Những điều cần làm rõ trong một vụ án "Tham ô tài sản"

07:40 | 05/09/2015

2,067 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bị can trong vụ án đã bị giả chữ ký, không hưởng lợi vật chất nhưng vẫn bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”. Vụ án có nhiều “góc khuất” còn bỏ ngõ. 

Không chiếm đoạt tiền vẫn bị truy tố tội “Tham ô tài sản”

Tháng 6/2007, Đỗ Quang Khôi vào làm việc tại Bảo hiểm xã hội thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), nhiệm vụ được giao là thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tháng 12/2008, Khôi được Giám đốc phân công áp tải tiền cùng với thủ quỹ rút tiền mặt tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Long Khánh.

Từ tháng 9/2009, Khôi được Giám đốc giao thêm nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện và phụ trách bộ phận công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Long Khánh.

bi-gia-chu-ky-khong-huong-loi-vat-chat-van-truy-to-toi-tham-o-tai-san
Bị can Đỗ Quang Khôi

Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai truy tố, trong khoảng thời gian từ 10/9/2009 đến 1/4/2010, Đỗ Quang Khôi đã có hành vi ký tên người nhận tiền trên 12 tờ séc do Nguyễn Thị Thanh Lan ký giả mạo chữ ký của Trần Bá Đạt (chủ tài khoản) và ký tên khống trên nhiều bảng kê chi tiền của ngân hàng do Lan đưa để rút và tham ô chiếm đoạt tiền từ các tài khoản của Bảo hiểm xã hội.

Việc ký trên 12 tờ séc, Khôi đã giúp sức cho Lan tham ô chiếm đoạt hơn 376 triệu đồng của Bảo hiểm xã hội Long Khánh. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng Kết luận, Khôi nể nang nên ký tên trên 12 tờ séc giúp Lan chứ không hưởng lợi vật chất.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Phó trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu & Cộng sự phân tích: “Cơ quan chức năng các cấp cần phải xem xét lại Cáo trạng của Viện Kiểm sát một cách toàn diện, khách quan để tránh tình trạng truy tố oan, bỏ lọt tội phạm”.

Trong thời gian làm việc tại Bảo hiểm xã hội Thị xã Long Khánh, Khôi ký tên người nhận tiền về mặt danh nghĩa thì trên 12 tờ séc đã có chữ ký và con dấu của Giám đốc. Khôi tin tưởng việc ký tên người nhận tiền chỉ có giá trị về mặt danh nghĩa và sẽ giúp cơ quan hoàn thành nhanh hơn công việc.

Từ ngày 10/9/2009 đến ngày 01/4/2010, cơ quan đều phải báo cáo, quyết toán và không hề phát hiện ra bất cứ sai phạm nào của Lan. Khôi không biết đang bị Lan lợi dụng việc ký séc để thực hiện hành vi phạm tội. Khôi và Lan không có sự câu kết chặt chẽ với nhau.

Tổng cộng 12 tờ séc có chữ ký của Khôi thì 4 tờ séc tiền mặt theo sự phân công của cơ quan để bảo đảm an toàn cho người và tiền. Khôi phải đi cùng Lan đến Ngân hàng nhận tiền. Việc nhận và đếm tiền đều do Lan tự thực hiện.

Trên các tờ séc này đều đã có chữ ký của giám đốc, chủ tài khoản và đóng dấu của cơ quan nên Khôi đã ký nhằm phục vụ cho yêu cầu của công việc chứ không hề biết Lan có ý định lừa gạt.

Cùng hành vi nhưng người thì bị truy tố, người lại không!

Việc làm của Lan còn được sự giúp sức của Lương Thị Ngọc Hà (em dâu của Lan), nhân viên tín dụng của ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Trong khi đó, bà Hà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà lại truy tố hành vi của Khôi.

