NSƯT Ngọc Giàu: Một đời nặng nợ nhân gian

08:30 | 19/08/2011

3,325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ một con nhỏ đen nhẻm ở miệt cầu Cống (Thủ Thiêm), chỉ nhờ giọng ca mà sau nửa thế kỷ, Ngọc Giàu trở thành một nghệ sĩ cải lương tài danh. Và từ hai bàn tay nghèo khó trần trụi, nhờ giọng ca, Ngọc Giàu không những nuôi được mình mà còn chăm lo đầy đủ cho tất cả người thân trong gia đình. Nhưng sau bức màn nhung, đời chị cũng không khác gì một trích đoạn trên sân khấu cải lương hay kịch nói…

Ba gam màu trên sân khấu

Chị là người có khiếu kể chuyện vui và có lẽ duyên nhất là khi chị mạnh miệng nói những chuyện tiếu lâm “mặn”. Bởi vậy, Ngọc Giàu ở đâu, tiếng cười như theo đến đó. Khi gặp được những người bạn nghề cùng thời thân thiết như nghệ sĩ Hồng Nga, nghệ sĩ Phượng Liên, những câu chuyện “mặn” khó nói ấy vốn dĩ là “đặc sản” của giới mày râu cứ tuôn rào rào giữa họ không gì cản nổi. Những khi được giới truyền thông phỏng vấn hay trò chuyện, chị thường hăng hái khoe hạnh phúc, hạnh phúc với nghề, hạnh phúc với đời. Chị không nói dối, bởi hạnh phúc ấy là điều có thật.

Nhưng chỉ những ai tinh ý mới thấy, tuy miệng luôn hài hước cho người khác vui song dường như chị không thể giấu được những nỗi niềm dành cho riêng mình, vốn lặn rất sâu trong đáy mắt. Nỗi niềm khó sẻ chia mà gần một đời sống chung với nó, chị coi như đó là một sự mặc nhiên, một định mệnh, một phần máu thịt mà mình không thể rũ bỏ. Giờ đây, những khi rảnh rỗi, nằm võng đong đưa, chị hay nhớ về những ngày tháng tuổi nhỏ với những may mắn lạ kỳ không thể giải thích. Ngày ấy, trong một lần đem cơm cho cha đang làm tài xế xe hủ lô, nhìn thấy thân hình gầy guộc của ông nhễ nhại mồ hôi giữa trưa nắng, đứa con gái út lâm râm khấn: “Lạy trời cho con làm được mỗi tháng 5 đồng để ba con được nghỉ làm”. Khấn là khấn vậy nhưng với một đứa bé mới 7 tuổi đầu, ngày ngày chỉ biết theo mẹ mò cua, bắt ốc kiếm cái ăn qua ngày thì biết làm gì. Vậy mà một hôm, đang cởi trần lặn ngụp tắm với mấy đứa bạn hàng xóm ở gầm cầu Cống, út Giàu được kêu về cho bà chủ quán bar Lệ Liễu ở Sài Gòn gặp mặt vì “nghe đâu bên này có con bé Giàu ca hay lắm”. Chị đi ca ở bar Lệ Liễu được mỗi tháng 10 đồng, vậy là cha chị không còn chịu cảnh ngày ngày dãi nắng dầm sương.

NSƯT Ngọc Giàu

Làm ở bar Lệ Liễu chưa được bao lâu, một bữa nọ, nhân có gánh cải lương Hoàng Sơn – Kim Phụng về hát tại đình Giồng Ông Tố gần nhà, chị được người anh thứ ba, vốn biết nghề guitar dắt theo xin vào gánh hát. Và mặc dù có giọng hát hay nhưng là “con nít” nên Ngọc Giàu chỉ làm công việc sai vặt là chính, thỉnh thoảng được đứng trong hậu trường ngâm thơ, lâu lâu được làm tì nữ chạy ra chạy vào sân khấu. Đang yên lành, chị lại phải bỏ ngang gánh hát để đi bán thuốc Sơn Đông trừ nợ cho người anh với lời hứa “sau 3 tháng tao cho đi hát lại”. Đi lâu ngày nhớ nhà muốn về thăm, người anh cũng hứa “khi nào mày nổi tiếng tao cho về”. Không ngờ câu nói ấy đã trở thành động lực thúc giục Ngọc Giàu cố tâm học hỏi, để rồi mới 13 tuổi đã là đào chánh đóng cặp với những kép hát thành danh như Hùng Cường, Minh Chí; 14 tuổi được ký hợp đồng với hãng đĩa danh tiếng ASIA, 15 tuổi đoạt giải Thanh Tâm danh giá cho diễn viên trẻ triển vọng và 18 tuổi giành luôn giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc.

