Những câu chuyện xúc động nhất Việt Nam 2011

15:49 | 01/01/2012

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ là học sinh, vận động viên, thủy thủ, mỗi người mỗi nghề nhưng tất cả đều thể hiện một nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá làm, một tấm lòng hiếu thảo làm lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam.

1. Kỳ diệu thủy thủ Đậu Ngọc Hùng

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng

Tính đến thời điểm đầu năm mới 2012, số phận của 22 thủy thủ vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng việc thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (Nghệ An) may mắn sống sót trở về có thể là một trong những điều kỳ diệu nhất, xúc động nhất Việt Nam 2011.

Ngày 25/12/2011, tàu Vinalines Queen đã bị nghiêng và chìm xuống vùng biển phía Đông Bắc biển Đông. Ngày 30/12/2011, một tàu của Anh Quốc tên London Courage phát hiện, cứu sống anh Đậu Ngọc Hùng, cách vị trí tàu chìm khoảng 350km.

Sự việc thủy thủ Đậu Ngọc Hùng được cứu sống, không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình anh Hùng mà còn nối dài hy vọng cho các gia đình của 22 thủy thủ vẫn đang xác định là mất tích.

Dân làng, các đoàn thể, cá nhân đã đến chia vui với gia đình thủy thủ Hùng. Họ đến để cảm phục nghị lực và sự dũng cảm của một thủy thủ chống chọi với đói rét, nguy hiểm, lênh đênh 5 ngày trời trên biển.

Năm nay, gia đình thủy thủ Đậu Ngọc Hùng sẽ có cái Tết đặc biệt.

2. Nỗ lực của Nguyễn Thị Phương

VĐV Nguyễn Thị Phương

SEA Games 26 khép lại với thành tích 96 HCV, xếp vị trí thứ 3 của đoàn Thể thao Việt Nam. Có một cô gái không đứng trong hàng ngũ đạt HCV nhưng nghị lực của cô gái ấy đã khiến cả làng thể thao Việt Nam xúc động rơi nước mắt.

Nguyễn Thị Phương tham gia thi ở nội dung 3.000m vượt rào nữ. Cả chặng đua, Phương đều phân phối sức hợp lý nhằm bứt phá cho những mét cuối cùng. Tuy nhiên, điều kiện trời mưa, đường trơn đã làm giảm thể lực của Phương.

Khi cách đích 2m, Phương đã ngã quỵ xuống, để một VĐV khác cán đích và giành HCV. Trong nỗ lực cuối cùng, Phương đã nhổm dạy, nhoài mình về phía trước và ngã ngay trên vạch đích trong niềm xúc động của hàng nghìn khán giả. Phương giành HCB của SEA Games và giành “HCV kính phục” của người hâm mộ thể thao Việt Nam.

3. “Nhiều hoàn cảnh còn nghèo hơn em”

Nguyễn Trung Hiếu tác giả bài văn “Thư gửi mẹ”

Cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Lý, Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội đã làm xúc động cư dân mạng bằng bài văn “Thư gửi mẹ” tràn ngập tình yêu, trách nhiệm với cuộc sống, đồng tiền.

Bài văn được cô giáo chấm điểm 9 về sự độc đáo, về tình cảm của Hiếu. Nhưng sẽ không có điểm số nào chấm được lòng hiếu thảo của cậu học trò có thân hình gầy gò này.

Khi người viết bài đến thăm nhà Hiếu đã gặp một người mang một thùng sữa to đến tặng Hiếu để em uống có sức mà học, Hiếu đã nhận và cảm ơn rất nhiều. Một lúc sau, một đoàn cán bộ của Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí đến thăm và tặng Hiếu 10 triệu cùng một suất học bổng. Hiếu đã nói “Nhiều hoàn cảnh còn nghèo hơn em”. Bằng tấm lòng và thuyết phục hết lời của ông Hồ Nghĩa Thứ – Giám đốc Qũy Thắp sáng niềm tin, Hiếu mới vui vẻ nhận quà.

Trong câu chuyện của mình, Hiếu tâm sự: Em đi tình nguyện mới hiểu nhiều em còn nghèo hơn nhà em. Em còn được mẹ cho tiền ăn sáng, nhiều bạn còn không có khoản đó. Em sẽ cố gắng học để bố mẹ yên tâm và phấn đấu trở thành một bác sĩ giỏi.

Đức Chính