Trên thực tế, Khôi không hề có ý định giúp sức cho Lan vì không biết Lan đang có ý định lừa gạt. Lan còn có hành vi không làm thủ tục nhập quỹ, giả chữ ký của Khôi trên 04 tờ giấy nộp tiền để chuyển vào tài khoản cá nhân và tài khoản của Hà với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngày 8/7/2010, Khôi bị Công an tỉnh Đồng Nai mời lên làm việc để lấy lời khai. Lan đã nhắn tin xin lỗi Khôi từ số điện thoại của mình. Những lần ra tòa, Lan cũng đã xin lỗi Khôi khi gặp mặt ở các phiên xét xử.

Đinh Thị Liên Hương (đại lý bảo hiểm xã hội trường dân lập Văn Hiến) cùng Lan đến NHN0 Long Khánh lập thủ tục rút tiền. Sau khi ký nhận số tiền 562.719.790 đồng Hương giao lại cho Lan, Lan trích ra 62.719.790 đồng trả trực tiếp cho Hương tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh trường Văn Hiến. Còn lại 500.000.000 đồng Lan chiếm đoạt.

Hành vi của Hương có cùng bản chất với hành vi của Khôi và đều là ký tấm séc rút tiền cho bà Lan nhưng Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai cũng không truy tố vì cho rằng Hương ký nhưng không biết việc làm của bà Lan. Bản Cáo trạng số 29/VKS-P1 ngày 20/04/2015 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng không đề cập đến việc truy tố Hương.

Trong khi đó, tính một cách chính xác thì khi tổng hợp các khoản tiền có liên quan đến Khôi mà Lan đã rút ra lại nhỏ hơn số tiền nộp vào. Luật sư Thúy Hường lập luận: "Không thể kết luận Khôi đã giúp sức cho Lan tham ô chiếm đoạt số tiền hơn 376 triệu đồng như cáo trạng số 29/VKS-P1 ngày 20/4/2015 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã truy tố".

Ngay tại trang số 6 của Bản cáo trạng số 29/VKS-P1 ngày 20/04/2015 của Viện Kiểm sát nhân dân tình Đồng Nai có đề cập: “Quá trình điều tra, Khôi và Lan khai: Do nể nang Lan nên Khôi ký tên trên 12 tờ Séc giúp Lan chứ Khôi không hưởng lợi ích vật chất từ Lan”.

Ngày 8 và 9/9, TAND tỉnh Đồng Nai sẽ đưa vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội thị xã Long Khánh ra xét xử.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai còn truy tố hành vi của các bị can có liên quan đến vụ án. Trong khoảng thời gian từ 3/7/2009 đến 1/4/2010, Trần Thị Thùy Trang, Hồ Thị Ánh Tuyết là kế toán và thủ quỹ của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Long Khánh đã có hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, hạch toán”.

Trang và Tuyết đã giúp sức cho Lan rút tiền từ tài khoản của Bảo hiểm xã hội để nộp bù tiền và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Lan và Lương Thị Ngọc Hà (em chồng Lan) trái quy định, gây hậu quả để cho Lan chiếm đoạt tiền của Bảo hiểm xã hội Long Khánh. Trang đã gây hậu quả để Lan chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng và Tuyết đã để Lan chiếm đoạt hơn 625 triệu đồng.

Trần Bá Đạt là Giám đốc đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, dẫn đến hậu quả để cho Lan tham ô chiếm đoạt hơn 4,3 tỷ đồng. Nguyễn Hoàng Quốc là Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Long Khánh đã gây hậu quả để Lan chiếm đoạt trên 3,1 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã truy tố Đỗ Quang Khôi về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 khoản 3 điểm a Bộ Luật hình sự.

Trần Thị Thùy Trang về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 khoản 3 Bộ Luật hình sự.

Hồ Thị Ánh Tuyết bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước vế quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 khoản 2 điểm d Bộ Luật hình sự.

Trần Bá Đạt và Nguyễn Hoàng Quốc bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 khoản 1 Bộ Luật hình sự.

Hưng Long

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc