“Phải học buôn bán!”

07:00 | 28/02/2018

3,915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xin giới thiệu trước, đây là câu nói của Lê-nin dành cho các cộng sự hồi chính quyền Xô-viết còn non trẻ.

Đây cũng là tựa đề bài báo vào thời điểm trước khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới cách đây đã 3, 4 thập niên của nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương Trần Phương (sau này là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đăng trên Báo Nội Thương.

Khi soi lại kết quả làm ăn của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay mới biết rằng, để có thể cạnh tranh trên một thị trường hội nhập tầm cỡ toàn cầu, câu nói kinh điển của Lê-nin vẫn còn nguyên giá trị.

phai hoc buon ban

Mới đây, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Sự cần thiết thành lập cơ quan đặc biệt này có lẽ không cần bàn, vì nó đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra từ năm 2014, cân nhắc đi cân nhắc lại giữa cái được và cái mất, cân nhắc về tính khả thi và năng lực bộ máy điều hành, cân nhắc giữa quyền lực bộ máy hành chính và sự vận hành của nền kinh tế thị trường…, rồi đến tận 4 năm sau, nay đã ngã ngũ.

Nhưng không vì thế mà mọi việc sẽ dễ dàng suôn sẻ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công - Đại học Fulbright Việt Nam, đã bày tỏ lo ngại về việc lựa chọn nhân sự cho bộ máy này. Theo ông, để có thể kiểm soát được một lượng vốn 5 triệu tỉ đồng, năng lực của bộ máy ấy khó lòng được sinh ra từ những cơ quan và nhân sự vốn quen với quyền lực hành chính. Điều lo ngại nữa là bộ máy ấy phải là những người có động cơ vì lợi ích chung, tức là vì cái giá trị, cái sinh sôi nảy nở của 5 triệu tỉ đồng này. Có nghĩa là, cái tâm và cái tài của những người tham gia bộ máy ấy phải đủ với cái tầm… 5 triệu tỉ đồng. Cái lo ngại là ở chỗ đó!

Trước đây, khi GS Trần Phương còn làm Bộ trưởng, tôi là nhà báo trẻ thi thoảng được tháp tùng ông đi cơ sở. Có lần, khi một giám đốc công ty báo cáo khó khăn cần giải quyết một lượng hàng tồn kho khổng lồ, ông liền gợi ý: “Anh hãy đặt địa vị anh là một nhà tư bản, tôi hy vọng anh sẽ tìm ra giải pháp tối ưu”.

Khi ấy, tôi mới vỡ ra triết lý của ông là phải học cách buôn bán của các nhà tư bản!

Các chuyên gia kinh tế chính trị học cũng đã nhiều lần nhắc đến quan điểm của Lê-nin về vấn đề này. Khi đó, Lê-nin đòi hỏi người cộng sản khi bắt tay vào những công việc mới là lãnh đạo chính quyền, quản lý đất nước cần phải học từ a, b, c, phải học các chuyên gia tư sản trong buôn bán và quản lý kinh tế. Người cho rằng, một người cộng sản thông minh không chỉ phải học nhà tư sản mà còn phải học cả người bán hàng bình thường nhưng là những người am hiểu công việc của mình. Lê-nin nhấn mạnh vấn đề “mấu chốt” là người cộng sản không phải học nhà tư bản để làm theo họ mà là để biết cách tổ chức công việc, biết kiểm tra công việc của họ và biết cách làm sao cho tự tay họ làm việc có ích lợi cho chủ nghĩa cộng sản.

Lê-nin từng nói: “Người đảng viên cộng sản nào không tỏ rõ được khả năng của mình biết kết hợp và khiêm tốn hướng dẫn công tác của các chuyên gia, đồng thời đi sâu vào thực chất của vấn đề và nghiên cứu vấn đề một cách chi tiết, thì người đảng viên cộng sản đó thường có hại. Chúng ta có nhiều đảng viên cộng sản như vậy và tôi có thể đổi hàng tá những người cộng sản đó lấy một chuyên gia tư sản thành thạo và nghiêm túc nghiên cứu nghiệp vụ của mình”.

Nhắc lại những câu có chất kinh điển của các bậc tiền bối để thấy rằng, khiến 5 triệu tỉ đồng vốn của Nhà nước kia được quản lý chặt chẽ và sinh sôi, nảy nở là một thách thức vô cùng lớn với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, bởi lẽ đã có nhiều bài học đắt giá phải trả trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, hiện ủy ban đã đặt ra 6 nhóm giải pháp chính cần triển khai ngay trong năm 2018 và những năm tiếp theo, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc quản lý hiệu quả nguồn lực quan trọng này của đất nước.

Tại diễn đàn Quốc hội năm 2014, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nếu cứ giữ nguyên mô hình quản lý vốn Nhà nước như khi đó thì sẽ không có thay đổi gì, trong khi quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại DN là vấn đề đang rất bức xúc. Đặc biệt trong cơ chế quản lý vốn Nhà nước, phải có đầu mối chịu trách nhiệm vì đây là ngân sách, là tiền thuế của nhân dân. Ông nói: “Vì thế, Quốc hội phải quyết định cơ quan nào thay mặt nhân dân quản lý toàn bộ số vốn Nhà nước tại DN và phải bảo đảm tách bạch với cơ quan sử dụng vốn”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc