Hỏa hoạn trong phố

Nỗi lo lớn của Hà Nội

15:42 | 03/10/2017

796 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25-9, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại ngôi nhà 5 tầng của anh Nguyễn Văn Nam, thuộc thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hai con gái anh Nam đã tử vong, tài sản thiệt hại không nhỏ. Đây là vụ cháy được coi là một trong những điển hình cho nguy cơ hỏa hoạn nhà hình ống, một đặc trưng của nhà dân cư ở Hà Nội.

Không lối thoát hiểm

Theo người dân kể lại, khi đám cháy xảy ra, không một ai trong gia đình anh Nam biết vì đang ngủ say. Chỉ đến khi tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 12, Công an Hà Nội đang trên đường tuần tra, kiểm soát gần đó phát hiện ra, mới đồng thời thông báo cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và tri hô cho chủ nhà, người dân xung quanh biết. Các anh còn cùng một số hàng xóm nhà anh Nam phá “chuồng cọp”, tạo thành lỗ hổng để cứu người mắc kẹt bên trong.

Tuy nhiên, ngôi nhà hình ống rộng khoảng 70m2, tầng 1 là tiệm sửa chữa xe máy chứa nhiều nguyên liệu dễ cháy, các tầng trên là nơi ăn uống, sinh hoạt được gia cố hàng rào sắt “chuồng cọp” rất chắc chắn ở ban công mỗi tầng, cùng lưới chống côn trùng ở cửa sổ, nên càng cố dập lửa, hạn chế khói độc để người trong nhà thoát hiểm thì lửa và khói lại càng “bốc”, quẩn trong nhà theo hướng hút lên theo chiều cao căn nhà. Dù cố gắng hết sức, lực lượng PCCC và người dân tham gia cứu nạn chỉ cứu được 5 thành viên trong gia đình ở các tầng dưới. Còn 2 con gái anh Nam ở tầng ngủ cao nhất (tầng 4), họ đã không kịp phá dỡ chuồng cọp để các cháu chui ra thoát hiểm. Hai cháu đã tử vong không phải vì ngọn lửa mà vì khí độc.

noi lo lon cua ha noi
Lực lượng PCCC dập lửa nhà anh Nam

Anh Nguyễn Hà Phương là hàng xóm, đồng thời cũng là người tham gia chữa cháy đau xót kể lại: “Khi đưa được 5 người nhà anh Nam ra ngoài an toàn, tôi phát hiện hai con gái anh Nam đang mắc kẹt ở tầng 4. Khói lên sặc sụa, các cháu cũng cố tìm ra khu vực cửa sổ để thở và cố thoát ra ngoài nhưng nhà tôi thấp hơn nhà anh Nam nên mọi người không thể lên cứu hai cháu được. Tôi thấy tiếng hai cháu lịm dần rồi sau đó không còn nghe được gì nữa. Thật đau lòng!”.

Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập điện tại khu vực sửa chữa, kinh doanh xe máy của nhà anh Nam. Toàn bộ nơi sửa xe bị thiêu rụi, trơ máy móc, cả chiếc ôtô 4 chỗ hiệu BMW đỗ bên cạnh cũng bị thiêu rụi…

Phải có phương án thoát hiểm

TP Hà Nội có tới 500.000 nhà hình ống không có lối thoát hiểm, trong đó lại có 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, đồng nghĩa với việc mặt tiền thường bịt kín, không có lối thoát hiểm. Như vậy, cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn gia tăng rất cao với diễn biến phức tạp và khó lường. Tại hội nghị giao ban trực tuyến, tập thể lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2017 diễn ra hạ tuần tháng 9, trước con số thực tế nhà hình ống không lối thoát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, lực lượng chức năng cần rà soát lại từng hộ dân cũng như các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, karaoke có biển quảng cáo bịt kín mặt tiền trên cơ sở đó hướng dẫn, tư vấn mỗi hộ dân cần xây dựng phương án PCCC; từng cơ sở sản xuất phải có phương án thoát hiểm, không được chủ quan…

Để hạn chế hỏa hoạn đối với nhà hình ống cũng như các loại nhà xây dựng khác nói chung, Cục PCCC và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo, nên kiểm tra đường điện thường xuyên, bảo đảm an toàn khi sử dụng chất đốt. Xây dựng phương án thoát hiểm, an toàn phòng trường hợp hỏa hoạn xảy ra như: không bố trí, sắp xếp hàng hóa dễ cháy với khối lượng lớn ở khu vực tầng trệt, trên các lối đi lại khi chưa có lối thoát nạn dự phòng; mỗi gia đình cần phải có nhiều phương án thoát hiểm như qua lối chính, lối phụ, lối qua mái, qua ban công, cửa sổ sang nhà bên…

Đối với nhà làm khung sắt ở ban công thì không hàn cố định mà phải có cửa sắt mở được và để chìa khóa gần cửa ra ban công mỗi tầng ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và chỉ có các thành viên trong gia đình biết; mỗi gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị báo rò rỉ gas, mặt nạ lọc độc, các thiết chữa cháy tại chỗ…; khi cháy, nổ xảy ra cần bình tĩnh, suy xét và báo động cho tất cả mọi người nhanh chóng thoát ra ngoài. Nếu cửa ra bị khói, lửa bao trùm cần tìm lối thoát khác như qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, dùng lối thoát lên mái; tuyệt đối không núp trong phòng hay nhà vệ sinh. Nếu buộc phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài. Trường hợp phải băng qua khói hãy dùng khăn ướt che kín miệng, mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường đến lối thoát an toàn…

Xử lí nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy

Từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng ở Hà Nội đã kiểm tra 32.089 lượt cơ sở, phát hiện và yêu cầu khắc phục 92.540 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 3.139 trường hợp với số tiền gần 10 tỉ đồng; tạm đình chỉ 502 lượt cơ sở, đình chỉ hoạt động 175 lượt cơ sở. Riêng các cơ sở kinh doanh karaoke, từ đầu năm 2017 đến nay đã xử phạt 262 trường hợp, với số tiền 473,3 triệu đồng; tạm đình chỉ 320 cơ sở, đình chỉ hoạt động 20 cơ sở/1.810 cơ sở…

Toàn thành phố đã xảy ra 626 vụ cháy, làm chết 18 người, thiệt hại hơn 400 tỉ đồng và 55ha rừng. So với cùng kỳ năm 2016, toàn thành phố đã tăng 4 vụ cháy, tăng 14 người chết, giảm 6 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỉ đồng.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc