Những vố đau của chính quyền Obama

07:00 | 25/03/2015

2,678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị hai cú bất ngờ từ chính các đồng minh chí cốt của mình. Đó là việc hàng loạt các nước châu Âu hò nhau gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng (AIIB) của Trung Quốc và việc Thủ tướng Israel Netanyahu tái cử lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Nhà Trắng.

Năng lượng Mới số 407

Bị đồng minh “bán tháo”

Anh là đồng minh đầu tiên của Mỹ ở châu Âu lên tiếng xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng (AIIB). Bộ trưởng tài chính George Osborne ngày 12/3 cho hay Anh đã đề nghị tham gia AIIB. Nếu được chấp thuận, Anh sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên trở thành thành viên của ngân hàng này.

Đề xuất của Anh gây bất ngờ và bực dọc cho Mỹ. Theo các nhà phân tích, trong vấn đề này rõ ràng Anh có một cái nhìn rất thực dụng. London biện minh cho lý do “bán tháo” đồng minh Mỹ của mình rằng quyết định trên là “một cơ hội không gì bằng để nước Anh và châu Á cùng nhau đầu tư và khai thông tăng trưởng”. Điều này cũng “đem lại cho các tập đoàn của Anh cơ hội tốt nhất để làm việc và đầu tư trên những thị trường năng động nhất trên thế giới”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Việc London quyết định xích lại gần với Bắc Kinh trên lĩnh vực ngân hàng là nằm trong logic của chiến lược xích lại gần Trung Quốc của Anh. Thiện chí này được tỏ rõ qua các chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối năm 2013. London thậm chí cũng không phản đối việc Trung Quốc từ chối cấp visa nhập cảnh cho các nghị sĩ Anh muốn đến Hongkong vào thời điểm xảy ra các vụ biểu tình đòi dân chủ. Ngược lại, vào đầu tháng 3/2015, Hoàng tử Anh William còn đi ngao du tại Trung Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia.

Có thể thấy rằng quyết định trên của Anh - quốc gia hàng đầu trong khối G7 rõ ràng là một cú tát dành cho Mỹ. Vì điều này sẽ mở đường cho các quốc gia khác tham gia vào kể cả những đồng minh tốt nhất của Mỹ tại châu Á, từ Austraia cho đến Hàn Quốc. Đúng như dự báo, chỉ 3 ngày sau thông báo của Anh, Pháp, Đức và Italia (tất cả đều là đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu) cũng đã lên tiếng xin được gia nhập AIIB.

Nên biết rằng Mỹ là nước đầu tiên phản đối việc thành lập AIIB của Trung Quốc. Vì sao Washington phải lo lắng về AIIB? Ý tưởng thành lập ngân hàng này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhân chuyến công du Indonesia. Theo đó, trong thời gian đầu, ngân hàng này sẽ được cấp một nguồn vốn 50 tỉ USD cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây cầu đường, hệ thống đường sắt, mạng lưới điện và điện thoại tại châu Á. Ngay trong buổi khai trương hồi tháng 10/2014, AIIB đã thu hút khoảng 20 nước tham gia. Đó là những quốc gia lân bang với Trung Quốc và cũng là những nước có nhu cầu vay tiền của Bắc Kinh. AIIB còn lôi kéo được các nước giàu có như Kazakhstan hay các nước dầu hỏa vùng Vịnh như Oman và Qatar.

Đối với Trung Quốc, AIIB sẽ là một công cụ phục vụ cho “sự hội nhập kinh tế khu vực”. Mà sự hội nhập đó cần phải được thực hiện dưới tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. AIIB của Trung Quốc sẽ được kết nối với Dự án Ngân hàng Khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), với “con đường tơ lụa mới” được triển khai sang Trung Á và “con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI” trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không đánh lừa được Mỹ. Washington đưa ra các luận điểm đạo đức: Liệu các dự án do AIIB tài trợ có tôn trọng các chuẩn mực xã hội, sự minh bạch, nhân quyền và môi trường hay không? Châu Âu biện giải rằng chỉ có tham gia vào dự án mới có thể  bảo đảm là những giá trị nói trên sẽ được tôn trọng.

Thế nhưng, trên thực tế, Washington xem AIIB như là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới (WB) mà ngân hàng này gần như bị xem là dưới sự điều phối của Mỹ. Tương tự, Tokyo cũng có cùng chung mối bận tâm như Mỹ. Trên bình diện quốc tế, một cuộc tranh giành ảnh hưởng hấp dẫn đang diễn ra, mà vũ khí tối tân là sức mạnh tài chính. Bị xem như là xưởng gia công lớn nhất hành tinh trong nhiều thập niên qua, nay Trung Quốc đang chuẩn bị một cách rất có phương pháp cho vai trò tiếp theo của mình: trở thành ông chủ nợ của thế giới. Với 4.000 tỉ USD ngoại tệ dự trữ trong tay, có thể nói Trung Quốc có thừa sức để thực hiện tham vọng đó.

Ngoài các nước châu Âu, Austraia và Hàn Quốc, các đồng minh khác của Mỹ cũng đã vội vã lên thuyền AIIB. Trong con mắt thực dụng, châu Âu xem dự án này như là một phương tiện bổ sung để tiếp cận các thị trường châu Á. Chính trong mục tiêu đó mà châu Âu cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc chơi.

Giới phân tích đánh giá, thái độ của các nước châu Âu khi tham gia vào AIIB là “rất ngây thơ”, “khi tin tưởng rằng họ có khả năng ngăn cản các lạm dụng, một khi trở thành cổ đông, bởi kinh nghiệm tại WB và Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy các nước nắm phần vốn lớn nhất, như Mỹ, Nhật, có tiếng nói quyết định trong hoạt động của các ngân hàng”.

Bị đồng minh chỉ trích

Một vố đau khác cho Chính phủ Obama trong mấy ngày qua là để cho Thủ tướng Israel Netanyahu tái đắc cử. Cách đây hai tuần trước Quốc hội Mỹ, ông Netanyahu đã không ngần ngại chỉ trích gay gắt Tổng thống Mỹ là một người “ngây thơ” và “cơ hội”, sẵn sàng đàm phán với Iran để đạt được một “thỏa thuận tồi và nguy hiểm” cho an ninh của Israel.

Lời chỉ trích đã làm ông Obama tức giận và hy vọng thông qua bầu cử có thể gạt bỏ được Netanyahu. Như vậy, thắng lợi rõ ràng của Thủ tướng mãn nhiệm Israel quả là một vố đau về chính trị và chiến lược, nếu không nói là “quá đắng” đối với Tổng thống Mỹ theo như bình luận của tờ Wall Street Journal. Theo nhận định của Martin Indyk, một trong những cựu cố vấn cho Tổng thống Obama về khu vực Trung Đông, việc ông Netanyahu tái đắc cử sẽ làm phức tạp thêm chính sách đối với Iran của ông Obama và nhất là cho việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho Palestine.

Thủ tướng Israel đã trở mặt vào phút chót khi tuyên bố rằng ông sẽ không chấp nhận có Nhà nước Palestine, trong khi từ trước đến giờ ông vẫn luôn khẳng định ủng hộ dự án do Washington đề xướng. Như vậy là “chiến thắng của Netanyahu dập tắt niềm hy vọng một nhà nước Palestine”.

Nhà Trắng cũng bày tỏ những quan ngại của mình ngày 19/3 do việc có những bài diễn văn đang tìm cách “gây chia rẽ và gạt những công dân Arập Israel ra bên lề xã hội”. Những tháng ngày nỗ lực qua lại giữa Israel, Palestine và các quốc gia Arập của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhằm đi đến một nền hòa bình dựa trên nguyên tắc hai nhà nước, coi như tan thành mây khói.

H.Phan (tổng hợp)