Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Nóng công nghiệp phụ trợ và chống hàng giả, hàng kém chất lượng!

18:48 | 17/11/2014

610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành Công Thương rộng và hầu hết lĩnh vực đều liên quan đến cuộc sống. Bởi vậy, sự “quan tâm” đặc biệt của cử tri và Đại biểu Quốc hội đến Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn chiều ngày 17/11 cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Thông tin từ Chủ tịch Quốc hội cho hay, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các thành viên Chính phủ nhận được 165 chất vấn từ 60 Đại biểu Quốc hội ở Kỳ họp lần này, trong đó riêng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là 29 chất vấn.

Ngay từ những chất vấn đầu tiên, vấn đề thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và công tác quản lý thị trường, chống hàng giả hàng kém chất lượng đã được các Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) đặt lên “bàn” của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Chính sách phát triển CNHT còn yếu, thiếu

Theo người đứng đầu ngành Công Thương, cấp độ pháp lý cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của chính sách còn thấp, chưa đạt yêu cầu, thậm chí chưa có Nghị định nên chưa tạo thuận lợi cho CNHT.

“Chúng ta có một số ngành đạt được tỉ lệ nội địa hóa như dệt may đạt tới 50%, da giày khoảng 60%. Về công nghiệp ô tô, không doanh nghiệp nào dám làm nhà cung cấp phụ trợ vì dung lượng thị trường thấp trong khi có đến 10 hãng lắp ráp. Cần phải đạt dung lượng thị trường 100.000 xe/năm thì mới đủ lớn để có nhà sản xuất phụ trợ nhưng Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp lắp ráp nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ 70.000 xe,” Bộ trưởng nêu rõ thực trạng.

Bộ trưởng cũng cho rằng sự phân công trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ngày càng quyết định bởi doanh nghiệp lớn, đến nay các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đã hình thành các doanh nghiệp vệ tinh, Việt Nam đi sau, muốn chen chân vào chuỗi này là điều hết sức khó khăn vì sức yếu, kinh nghiệm chưa nhiều.

Cuối cùng, nguyên nhân nữa, CNHT liên quan đến sản xuất linh kiện, phụ tùng đòi hỏi nguyên vật liệu, nhất là vật liệu mới, đặc biệt là thép chế tạo, chất dẻo nước ta hầu như chưa có, phải nhập khẩu, đương nhiên khi đó giá thành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ này khó cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài.

Và nguyên nhân về con người, CNHT là ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đòi hỏi trình độ tay nghề rất cao, thậm chí gần như là nghệ nhân, nhưng chúng ta hiện còn đang thiếu đội ngũ này, dù đã rất cố gắng.

Hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp

Liên quan đến thị trường trong nước, Bộ trưởng chia sẻ, một số mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. “Đây là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm nay. Cá nhân tôi đã nhận trách nhiệm về những hạn chế này. Các ngành hải quan, công an, địa phương đã cố gắng nhưng hiệu quả không cao…”

Khi hàng lậu vào thị trường trong nước, lực lượng QLTT là chủ công. 10 tháng đầu năm số vụ kiểm tra, xử lý vi phạm cao hơn năm trước. Nguyên nhân do dung lượng thị trường ngày càng phát triển, độ mở của nền kinh tế lớn, giao thương hàng hóa tăng, số phần tử làm ăn không đứng đắn tăng, đưa hàng chất lượng kém vào tiêu thụ.

Tuy nhiên phương tiện, công cụ vừa thiếu vừa yếu, trang thiết bị không đầy đủ cho nên đấu tranh chống lại các hiện tượng này nhiều khi hiệu quả không cao. Bộ trưởng ví dụ như để xác định chất lượng phân bón, có đơn vị QLTT phải thử bằng miệng. Bên cạnh đó, không loại trừ, QLTT làm việc tiêu cực, bao che cho các hành vi sai phạm. Sự phối hợp với các địa phương còn chưa đều, chưa nhất quán.

Cuối phiên làm việc, có một chất vấn khá lạc lõng đến từ Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình). Đại biểu có hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về chất lượng xăng E5 và câu chuyện trách nhiệm nếu chất lượng xăng E5 gây ra thiệt hại cho phương tiện của người dân (cháy nổ, hỏng động cơ).

Lẽ ra đây là chuyện không cần bàn vì có quá nhiều thông tin, chứng minh khoa học và kinh nghiệm quốc tế. Xăng E5 là chiến lược quốc gia, có chiều dài triển khai chương trình lên tới gần 10 năm nay.

Về phần mình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tái khẳng định, từ khi Chính phủ chỉ đạo và Bộ thống nhất giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ trì chương trình nhiên liệu sinh học, chương trình đã vận hành trơn tru, gây hiệu ứng tốt trong xã hội.

“Rất nhiều đề tài khoa học chỉ ra rằng chất lượng xăng E5 đảm bảo vận hành ổn định, không gây ra khuyết tật gì cho động cơ,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Vị trưởng ngành cũng đưa ra thông tin, từ 1/12/2014 xăng E5 sẽ được sử dụng thí điểm tại 3 tỉnh, đến 1/12/2015 nâng số lượng địa phương sử dụng lên 7, và tiến tới toàn quốc sử dụng bắt buộc. Xung quanh vấn đề trách nhiệm của cơ quan ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng cho xăng E5, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sớm có giải pháp chiến lược.

Lê Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc