Nước ta còn bao nhiêu bom mìn, vật nổ sót lại?

07:00 | 23/03/2016

2,794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi đã có nhiều chuyến đi thực tế với các chuyên gia của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh công binh) và một số đơn vị công binh chuyên dò gỡ bom mìn thuộc các quân khu. Qua khảo sát, thăm dò tại thực địa và qua tài liệu của nước ngoài cho thấy, số lượng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại trên khắp lãnh thổ nước ta còn rất lớn, đứng vào bậc thứ hai trên thế giới.

Ô nhiễm bom mìn nghiêm trọng

Sau các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, số lượng bom, mìn, vật nổ còn sót lại rất lớn, nằm ở các độ sâu khác nhau. Theo các tài liệu nghiên cứu, tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (theo các tài liệu nước ngoài là 10%) thì khoảng 800.000 tấn, nằm rải rác trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chiếm hơn 20% diện tích cả nước.

Các vùng bị ô nhiễm nặng là: Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Riêng đế quốc Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (trong đó có 7.850.000 tấn thả từ máy bay và 7.500.000 tấn sử dụng trên mặt đất). Tính bình quân số bom mìn sót lại ở Quảng Trị là 63 kg/m­­2, ở Quảng Bình là 29 kg/m2.

nuoc ta con bao nhieu bom min vat no sot lai
Các loại bom

Bom mìn và vật nổ có nhiều loại như: ngòi nổ bom, bom phá, bom sát thương, bom cháy, bom chất độc hóa học, lựu đạn, mìn, thủy lôi và các loại đạn. Số lượng bom mìn, đạn dược đã sử dụng ở Việt Nam nhiều gấp 3,9 lần so với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên, bình quân 46 tấn/km2, tương đương 280 kg/đầu người.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 1.000 người chết, 1.500 người bị thương (trong đó có 1/3 là trẻ em) vì bom mìn. Từ năm 1975 đến nay, cả nước đã có hơn 100.000 người chết và bị thương, trong đó gần 23.000 người của 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi). Những cái chết thương tâm xảy ra trong nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau; có những trường hợp dẫn đến cái chết không ai ngờ tới…

Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hoá học. Theo điều tra sơ bộ, diện tích hiện còn bom mìn, vật nổ chưa nổ sau chiến tranh trên toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha tương đương 66.000km2, chiếm 20% tổng diện tích ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả 64 tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, diện tích còn nhiều bom mìn, vật nổ  là khoảng 925.600ha (tương đương 9.256km2), chiếm 13,90 % tổng số diện tích hiện còn bom mìn, vật nổ.

Theo ước tính, đến nay Việt Nam mới chỉ làm sạch được khoảng 3,26% diện tích bị ô nhiễm bom mìn; hơn 96% diện tích còn lại vẫn là một thách thức lớn cần giải quyết. 

nuoc ta con bao nhieu bom min vat no sot lai
Các loại đạn pháo và đạn cối

Hơn 100 năm nữa mới hết bom mìn!

Việt Nam đã tích cực triển khai hoạt động rà phá bom, mìn; tuyên truyền về hậu quả bom, mìn sót lại sau chiến tranh, giáo dục và hướng dẫn các tầng lớp nhân dân cách phòng tránh nhưng do lực lượng rà phá bom mìn còn mỏng, trang bị phương tiện kỹ thuật còn thiếu; hơn nữa, mức độ ô nhiễm bom mìn quá cao nên tai nạn do bom mìn vẫn thường xuyên xảy ra.

Quá trình xử lý đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí, ước tính phải mất trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm mới có thể làm sạch. Con số này đã được các chuyên gia trong và ngoài nước tính toán rất kỹ.

Trước thực trạng đó, ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 504/QĐ-TTg về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tiếp đó, ngày 22-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2338/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban. Đồng thời, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 cũng đã được thành lập để trực tiếp triển khai chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng cơ quan thường trực.

nuoc ta con bao nhieu bom min vat no sot lai
Bộ đội công binh dò vật liệu nổ ở Hà Tĩnh

Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 mong muốn nhận được sự quan tâm phối hợp hành động tích cực của các cơ quan chức năng; sự hỗ trợ quý báu của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đạt kết quả thiết thực.

Hàng năm các lực lượng Công binh toàn quân tiến hành dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ giải phóng được hàng chục nghìn hecta đất đai. Riêng Trung tâm CNXL bom mìn đã dò tìm, xử lý hết bom mìn, vật nổ bảo đảm an toàn cho nhiều công trình phát triển kinh tế, xã hội, Quốc phòng, An ninh với diện tích hàng chục nghìn héc ta, chủ yếu là những nơi khó khăn nguy hiểm, thu gom xử lý an toàn hàng trăm quả bom từ 250-3.000 bảng Anh đến những quả lớn hơn và hàng chục nghìn bom mìn vật nổ khác.   

Các tổ chức phi chính phủ (MAG, PeaceTREE, Clear path International, UNDP, VVAF, VVMF, Sodi & Posdam Comunikation, Gebera) đã giúp đỡ về trang thiết bị, kinh phí, đào tạo lực lượng và tham gia rà phá bom mìn, năm 2004 giải phóng được 247ha, thu gom, phá huỷ hàng nghìn vật nổ khác nhau mà tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm CNXL bom mìn đã xử lý an toàn hàng nghìn tấn bom đạn dò tìm được, trong đó hầu hết là các loại rất nguy hiểm. Đã tổ chức và bước đầu đào tạo được đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật giỏi, có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn.

nuoc ta con bao nhieu bom min vat no sot lai
Nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị

Là đơn vị đầu ngành toàn quân về kỹ thuật dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ. Bồi dưỡng, huấn luyện nhân viên chuyên môn kỹ thuật dò tìm xử lý bom mìn vật nổ trong toàn quân. Trực tiếp dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ ở các dự án phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế trên phạm vi toàn quốc. Có đủ năng lực đảm nhiệm rà phá bom mìn cho các dự án có diện tích hàng nghìn ha trở lên. Trung tâm có nhiều đội dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ có chuyên môn cao, kinh nghiêm tổ chức chặt chẽ; được trang bị nhiều máy móc, trang, thiết bị rà phá bom mìn, vật nổ hiện đại của các hãng nổi tiếng trên thế giới như VALLON, FOESTER (CHLB Đức), GA của Mỹ... Chủng loại đa dạng, dò trên cạn, dò dưới nước, dò sâu, dò nông, đa năng (vừa dò trên cạn, vừa dò dưới nước)... có thể phát hiện bom mìn, vật nổ ở độ sâu lớn, có thiết bị dò bom mìn sâu đến 10m tính từ mặt đất hiện tại.

Như vậy, hơn 100 năm nữa, chúng ta vẫn phải luôn luôn đề cao cảnh giác, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân tránh được những hậu quả đau lòng như hàng trăm vụ cưa cắt, đập phá bom mìn và vật liệu nổ đã xảy ra.

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc