Những thách thức của Đảng cộng sản Trung Quốc (Bài 3)

07:00 | 17/01/2016

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Trung Quốc, “tiểu yêu” tham nhũng thường tung hoành “thả cửa” ngay chính ở những khu vực thuộc quản lý nhà nước, nơi có nhiều không gian cho các quan chức tha hóa, lộng quyền và tham nhũng, chẳng hạn: hải quan, thuế vụ, địa ốc, hạ tầng…

Bài 3: Tại sao tham nhũng vẫn nhởn nhơ?

Luật “song quy” -  bắt khi đang điều tra

Những vị trí trong cơ quan, bộ máy nhà nước, do vậy, thu hút nhiều đơn xin việc nhất vào năm 2008 không phải là Bộ Ngoại giao hay Bộ Tài chính. Trong 10 cơ quan nhà nước được đánh giá là “hot” nhất, 8 đã thuộc về những vị trí liên quan cục thuế tỉnh (đặc biệt Quảng Đông) và 2 thuộc về cục hải quan (Thượng Hải và Thâm Quyến). Và trong 10 cơ quan nhà nước bị đánh giá “hẻo” nhất (đơn xin việc ít nhất) là thuộc về các cục thống kê hay đại loại. Rõ ràng, người ta “vào nhà nước” chủ yếu để “kiếm cơm” và vào Đảng chủ yếu để củng cố khả năng kiếm cơm. Đảng đã bị lợi dụng để trục lợi một cách không thương tiếc.

nhung thach thuc cua dang cong san trung quoc bai 3
Trần Lương Vũ

Tại Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm chính về chống tham nhũng là Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (UB KTKL) với nhân sự khiêm tốn 800 người tại trụ sở trung ương. Trợ giúp UB KTKL trung ương là những cục, ban ở cấp tỉnh, cấp quận; trong các tập đoàn nhà nước và ở tất cả cơ chế thuộc tổ chức Đảng. Về lý thuyết, việc giám sát cán bộ được thực hiện với qui trình chặt chẽ, bằng việc cài cắm “quần chúng” ở mọi ngóc ngách để giúp phát hiện và tố cáo kịp thời, hầu triệt tiêu mọi biểu hiện, hành vi tham ô hối lộ.

Tổng biên tập một tờ báo ở Thượng Hải cho biết, trong vụ tai tiếng tham ô bất động sản liên quan Bí thư Trần Lương Vũ, ông đã được rỉ tai rằng, trong tòa soạn mình có một “quần chúng” làm việc cho Cục Kiểm tra kỷ luật thành ủy nhưng ông không thể biết đó là ai. “Có thể là tay lao công hay thậm chí là tay phó tổng biên tập” - ông kể… Về quy trình, UB KTKL trung ương cùng các cục phòng chống tham nhũng trực thuộc địa phương được phép xử lý mạnh tay, bằng luật “song quy” (“shuanggui”), tức đối tượng tình nghi có thể bất ngờ bị bắt bí mật song song tiến trình điều tra (chứ không phải điều tra xong mới bắt). Trong thời gian bị tạm giam, đương sự tuyệt đối bị cấm liên lạc với bên ngoài, kể cả gia đình...

nhung thach thuc cua dang cong san trung quoc bai 3
Chống tham nhũng luôn là mục tiêu hàng đầu nhưng dường như Trung Quốc chưa bao giờ đủ khả năng tận diệt được tham nhũng

Việc sử dụng “quần chúng” chỉ điểm cùng hình thức “thư tố cáo” hoặc “đơn kêu cứu” nặc danh tỏ ra khá hiệu quả, nhưng đồng thời cũng có mặt trái. Trong nhiều trường hợp, các phe nhóm đấu đá quyền lực đã sử dụng lá bài “quần chúng tố cáo” để triệt hạ nhau. Ngoài ra, người ta còn “xử” chiêu “rò rỉ nội bộ” hoặc tạo tập trung chú ý bằng việc (ẩn danh) tuồn hồ sơ cho báo chí (ở Hongkong, các website tiếng Hoa ở nước ngoài…) để đánh động dư luận ngược trở về Trung Nam Hải. Cao tay ấn hơn, các đối thủ còn áp dụng hình thức tung ra tiểu thuyết hình sự với nội dung dễ khiến liên tưởng đến viên chức cụ thể nào đó.

Quyển Trời đất nổi giận - khi Cục chống tham nhũng ra tay” ra mắt năm 1997 là một ví dụ. Trong cuốn sách này người ta chứng kiến cảnh cậu ấm cưng của bí thư Bắc Kinh “phong lưu công tử” như thế nào, đục khoét ngân sách để sống xa hoa ra sao và còn “chia ngọt sẻ bùi” đám bồ nhí với chính bố mình. Trước khi cuốn sách bị thu hồi, người ta đã kịp biết tay bí thư trong quyển “tiểu thuyết hình sự” thật ra chẳng ai khác hơn là hình ảnh tái hiện của Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Bắc Kinh, người mà một năm sau đã bị xử 16 năm tù, trong khi cậu “công tử” Trần Tiểu Đồng bị “hạn” 12 “niên”. Nếu không có bàn tay đen nào đó trong bóng tối dựng “tuồng tích” kịch bản rồi làm đạo diễn, Trời đất nổi giận - khi Cục chống tham nhũng ra tay” đụng trực tiếp đến một ủy viên Bộ Chính trị - ngay từ đầu đã khó có thể lọt khỏi cửa kiểm duyệt của nhà xuất bản…

Được trang bị công cụ với một bộ máy thiết kế hoạt động ăn khớp từ trên xuống dưới nhưng vì sao chống tham nhũng tại Trung Quốc mãi trầy trật? Vấn đề ở chỗ, không hẳn tham nhũng đã tiến hóa tinh vi đến mức luật pháp bó tay mà thật ra là cơ chế quản lý còn nhiều kẽ hở để tham nhũng lợi dụng rồi phát triển thành “hệ thống”. Trong vài trường hợp, tham nhũng đã được hình thành thông qua những câu kết bí mật.

Trong vụ Mã Đích chẳng hạn. Hồi đương chức, tay bí thư trấn Tuy Hóa (Hắc Long Giang) này đã câu kết với Thị trưởng Tuy Hóa Vương Thẩm Y, dù hai người vốn chẳng ưa nhau, trong việc “cắt” Tuy Hóa thành nửa đôi để chia làm địa bàn “khai thác”, trong dự án lót vỉa hè cho trung tâm thị trấn! Không chỉ “ăn đồng chia đủ” việc chấm mút ngân sách công trình, hai người còn tranh nhau tận thu bằng cách “nã” tiền doanh nghiệp và người dân thuộc “địa bàn” mình, khi cùng áp dụng cái chính sách gọi là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Những kẻ nằm trong “hệ thống” như bộ đôi Mã  - Vương không ít. Và khi còn có thể “sống” với nhau được, họ sẽ bưng bít cho nhau hoặc làm ngơ giả bộ không biết. Đến lúc trở thành đối thủ sống còn cho chiếc ghế chính trị, những tình tiết tham nhũng của đối phương bất ngờ bị “quần chúng” phát hiện và tố cáo cho Đảng, với bộ hồ sơ dày cộm cùng những bằng chứng không thể mở mồm…

Doanh nhân và  “tấm lệnh bài” của đảng

Muốn làm ăn lớn, công việc kinh doanh nhất thiết phải mở rộng phạm vi quen biết và kết thân với chính quyền. Càng làm ăn to bao nhiêu thì càng phải “chơi” với người đủ to bấy nhiêu, cỡ ủy viên Bộ Chính trị chẳng hạn, để có thể cậy “tấm lệnh bài” “bảo kê” mà giúp mọi việc suôn sẻ. Đó là trường hợp của Chu Chính Nghị và Trần Lương Vũ; và đó cũng là trường hợp phổ biến khiến nảy sinh ung nhọt tham nhũng…

Sinh trong gia đình nghèo với 7 người con tại Dương Phố (Thượng Hải), Chu Chính Nghị bắt đầu nghỉ học và lăn lộn kiếm sống khi 17 tuổi. Năm 1978, Chu mở một quán hoành thánh kiếm cơm ba cọc ba đồng, rồi hơn 10 năm sau, mở nhà hàng (Mỹ Thông phạn điếm) và 5 năm sau nữa thì khai trương nhà hàng to hơn đặt tên “A Mao đôn phẩm”. Tuy nhiên, kinh doanh ăn uống không thể đưa Chu Chính Nghị trở thành người giàu thứ 11 Trung Quốc như sau này.

Thoạt đầu mua bán cổ phiếu tại các công ty nhà nước rồi tham gia thị trường chứng khoán, Chu bắt đầu nhảy sang bất động sản, ở thời mà cơn sốt chỉnh trang đô thị Thượng Hải được đun sôi sùng sục với chính sách đại quy hoạch của Ủy viên Bộ chính trị - bí thư thành ủy - thị trưởng Trần Lương Vũ. Vài tuần trước khi bị bắt, trong buổi ăn tối với Đại sứ Anh Christopher Hum cùng nhiều gương mặt doanh nghiệp mới nổi, Chu cởi mở kể, khi mới bắt đầu giàu, ông ta chẳng biết gì về “giá trị” và “chuẩn” của đẳng cấp thượng lưu nên “quê một cục” đến mức dát vàng cả căn phòng tắm. Sau này, khi trở nên “sang” hơn, Chu đã trang trí lại bằng cách gắn những thiết bị hàng hiệu. Trong buổi nói chuyện, Chu còn khoe cậu con đang học ở Anh. Hỏi trường nào, Chu ú ớ, gọi điện thoại hỏi lại cô vợ bên Hongkong. “Hiền thê” cũng mù tịt. Cuối cùng Chu gọi sang Anh hỏi trực tiếp cậu con. Trường tên là Millfield chứ gì. Hỏi tiếp rằng tại sao cho con học ở đó, Chu tỉnh queo: Chỗ đó đắt nhất thì cho nó học!

Phong cách “trưởng giả học làm sang” của một tay nhà giàu ít học, tuy nhiên, lại tương phản hoàn toàn với khả năng biến báo cùng sự dạn dày kinh nghiệm của Chu Chính Nghị. Điều đó đã thể hiện ở việc Chu biết tiếp cận nhân vật thế lực nào để được cấp tấm “lệnh bài” bảo vệ. Thượng Hải vào thời Bí thư Trần Lương Vũ đã trở thành một đại công trường với vô số “dự án trọng điểm”, từ một vận động trường một tỉ USD cho cuộc thi môtô F-1, trung tâm tennis 300 triệu USD để tổ chức giải Master Cup, hàng chục triệu USD xây tuyến xe đệm đầu tiên chạy vỏn vẹn 33km và chủ yếu chỉ đón khách từ phi trường vào trung tâm thành phố, đến dự án bứng nền (nghĩa đen) để dời nhà hát opera (xây từ thời thực dân) sang địa điểm cách đó chỉ khoảng 70m, nhằm nhường chỗ cho công trình khác.

Chính quyền Thượng Hải còn đàm phán với Tập đoàn Walt Disney xây một công viên chủ đề, đồng thời làm việc với đối tác Pháp để dựng một phiên bản Trung tâm Văn hóa Georges Pompidou… Trần Lương Vũ bắt đầu nổi như cồn, được ca tụng như một bậc thầy về chính sách “hoành quan điều khống” (kinh tế vĩ mô). Tương tự phong trào “ca Hồng, đả hắc” cùng chủ trương Tân Tả của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, chiến dịch “lột xác” Thượng Hải của Trần Lương Vũ cũng bắt đầu tạo ra những gợn sóng xô dạt về Trung Nam Hải, từ “lăn tăn” chuyển sang dồn dập...

Vụ việc bắt đầu nóng dần, khởi nguồn từ những chèn ép và lường gạt người dân trong chính sách giải tỏa đền bù, trong đó có dự án cải tạo phố cổ “Đông Bát nhai khu” ở trung tâm Thượng Hải. Với tấm “lệnh bài” Trần Lương Vũ, Chu Chính Nghị đã đánh bại tất cả nhà thầu kinh nghiệm nhất và nhiều vốn nhất, trong đó có tỉ phú Hongkong Lý Gia Thành, để đập nát “Đông Bát nhai khu” và xây khu đô thị mới. Uất ức, hàng ngàn hộ dân trung tâm Thượng Hải nộp đơn kêu cứu khắp nơi. Một luật sư tên Trịnh Ân Sủng, thuộc “phái” “duy quyền” (“weiquan”, gồm luật sư, trí thức… đứng ra ủng hộ và giúp đỡ người dân), đã chấp bút bức thư gửi lên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào trước thềm Đại hội đảng 2007.

“Dân chúng đã bị đuổi đi từ góc này đến góc kia của thành phố” - Luật sư Trịnh viết - “Nhiều người trong chúng tôi phải chịu đựng sự rình rập theo dõi bất hợp pháp, bị lục soát nhà cửa, bị tước hộ khẩu, bị giam cầm, bị đưa đi cải tạo, bị nhốt trong nhà thương điên, bị nghe lén điện thoại…”. Cuối cùng, Ủy ban Chống tham nhũng trung ương vào cuộc. Nhân vật bị “vịn” đầu tiên là Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Vương Học Bân (sau này bị kết án 12 năm tù), người từng thoải mái cho Chu Chính Nghị vay tiền. Trong khi đó, Trần Lương Vũ phản ứng bằng cách rải an ninh chìm khắp thành phố, cài cắm tại các nhà ga để theo dõi “hành tung” những người khiếu kiện khi họ rời Thượng Hải lên Bắc Kinh với mớ oan khuất lèn chặt trong những lá đơn. Một phóng viên Tân Hoa Xã có nhiều bài về vụ việc đã bị cảnh sát Thượng Hải yêu cầu ngưng viết. Tương tự, phóng viên Hongkong cũng bị nhiều giọng nặc danh gọi đến điện thoại hù dọa...

Mạnh Kim

Năng lượng Mới 491

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc