Những nội dung mới của Luật Báo chí (2016)
Mười năm sau, để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của Báo chí, đặc biệt là việc xuất hiện loại hình báo chí mới, báo điện tử, phù hợp với thực tế của công cuộc đổi mới đất nước, ngày 12 tháng 6 năm 1999, kỳ hợp thứ 5 Quốc hội khóa X Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
Sau 27 năm thi hành Luật Báo chí và 17 năm thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí, trước thực tế phát triển nhanh chóng của đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng và trước sự phát triển, thích ứng nhanh chóng của báo chí, nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho Báo chí, ngày 5 tháng 4 năm 2016, kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí.
Luật này (2016) thay thế cho Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí (1999). Luật đã được chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam ký lệnh công bố và sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2017.
Luật Báo chí 2016 (sau đây gọi là Luật Báo chí) có những thay đổi căn bản sau:
1. Về kết cấu:
Luật Báo chí 1989 có 7 chương, 31 điều. Luật sửa đổi bổ sung (1999) bổ sung thêm 6 Điều và sửa đổi 10 điều.
Luật Báo chí còn 6 chương nhưng lại có tới 61 điều.
Thay đổi kết cấu các chương: Bỏ hẳn chương quản lý nhà nước mà đưa các nội dung quản lý nhà nước vào chương “những quy định chung”. Về tổ chức báo chí và nhà báo được đưa một chương chung “tổ chức báo chí” (chương III), nhưng phân định rõ ràng thành các mục: cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí; người đứng đầu cơ quan báo chí; nhà báo.
Các nội dung về hoạt động báo chí được đưa vào cùng một chương bao gồm: thực hiện thêm sản phẩm báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; thông tin trên báo chí; in, phát hành và truyền dẫn phát sóng; lưu chiểu báo chí; hợp tác quốc tế trong báo chí.
2. Về nội dung:
Chương I: Những quy định chung
Trong bối cảnh báo chí phát triển nhanh chóng, trước sự tác động của khoa học, công nghệ, nhiều từ ngữ trong lĩnh vực báo chí hoặc chưa có hoặc còn có cách lý giải khác nhau trong các bộ từ điển hiện hành. Vì vậy, Điều 3 của luật này giải thích tới 20 từ ngữ để có cách hiểu và thực hiện đồng nhất.
Trên cơ sở tiếp thu các nội dung vẫn còn giá trị của Luật hiện hành Luật báo chí, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà báo, các đại biểu Quốc hội và nội dung các Nghị định, thông tư đã được thực tế chấp nhận và còn giá trị lâu dài, Luật báo chí đã tách nội dung của các điều cũ thành các điều mới có sửa đổi, bổ sung. Điều 5 “Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí”, có ba nội dung mới: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đặt hàng báo chí; hộ trợ cước vận chuyển báo chí phục vụ một số địa bàn, đối tượng cần ưu tiên.
Điều 8 “Hội nhà báo Việt Nam”, trước đây viết chung chung, nay quy định cụ thể bảy nhiệm vụ và quyền hạn của Hội.
Điều 9 “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Nội dung này trong luật hiện hành là điều 10 “ Những điều không được thông tin trên báo chí”. Theo quy định hiện hành thì chỉ cấm các hành vi, cho nên tên điều đã được thay đổi và nhiều nội dung mới quan trọng. Trong đó có quy định đối với các Nhà báo, cơ quan báo chí và quy định đối với một cá nhân; nghiêm cấm các hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Chương II: Quyền tự do Báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Luật Báo chí là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, và phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp. Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đã quy định rất rõ về quyền con người, trong đó có quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận của công dân.
Luật hiện hành gộp hai quyền trên vào một điều. Ở Luật báo chí quy định rõ thành hai điều: Điều 10, “Quyền tự do báo chí của công dân”; Điều 11: “Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.
Đồng thời, tại các Điều 12, 13 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và của cơ quan báo chí đối với quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Chương III: Tổ chức báo chí
Chương này được chia làm 4 mục với các quy định cho 4 đối tượng: cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, người đứng đầu và nhà báo. Trong đó có các nội dung mới cần lưu ý:
Điều 14 là điều quy định rõ đối tượng được thành lập cơ quan báo chí. Trong đó, ngoài các đối tượng theo quy định của Luật hiện hành, các tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của phát luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí. Các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học, bệnh viện cấp tỉnh và tương đương được thành lập tạp chí khoa học.
Đối với cơ quan báo chí (Điều 16) luật hiện hành quy định được thực hiện một loại hình báo chí thì luật Báo chí (2016) quy định là được thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí. Thực tế ở Việt Nam nhiều cơ quan đã thực hiện 2 loại hình, thậm chí có cơ quan thực hiện 3, 4 loại hình báo chí.
Việc đặt cơ quan đại diện và cử phóng viên thường trú, luật hiện hành quy định phải được sự đồng ý bằng văn bản của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nay cơ quan báo chí căn cứ vào các quy định về điều kiện, nếu có đủ thì chỉ cần gửi hồ sơ để thông báo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo cũng có nhiều thay đổi. Trước đây điều kiện về thời gian công tác liên tục 3 năm tại một cơ quan báo chí, nay Luật báo chí quy định là 2 năm.
Đối tượng được cấp thẻ nhà báo cũng được mở rộng đến phóng viên, biên tập viên ở đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương khi đủ các điều kiện như: là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và có số tác phẩm được phát sóng theo quy định.
Chương IV. Hoạt động báo chí
Đây là chương rất quan trọng đối với các cơ quan báo chí. Ngoài các quy định có tiếp thu, sửa đổi về điều kiện và cấp phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, truyền hình… Chương này còn có các điều mới như: thực hiện thêm loại hình báo chí (Điều 29); Biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Điều 33); Trang thông tin điện tử tổng hợp (Điều 30); Liên kết trong hoạt động báo chí (Điều 37). Đặc biệt các nội dung liên kết đã mở cho nhiều đối tượng, được tham gia vào các lĩnh vực hoạt động báo chí như:
Sản xuất chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo… Sản xuất các sản phẩm báo chí in, báo điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao giải trí…
Chương này cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức, người có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Đặc biệt có những điều mới như: Trả lời phỏng vấn trên báo chí (Điều 40); Phản hồi thông tin (Điều 43); Quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí (Điều 45); Các thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí (Điều 46); Bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, nội dung báo điện tử (Điều 47); cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng (Điều 51); Hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí Việt Nam với người nước ngoài (Điều 55).
Chương V: Khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí
Chương V có 3 điều với 3 nội dung về: khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm. Trong đó, Điều 58 là điều mới quy định về thanh tra chuyên ngành báo chí.
Việc xử lý vi phạm là quy định chung cho mọi đối tượng vi phạm các quy định của Luật báo chí.
Chương VI: Điều khoản thi hành
Gồm 2 điều quy định về hiệu lực thi hành của luật này là từ ngày 1 tháng 1 năm 2017 và việc quy định cho chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều khoản được giao trong Luật.
Chỉ còn 6 tháng nữa Luật báo chí sẽ có hiệu lực, từ bây giờ các cơ quan báo chí, nhà báo cần nghiên cứu tìm hiểu để thực thi về tuyên truyền rộng rãi đến công chúng.
Hoàng Hữu Lượng
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025