"Ông trùm" của Cát Tiên Sa: Làm nghệ thuật hay chỉ là… lái buôn?

19:32 | 16/04/2014

5,146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Ông trùm” của Cát Tiên Sa, ông Nguyễn Quang Minh là một tiến sĩ Nghệ thuật học được đào tạo ở nước ngoài. Song, các chương trình với những tai tiếng từ các chương trình của công ty ông làm ra cho thấy không xứng tầm với học vị ấy!

Ông Nguyễn Quang Minh - ông chủ Cát Tiên Sa và nhạc sĩ Phương Uyên (phải)

Thời gian qua báo chí đã nói quá nhiều về những scandal ồn ào từ các chương trình truyền hình thực tế (THTT) do Cát Tiên Sa mua bản quyền sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như không một chương trình nào của Cát Tiên Sa thoát khỏi scandal. Phổ biến nhất là nghi án dàn xếp kết quả và tệ nhất có lẽ là việc vừa qua chương trình The X-Factor đã lừa dối trắng trợn người xem.

Dư luận lên án, tẩy chay Cát Tiên Sa cũng như “ông trùm” Nguyễn Quang Minh của công ty này. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi một khi người xem cảm giác mình không được tôn trọng, mình bị “dắt mũi” bởi những chiêu trò dàn xếp, lừa dối thì họ sẽ phản ứng, quay lưng với chương trình đó.

Đồng ý là bất kỳ chương trình THTT nào cũng không thể đảm bảo được tính thực tế đạt 100%. Tức chương trình nào cũng cần có sự dàn dựng, sắp xếp để tăng tính hấp dẫn, kịch tính thu hút khán giả. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn khác với việc dàn xếp làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chung cuộc, hay cố ý qua mặt người xem. Đó là những việc làm không thể chấp nhận được trong một chương trình THTT.

Quá nhiều nghi án, scandal đã xảy ra từ các chương trình của Cát Tiên Sa nhưng cuối cùng người ta vẫn không thể nào biết chính xác vụ việc thế nào, tất cả dần chìm vào quên lãng. Nhưng dù sự thật thế nào Cát Tiên Sa cũng đã tự tay đánh mất niềm tin của công chúng sau những tai tiếng vừa qua.

Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao các chương trình THTT của Cát Tiên Sa lại liên tục vướng scandal như thế?

Đầu tiên, có lẽ câu trả lời sẽ là do Cát Tiên Sa cố ý tạo chiêu trò để thu hút khán giả, để kiếm lợi nhuận từ tiền quảng cáo, tài trợ chương trình. Mặc dù bị một bộ phận truyền thông báo chí, dư luận lên án nhưng với bất kỳ nhà đầu tư nào, không riêng gì Cát Tiên Sa thì đó vẫn là cái giá quá hời so với mục tiêu đạt được, đó là lợi nhuận.

Mặt khác, động lực để một nhà sản xuất quyết định dấn thân vào các chiêu trò đó là vì thị hiếu của phần đông khán giả và đặc biệt là những đơn vị, công ty đối tác cần quảng cáo trong các chương trình THTT trên sóng truyền hình! Cụ thể, có một thực tế đang tồn tại là một chương trình hay chưa chắc có khán giả nếu nó không có một scandal ồn ào nào đó trên các mặt báo. Ngược lại nhiều trang báo mạng cũng không mặn mà đưa tin các những chương trình “sạch sẽ”, họ cần có những tít bài giật gân từ các scandal; khán giả thì tò mò muốn xem chương trình đó thế nào… thế là rating tăng vọt lên.

Thông thường giá quảng cáo trên truyền hình được điều chỉnh dựa trên sự quan tâm của khán giả, lượng xem càng cao giá sẽ càng tăng. Chính vì thế, theo tìm hiểu riêng của PV thì kể từ khi bắt đầu, chương trình The Voice mùa đầu tiên đã 3 lần tăng giá quảng cáo và đỉnh điểm nhất là sau scandal dàn xếp kết quả của Phương Uyên!

Ông Nguyễn Quang Minh là Tiến sĩ Nghệ thuật học

Vấn đề của thị hiếu thích scandal, sốc, sex của một bộ phận lớn công chúng còn dễ thấy hơn ở lĩnh vực phim ảnh. Bằng chứng là những phim hài, hài nhảm hay những phim có các yếu tố sex, sốc thì lúc nào cũng đông khán giả hơn so với những phim nghệ thuật. Rất nhiều phim mang giá trị nghệ thuật cao, đạt nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá nhưng rất chật vật để ra rạp. Thậm chí không ít phim làm xong, đi dự giải thưởng điện ảnh nào đó rồi… cất vào kho! Trái lại, phim hài, những phim gắn mác 18+ thì luôn hân hoan vì đạt doanh thu “khủng”.

Tóm lại, thẳng thắn mà nói thì nghệ thuật giải trí bây giờ nếu cái gì không có scandal, sex, sốc thì rất khó có người xem, báo chí thì hay gọi đó là thể loại “kén khán giả”. Nên trách nhà sản xuất Cát Tiên Sa là thiếu ý thức văn hóa, nghệ thuật khi bày vẽ ra quá nhiều chiêu trò lố bịch trong các chương trình THTT có vẻ oan cho họ. Họ chỉ đáp ứng theo thị hiếu của khán giả mà thôi!

Hơn nữa, ông Nguyễn Quang Minh, ông chủ của Cats là một Tiến sĩ Nghệ thuật được đào tạo ở Bungari, là người có trình độ hẳn hoi. Chỉ tiếc là các chương trình mà công ty ông thực hiện thì chưa xứng tầm với cái mác Tiến sĩ đó nếu xét ở phương diện chất lượng nghệ thuật; còn tính ở góc độ kinh doanh, có lẽ ông Minh đúng là “con buôn” số 1, như nhiều người vẫn nói! 

Đành rằng ở góc độ sản xuất, ông Minh Cát Tiên Sa cũng như bao công ty truyền thông khác tìm đủ cách để đạt được mục đích thu hút công chúng, lợi nhuận từ các chương trình của mình là điều không có gì để bàn cãi. Nhưng ông là một người làm văn hóa nghệ thuật, hơn hết ông còn là một Tiến sĩ Nghệ thuật học nên thiết nghĩ phải xem xét đến những yếu tố khác ngoài vấn đề lợi nhuận, thương mại.

Hầu hết các chương trình văn hóa giải trí lớn trong nước đều mời ông Minh tham dự, ông được ưu tiên ngồi hàng ghế đầu và được giới thiệu một cách trang trọng là Tiến sĩ Nghệ thuật học, đồng thời là Tổng giám đốc Cát Tiên Sa. Không biết bản thân ông có cảm thấy thế nào khi những chương trình mình làm ra đều dính tai tiếng chẳng hay ho gì?!

Ngoài ra, trong vấn đề THTT bùng nổ scandal như hiện tại thì ngoài chuyện của thị hiếu khán giả, chuyện lợi nhuận của nhà sản xuất thì đặc biệt phải nhắc đến vai trò trách nhiệm của nhà quản lý văn hóa. Bởi nếu nhà quản lý mạnh tay xử phạt, thậm chí cắt bỏ những chương trình tai tiếng, không có giá trị nghệ thuật, giải trí lành mạnh thì đã không còn tồn tại những người mượn danh nghệ thuật nhưng thực chất là đang đầu độc nghệ thuật sau những chiêu trò để phục vụ mục đích thương mại, lời lỗ!

Lê Vân