So với những nghệ sĩ cùng thời, Ngọc Giàu là một trong số hiếm hoi những người “còn sót lại” đi được liên tục suốt một chặng đường dài trong nghề nghiệp. Nhưng con đường làm nghề của chị như được vẽ nên bởi ba gam màu khá rõ nét theo ba thời kỳ khác nhau. Thời kỳ đầu học nghề khá nhọc nhằn. Không trường lớp, không theo “lò” nào (lớp dạy tư của các nghệ nhân nổi tiếng), sẵn sàng làm mọi việc cho gánh hát để được núp sau cánh gà học lỏm. Gam màu thứ hai tươi sáng hơn khi sớm trở thành đào chánh và là một trong những giọng ca hàng đầu về thu đĩa với những hợp đồng hàng trăm cây vàng. Nhưng rực rỡ nhất là giai đoạn sau năm 1975 với dấu ấn tài năng được thể hiện qua nhiều dạng vai. Được số phận ưu ái cho một giọng ca thiên phú cùng với một khả năng quan sát, hóa thân tài tình cộng với sự trải nghiệm qua bao nỗi thăng trầm của chính cuộc đời mình, Ngọc Giàu thường không mấy khó nhọc khi đối diện với các vai diễn. Chị vào vai nào cũng “ngọt”, cũng tự nhiên như một hiệu ứng phát sinh từ bản năng, từ hình tượng phụ nữ nhân hậu như bà mẹ điên trong “Bông hồng cài áo”, bà Năm trong “Tình yêu và lời đáp”, bà Hương trong “Đời cô Lựu”…; người phụ nữ bản lĩnh như Thị Lộ trong “Rạng ngọc Côn Sơn”; Dương Vân Nga trong “Thái hậu Dương Vân Nga”; đóng giả trai như Lục Vân Tiên trong vở “Kiều Nguyệt Nga”; vai đào lẳng như cô Bảy cán vá trong “Đời cô Lựu”…

Khi cải lương thoái trào không còn đất diễn, chị cũng đã rất thành công trên sân khấu kịch nói, lại còn được xếp vào hàng “danh hài” bởi nét duyên khi xuất hiện trong các nhóm tấu hài. Chị nằm trong số những nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 1979, được độc giả Báo Người Lao Động trao giải Mai Vàng ngay lần thứ nhất năm 1995 và được khán giả bình chọn là diễn viên yêu thích nhất trong Gala Cười năm 2003.

Suốt đời trả nợ nhân gian

Chính sự “sung mãn” về nghề đã đem lại cho Ngọc Giàu cảm giác nặng nợ với nhân gian và chị xem chuyện “trả nợ” như là một hệ quả mà số phận đã định đoạt. Mang ơn người anh đã dắt mình vào nghề, năm 16 tuổi, vừa chớm thành danh, chị đã bỏ vốn lập riêng cho anh mình một gánh hát. Mấy chục năm đi hát, dù cho có lúc giá trị hợp đồng hạng “siêu sao” lúc bấy giờ, chị cũng không hề có khái niệm giữ tiền. Người thay chị trực tiếp ký hợp đồng và phân bổ việc chi tiêu số tiền ấy là cha mẹ khi chị còn độc thân và là chồng khi đã lập gia đình. Chị dường như chỉ biết dốc toàn bộ sức lực cho việc ca diễn, “chạy đua” cùng đồng nghiệp với mong mỏi ngày càng được thương mến hơn trong lòng giới mộ điệu.

