn người trong ban tổ chức thi hành án gồm hàng chục cán bộ của công an, tòa án, viện kiểm sát, cảnh sát bảo vệ, pháp y. Cảnh sát dẫn giải phạm nhân phải đi từ nửa đêm gà gáy, vượt quãng đường có khi hàng trăm cây số để đến trung tâm thì mệt mỏi đến mức thế nào.

Nhưng rắc rối nhất, khó khăn nhất lại chưa phải là chuyện đó, mà là từ việc “ai sẽ là người lấy ven, chọc kim vào tay tử tù?”.

Thế mới có chuyện rằng, để một bác sĩ lấy ven tử tù, người ta đã phải làm một văn bản gần như đánh lừa người bác sĩ đó với một cụm từ hết sức mơ hồ là "hỗ trợ". Tất nhiên, sau lần ấy thì chắc chắn người bác sĩ này sẽ không bao giờ tham gia nữa.

Rồi lại có chuyện ở đơn vị công an nọ, tìm mãi không ra người lấy ven, tiêm thuốc cho tử tù. Cuối cùng, họ tuyển một cô mới học Trung cấp Y kèm theo lời hứa, nếu chịu làm công việc ấy thì cho vào biên chế để cô gái nhận lời. Không hiểu rồi cô gái ấy sẽ làm được công việc này trong bao lâu?

Việc thi hành án tử hình để loại ra khỏi đời sống xã hội những kẻ phạm tội đặc biệt nguy hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, với cách thực hiện như hiện nay thì cần xem lại hình thức thi hành án.

Hà cớ gì chúng ta cứ phải học đòi theo kiểu phương Tây?

Hà cớ gì cứ phải nêu ra những lý do nhân đạo như giảm bớt đau đớn cho tử tù, sạch sẽ…?

Người ta không nghĩ đến một điều rằng, việc thi hành án tử hình ngoài việc loại bỏ kẻ nguy hiểm ra khỏi đời sống xã hội thì còn có tác dụng răn đe.

Ở một số nước, khi thi hành án tử hình, người ta cho rất nhiều người vào chứng kiến, thậm chí là cả người thân của từ từ, có nơi lôi tử tù ra quảng trường để xử bắn, có nơi lại còn truyền hình trực tiếp… Việc thi hành án tử hình của chúng ta như hiện nay chỉ càng gây thêm sự tò mò, hiếu kỳ của người dân, mà hoàn toàn không có tính răn đe.

Nhân đạo kể cả đối với tử tù là tốt, nhưng với cách như hiện nay thì rõ ràng là cách thi hành án kiểu này là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý của người Việt, đồng thời gây thêm phiền phức cho rất nhiều người khác.

Có một thực tế là thời gian gần đây, số lượng phạm nhân bị kết án tử hình giảm không được bao nhiêu, đặc biệt là tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trước sức quyến rũ của đồng tiền, những kẻ buôn bán cái chết trắng đã xác định rõ ràng là buôn 100g tử hình, mà buôn đến 100kg thì cũng tử hình. Chẳng có ai mang tử tù ra thi hành án 1.000 lần và đằng nào cũng chết nên những kẻ tội phạm sẵn sàng chống trả lại một cách quyết liệt lực lượng truy bắt chúng.

Cách đây khoảng 15 năm, người viết bài này đã đi chứng kiến một vụ thi hành án tử hình với 7 đối tượng trong một vụ buôn bán ma túy. Cứ nhìn cảnh 7 tử tù bị trói vào cọc và pháp trường vàng ánh đèn pha, mờ mờ mưa bụi, tôi đã thầm nghĩ, chắc sẽ chẳng bao giờ phải có những cảnh như thế này nữa? Nhưng hóa ra, số tội phạm bị kết án nặng chẳng giảm, mà có khi còn tăng.

Điều này khiến chúng ta cũng phải thấy rõ một điều là án tử hình hiện nay thực sự không có tác dụng răn đe. Một trong những lý do gây không có tác dụng răn đe chính là việc thi hành án quá “bí mật”.

Với số lượng ít ỏi là  5 “phòng” tiêm thuốc độc ở 5 khu vực như hiện nay, không biết đến bao giờ số lượng tử tù ở các trại giam sẽ giảm. Và chắc chắn rằng, có không ít tử tù đang mong ngày mong đêm để được giải thoát khỏi cảnh “ngày ngủ, đêm thức”.

Rồi số lượng tử tù bị “tồn đọng” cũng gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho các trại giam. Ngày xưa, khi xây dựng Trại giam Hà Nội mới, thiết kế 34 buồng giam tử tù. Khi xem thiết kế, một vị lãnh đạo cao cấp đã nói thẳng rằng: “Các anh nhìn xã hội quá đen tối. Xã hội ta sẽ càng ngày càng tốt lên. Việc gì phải xây lắm phòng giam cho tử tù thế này”. Nhưng với tình hình hiện nay, chúng ta có lẽ lại phải “chê trách” những người thiết kế trại giam đã “thiếu tầm nhìn xa”, không lường trước được sự phức tạp của tình hình trật tự, an toàn xã hội.

Nên chăng các cơ quan bảo vệ pháp luật cần đề xuất với các cấp có thẩm quyền nên áp dụng cả hai hình thức thi hành án tử hình: tiêm thuốc độc và xử bắn.

Nơi nào có điều kiện thì tiêm thuốc, nơi không có điều kiện thì xử bắn. Như thế chẳng hay hơn là việc mỗi địa phương khi muốn thi hành án lại phải “rồng rắn lên mây” chạy cả ngày trời mới đến được nơi thi hành án hay sao? Và quan trọng hơn nữa là liệu có tìm ra được y sĩ, bác sĩ tìm ven để tiêm thuốc hay không? Rõ ràng đây là công việc chẳng hay gì. Đối với nghề thầy thuốc, việc làm này còn đi ngược lại lời thề Hippocrates mà ngay khi bước chân vào trường Y, họ đã học thuộc lòng.

Ở một đất nước nặng duy tình như Việt Nam, yếu tố tâm linh còn thể hiện rất rõ trong đời sống văn hóa xã hội của từng cá nhân, từng gia đình. Việc thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc rõ ràng là chưa hoàn toàn phù hợp. Nếu dũng cảm hơn nữa thì chúng ta nên bỏ án tử hình, với những kẻ phạm tội đặc biệt nguy hiểm, hãy giam chúng vĩnh viễn…

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc