Nhức nhối nạn buôn bán thận!

07:07 | 27/10/2018

477 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do nhu cầu ghép tạng nói chung, ghép thận nói riêng rất cao, nên trong thời gian qua nhiều nhóm tội phạm đã hình thành đường dây buôn bán tạng người. Từ tháng 7 đến tháng 10/2018, Công an Hà Nội đã triệt phá thành công 3 đường dây buôn bán thận với trị giá lên tới 450 triệu đồng/quả thận.   

Hưởng lợi bất chính hàng trăm triệu đồng

Qua trinh sát, Công an quận Long Biên, Hà Nội đã phát hiện một nhóm gồm 3 đối tượng: Dương Văn Lộc (SN 1987, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng); Dương Ngọc Hoàng (SN 1989, quê quán Sông Cầu, Thái Nguyên) và Hoàng Xuân Trường (SN 1993, quê quán Bảo Thắng, Lào Cai) liên quan đến việc mua bán thận. Trước đó, bà Nguyễn (Cẩm Khê, Phú Thọ) có chồng bị bệnh thận, phải tìm thận ghép, nên tháng 7/2018, bà lên mạng xã hội tìm nguồn thận. Bà nhận được tin nhắn của một người tên Tuấn với nội dung “bán thận” cùng số điện thoại di động.

nhuc nhoi nan buon ban than
Dương Văn Lộc tại cơ quan điều tra

Mừng hơn “bắt được vàng”, bà Nguyễn đã liên lạc với Tuấn và được Tuấn cho biết sẽ bán 450 triệu đồng/quả thận. Bà Nguyễn đồng ý. Tuấn dẫn 2 thanh niên là Dương Văn Lộc và Hoàng Xuân Trường đến gặp bà Nguyễn tại Bệnh viện (BV) Việt Đức. Trong đó, Trường chính là người bán thận cho chồng bà Nguyễn. Thấy Trường khỏe mạnh, các chỉ số xét nghiệm tốt, bà Nguyễn đồng ý mua thận của Trường ghép cho chồng và thống nhất sẽ giao tiền cho Lộc sau khi chồng bà Nguyễn phẫu thuật.

Ngày 17/8/2018, Trường đến BV Việt Đức làm thủ tục nhập viện trước khi cuộc phẫu thuật ghép thận cho chồng bà Nguyễn diễn ra vào ngày 20/8. Sau khi cuộc phẫu thuật ghép thận kết thúc, bà Nguyễn đưa 450 triệu đồng cho Lộc. Số tiền này, Lộc giữ lại 60 triệu đồng tiền công môi giới cho mình và thanh toán các khoản chi phí cho Trường từ tiền ăn, xét nghiệm, đi lại, một số thủ tục pháp lý…, đưa 30 triệu đồng tiền công môi giới đưa cho Tuấn.

Tại cơ quan Công an, Lộc đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Ngoài ra, Lộc khai nhận từ khoảng tháng 3/2018 đến khi bị bắt, Lộc đã môi giới mua bán thận cho 3 trường hợp khác.

Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Văn Lộc về tội danh “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”, quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự; tiếp tục củng cố hồ sơ tài liệu, làm rõ các đối tượng đồng phạm để xử lý theo luật định.

Chỉ trước khi vụ mua bán thận của Lộc bị phanh phui ít ngày, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội cũng phát hiện một đường dây mua bán thận do Trần Văn Phương (ở Bắc Giang) cầm đầu. Phương đã dàn xếp trót lọt 3 vụ mua bán thận và hưởng lợi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Theo điều tra của cơ quan Công an, thủ đoạn của Phương tương tự như Lộc. Để tìm được nguồn thận bán cũng như người mua thận, Phương thường đăng tải trên Facebook cá nhân thông tin tìm người mua và bán thận, đồng thời điều hành đường dây gồm 3 đối tượng: Lê Thùy Linh (trú tại huyện Phú Giáo, Bình Dương), Hoàng Ngọc Tiến (trú tại TP Đông Hà, Quảng Trị) và Phan Văn Hùng (trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) tìm hiểu thực tế ngay tại trước cổng các BV. Khi tìm được người mua thận, Phương cho người mua và người bán gặp nhau trước khi làm hồ sơ giả dưới dạng tự nguyện hiến tạng.

Với thủ đoạn đó, từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2018, Phương cùng đường dây mua bán thận đã thực hiện trót lọt 3 vụ với giá mua vào 250-320 triệu đồng/quả thận, bán ra 340-360 triệu đồng/quả thận, hưởng lợi 40-100 triệu đồng/quả thận.

Hiện Phương đã bị bắt tạm giam. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội: “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”.

Thủ đoạn tinh vi

Công an quận Long Biên khẳng định, thủ đoạn của những đối tượng mua bán thận rất tinh vi, dễ “qua mắt” các nhà chức trách bởi chúng am hiểu pháp luật, quy trình ghép thận, đặc biệt là việc hợp thức hóa hồ sơ mua bán thận dưới dạng hiến tặng. Những đối tượng cầm đầu đường dây mua bán thận trái phép không bao giờ xuất đầu lộ diện từ đầu mà chỉ xuất hiện khi mọi thỏa thuận đã ngã ngũ giữa hai bên mua và bán. Trước đó, những người mua và bán thận chỉ liên hệ qua các “tay chân” của đường dây.

Một cán bộ Công an quận Long Biên chia sẻ: Trong quá trình điều tra các vụ án này, các trinh sát phải đối mặt với áp lực rất lớn, đó là chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng và đồng phạm, xử lý theo quy định của pháp luật. Ví dụ như, trước cơ quan Công an, các đối tượng một mực khai nguồn tạng là do hiến tặng, không phải mua bán, còn tiền giao dịch đó là tiền cảm ơn, bồi dưỡng chứ không phải tiền “trao cháo múc”…

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, pháp luật quy định hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là phạm pháp. Do đó, để tránh bị các đối tượng móc túi, có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, người có nhu cầu hiến tặng tạng và người bệnh cần đến các cơ sở y tế để làm các thủ tục theo quy định.

Thủ đoạn của những đối tượng mua bán thận rất tinh vi, dễ “qua mắt” các nhà chức trách bởi chúng am hiểu pháp luật, quy trình ghép thận, đặc biệt là việc hợp thức hóa hồ sơ mua bán thận dưới dạng hiến tặng.

Nguyễn Bách

nhuc nhoi nan buon ban thanGóc khuất nạn buôn bán nội tạng người
nhuc nhoi nan buon ban thanNội dung nghị quyết 343 của Mỹ lên án mổ cướp nội tạng ở TQ