NSƯT Ngọc Giàu trong vở kịch "Chàng rể quý"

Nếu như sự nghiệp là một dấu thăng viên mãn thì chuyện tình duyên của chị là một dấu lặng khắc khoải. Chị lên xe hoa lần đầu theo sự sắp đặt của song thân khi mới chớm bước vào tuổi 17, chưa một lần biết yêu, lấy một người thợ may hơn mình trên hai chục tuổi và phải mất 2 năm sau mới dám cho “động phòng”. Cô con gái độc nhất được sinh ra từ cuộc hôn nhân này cũng sớm bỏ chị mà đi vì căn bệnh ung thư máu khi mới 13 tuổi, để lại cho chị một nỗi đau không bao giờ lành.

Sự cô đơn đã đưa chị đến với người chồng thứ hai, trẻ tuổi hơn chị, một nhạc công thổi kèn trong dàn nhạc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Suốt cả hai cuộc hôn nhân kéo dài nhiều chục năm, chị vẫn như con ong cần mẫn vắt kiệt sức mình để cung cấp mật, làm chỗ dựa về kinh tế cho toàn bộ gia đình lớn nhỏ vây quanh mình. Chị coi những cay đắng là số phận, mà với chị, ngay cả những giọt nước mắt cũng là hạnh phúc. Chị không đòi hỏi chồng mình phải thế này, thế nọ, chỉ mong được sưởi ấm chút nghĩa tình, nhất là lúc cuộc đời đang dần nghiêng xế bóng. Chị trải nghiệm điều này khi chứng kiến đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra tắt thở trên tay mình. Ngay cả máu thịt mình, mình cũng không nắm được thì kể như mình hoàn toàn không có gì, tất cả đều là hư ảo. Nghĩ vậy để cho lòng thanh thản, để cho có bao nhiêu rồi cũng cho đi hết, không nặng nề tiếc giữ. Chị sống chân thành, tốt bụng, luôn tìm kiếm sự đồng cảm bằng cách giãi bày, không cất giữ sự hờn giận bởi chị tin rằng, “mình quá chân thật, họ đâu thể giả dối với mình”.

Giờ đây, dẫu đã bước qua cánh cửa “lục tuần” từ lâu, chị vẫn là con tằm chăm chỉ nhả tơ, đem lại cho đời niềm vui qua những vai diễn. Không còn sân khấu cải lương thường xuyên để phô diễn tài nghệ ca diễn, chị vẫn rất “trung trinh” với ước muốn sáng tạo những hình tượng sân khấu đa dạng và “tử tế” trên sàn diễn kịch nói để không phụ lòng tin yêu của khán giả. Bất chấp căn bệnh thấp khớp hành hạ, đeo đẳng theo mỗi bước chân đi, đôi mắt chị vẫn ánh lên nỗi háo hức khi nhận được lời mời tham gia vở mới của các “em, cháu”. Vừa qua, chị đã “quậy” tưng bừng với vai bà Sáu bán chè trong vở kịch “Chưa yêu sao hiểu được” trên sân khấu 5B, Võ Văn Tần, TP HCM và mới đây, với vai “cô Tiên” trong vở cải lương hài “Một ông hai bà” ở rạp Kim Châu (15-17 Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM) vừa mở màn vào trung tuần tháng 5/2011, chị cũng đã đem lại cho người xem những tràng cười vui vẻ, những phút giây giải trí nhẹ nhàng.

Một đời nặng nợ, một đời truân chuyên nhưng chị vẫn cười và hạnh phúc, dù có lúc, hạnh phúc đó chứa cả nước mắt đắng cay. Và chính sự trải nghiệm của đời mình cùng với tài năng và khổ luyện đã giúp chị thăng hoa trong từng vai diễn, tiếp tục góp cho đời những tiếng cười, những giọt nước mắt sẻ chia.

Cát Vũ