"Nói không với túi ni lông" - nghe thì tưởng dễ!

19:00 | 29/06/2013

1,915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Túi ni lông trở thành gánh nặng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, nhưng làm thế nào để hạn chế sử dụng là một vấn đề chưa có lời đáp.

Hiện tại, vật dụng chủ yếu để chứa và mang hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ là túi ni lông. Theo khảo sát của Quỹ tái chế chất thải TP HCM, chợ là nơi sử dụng túi ni lông nhiều nhất với mức 98%, siêu thị và trung tâm thương mại cũng ở mức khá cao khoảng 71%.

Túi ni lông là hàng không thể thiếu trong chợ

Tại các chợ, phần lớn người mua hàng và bán hàng đều sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa. Về vấn đề này, một tiểu thương bán cá ở chợ Gò Vấp cho biết: “Bán cá cho khách phải dùng túi ni lông thôi, không chỉ một mà phải dùng cả hai túi để tránh nước cá chảy ra làm bẩn các thức ăn khác, nếu không có túi ni lông thì chẳng biết dùng thứ gì!”.

Chợ truyền thống là nơi tiêu thụ túi ni lông lớn nhất

Rất ít người đi chợ mang vật dụng để chứa hàng. Theo ghi nhận của phóng viên PetroTimes tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) trong buổi sáng đi chợ, có vài người mang theo giỏ nhựa nhưng chỉ giảm được vài túi ni lông đựng rau, củ. Còn lại các loại thực phẩm như cá, thịt gia súc, gia cầm... đều phải chứa trong túi ni lông trước khi cho vào giỏ.

Nếu làm phép tính đơn giản, một người đi chợ cho một bữa ăn thấp nhất là 3 túi ni lông, nhiều nhất có thể lên đến hơn 10 túi. Nếu tính tổng dân số TP HCM đều sử dụng túi ni lông thì lượng chất thải không phân hủy thải ra môi trường rất đáng báo động.

Siêu thị cũng dùng túi ni lông

Mặc dù tại quầy tính tiền của các siêu thị luôn có các túi thân thiện với môi trường nhưng người tiêu dùng muốn có thì phải mua. Trong khi đó, các túi ni lông lại được cấp phát miễn phí để chứa hàng. Việc làm này trở thành rào cản cho những người muốn tiếp cận với các túi đựng hàng thân thiện với môi trường.

Nhiều người ngại mua túi bảo vệ môi trường vì sau khi sử dụng không biết dùng vào việc gì khác, để đó một thời gian rồi cũng bỏ vào thùng rác. Chị Tú Linh, ngụ Bình Thạnh chia sẻ: “Mua túi thân thiện với môi trường chỉ mang đồ về nhà, dùng xong không biết làm gì, để đó thì chật nhà vứt đi thì tiếc, nên dùng túi ni lông cho tiện”.

Ảnh minh họa về túi ni lông được sử dụng trong các trung tâm thương mại

Tại các trung tâm thương mại cũng không khá hơn, người bán hàng bỏ tất cả mọi thứ vào túi ni lông từ quần áo, giày dép, mắt kính... đến cả nữ trang cũng cho vùi túi ni lông. Mỗi cửa hàng là một túi riêng “vừa tiện vừa quảng cáo thương hiệu” của mình.

Và hậu quả là các hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố tắc nghẽn do túi ni lông chắn lối thoát nước. Túi ni lông không những ngập đầy các bãi rác mà còn len lỏi vào các con đường, ngõ phố và có khi bay cả vào nhà. Còn Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tuy mới được cải tạo nhưng lượng ni lông được lực lượng vệ sinh thu gom hàng ngày là không nhỏ.

Đâu là giải pháp?

Theo nhận định của bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TP HCM, ni lông là loại sản phẩm rất khó hạn chế sử dụng. Cho đến nay, vẫn chưa có loại sản phẩm nào có khả năng cạnh tranh về mức độ tiện dụng bằng túi ni lông. Giá thành của loại sản phẩm này cũng rất tiết kiệm, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

Công nhân vệ sinh trên kênh Nhiêu Lộc phải vất vả do túi ni lông làm nghẽn khu vực thoát nước.

 

Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đang triển khai nhiều chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, thay vào đó khuyến khích sử dụng các túi thân thiện môi trường.

Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thống kê, rà soát đầy đủ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Sau đó, áp dụng thu đúng, thu đủ thuế môi trường đối với loại ni lông không phân hủy. Tạo cơ sở để phát triển thị phần tiêu thụ túi thân thiện môi trường.

Nhưng trên hết là ý thức xây dựng của người dân, nhằm hạn chế thấp nhất lượng ni lông được sử dụng. Để làm được việc này, người dân chỉ sử dụng túi ni lông vào những việc cần thiết, đồng thời phải phân loại rác, bỏ rác đúng quy định... là góp phần hạn chế thấp nhất ni lông nguy hại thải ra môi trường.

Nguyễn Hiển