Ô nhiễm không khí vì xe máy

07:30 | 05/03/2017

2,090 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức “báo động đỏ”, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là khí thải của xe máy, ôtô hết niên hạn sử dụng. Theo các chuyên gia, kiểm soát, thu hồi xe “quá date” là việc cần phải làm ngay, nhưng thực tế cho thấy, nhiều đề án thu hồi xe “quá date” đã không được thực hiện vì lý do liên quan đến các đối tượng nghèo.

Tăng cường quan trắc

Cuối tháng 2-2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin rằng, ô nhiễm không khí Hà Nội đang ở mức “báo động đỏ”. Nói về nguyên nhân gây nên tình trạng này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: “Theo thông tin của một trạm quan trắc hoạt động trong vòng 2 tháng, có thể nói nguồn ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nặng nề nhất liên quan đến xả thải của xe máy và ôtô”.

Nói về những giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí, Chủ tịch thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội đã lắp được 8-10 trạm quan trắc. Trong thời gian tới, thành phố sẽ lắp thêm nhiều trạm nữa, để từ các trạm này sẽ có toàn bộ thông số về không khí chung của thành phố cũng như từng tuyến đường, khu vực ô nhiễm nặng và xác định nguyên nhân để xử lý.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, thực tế xe máy, ôtô gây ô nhiễm không khí đã được chứng minh, đặc biệt với các phương tiện có tuổi thọ quá lớn. Điều này không phải không có cơ sở khi thành phố Hà Nội hiện có khoảng 560 nghìn ôtô và 5,5 triệu xe máy thì số xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000 là 2,5 triệu xe. Tỷ lệ gia tăng xe ôtô của Hà Nội là gần 17%/năm, xe máy tăng gần 8%.

o nhiem khong khi vi xe may o nhiem khong khi vi xe may
Xe “hết date” lưu thông trên đường phố

Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2016, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng, với hàm lượng bụi lơ lửng ven đường tại các thành phố lớn vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt, mức độ phơi nhiễm của người tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cũng vượt giới hạn cho phép 2-3 lần... Trong đó, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị từ các hoạt động giao thông.

Tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxít (CO); 57% ôxít nitơ (NOx)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Xe máy đang là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Trước việc không khí ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng, cần phải kiểm soát, thu hồi xe “quá date” để tránh hậu quả sau này. Tuy nhiên, việc kiểm soát, thu hồi ôtô “quá date” có phần dễ dàng hơn, trong khi xe máy có thể vấp phải rất nhiều phản ứng mạnh từ dư luận.

Hạn chế xe “quá date” bằng cách nào?

Từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã không ít lần đưa ra đề án nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, việc này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc giảm ùn tắc giao thông, đồng thời giảm lượng khí thải từ các phương tiện ra môi trường, giảm nguy cơ mắc những căn bệnh do loại khí thải độc hại này gây ra. Trong đề án hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến trình HĐND thành phố vào tháng 6 tới, Hà Nội sẽ tính tới biện pháp thu hồi các xe máy, ôtô đã quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, việc thu hồi xe máy “quá date” sẽ thực hiện như thế nào, khi tới nay vẫn chưa có một chuẩn thống nhất cho niên hạn sử dụng với xe máy. Các đề án kiểm soát khí thải xe máy cũng liên tiếp bị dẹp bỏ do lo ngại động chạm tới người dân nghèo. Nói cách khác, xe máy ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào trong vài chục năm sử dụng, dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm.

Có thể kể đến “Đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vào năm 2010”. Thời điểm đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án với mục tiêu tới năm 2015 sẽ kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80-90% xe máy ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Tuy nhiên, đề án sau đó đã không được thực hiện vì xe máy liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát được đánh giá là nhạy cảm, phức tạp và dễ đụng chạm.

Theo các chuyên gia, tại Mỹ hay một số nước ở châu Âu, cứ định kỳ 2 năm người dân phải mang xe hơi đi kiểm định, nếu xe không an toàn thì không cấp phép lưu hành. Xe được lưu thông không cần phải là xe mới. Đó vẫn có thể là xe cũ nhưng phải an toàn, nhiều xe hàng chục năm được bảo quản vẫn chạy tốt như xe mới sử dụng 4-5 năm.

Đơn cử như tại Mỹ, họ không quy định niên hạn sử dụng và thu hồi xe cũ, miễn là an toàn vẫn được chạy, nhưng đánh vào kinh tế. Tức xe cũ, xe không đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn được phép chạy nhưng phải đóng bảo hiểm cao hơn, đóng phí môi trường cao hơn, người dân sẽ cân nhắc việc có chạy xe cũ tốn phí nữa hay mua xe mới. Khi nhận thức được thì người dân sẽ tự bỏ các xe cũ.

Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Việt Nam hiện tại đã là nước thu nhập trung bình, không thể lấy lý do ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp xã hội nên chưa cấm xe cũ nát để bao biện. Nhưng chưa có một con số nào cho biết, đối tượng nghèo sử dụng xe máy rách, cũ tại các thành phố là bao nhiêu. Lý do này khiến bao năm qua không phát triển được một chính sách nào, ùn tắc giao thông không dám cấm xe máy, xe máy cũ nát gây ô nhiễm, cũng không dám thu hồi.

Nói về việc thu hồi xe “quá date” ở Việt Nam hiện nay, ông Phạm Xuân Mai cho rằng, cần ban hành quy định tuổi thọ, niên hạn sử dụng cho xe máy (chạy bao nhiêu năm hoặc bao nhiêu kilômét thì phải thải loại), hoặc yêu cầu kiểm định khí thải với xe máy, định kỳ mỗi năm làm 1 lần. Vấn đề là phải sớm đưa ra quy định, không thể buông lỏng quản lý với xe máy như lâu nay.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện tổng số phương tiện ôtô hết niên hạn sử dụng trên cả nước là 162.619 xe ôtô, trong đó 116.859 xe chở hàng và 45.760 xe chở khách. Riêng năm 2016, số xe ôtô hết hạn sử dụng là 23.075 xe, trong đó có 20.068 xe chở hàng và 3.007 xe chở khách.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, với xe hết niên hạn khi lưu thông trên đường nếu bị phát hiện sẽ bị tịch thu ngay, hoặc khi tới đăng kiểm sẽ bị giữ lại. Số lượng xe “hết date” đã được Cục công khai trên trang web và gửi thông tin cho Cục Cảnh sát giao thông để xử phạt khi lưu thông.

Cần ban hành quy định tuổi thọ, niên hạn sử dụng cho xe máy (chạy bao nhiêu năm hoặc bao nhiêu kilômét thì phải thải loại), hoặc yêu cầu kiểm định khí thải với xe máy, định kỳ mỗi năm làm 1 lần.

Thiên Minh - Xuân Hinh