Nhân kỷ niệm 104 năm Ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2021)

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)

08:00 | 06/11/2021

5,626 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Niên khóa 1959-60, chương trình học năm thứ tư đi sâu vào các chuyên môn hẹp, chuẩn bị cho nghề nghiệp ra trường, đó là các môn Thăm dò Địa chấn. Lần này được đi thực tập ở Liên đoàn Địa vật lý Astrakhan trên bờ biển Caspian.

Thi xong 6-7 môn học với hàng chục bài kiểm tra, kết thúc năm thứ hai, chúng tôi lại lên đường đi thực tập địa chất ở Crimea ở miền Nam nước Nga. Ở đây trường tổ chức một khu Palygon ở vùng Bakhchysarai, gần trại thực tập của trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Nhà trường chưa có ký túc xá, sinh viên chia nhau từng nhóm nhỏ ở nhờ nhà dân. Bakhchysarai là vùng núi đồi phía Nam nước Nga, nơi có nhiều di tích lịch sử như thủ đô của người Tatar, nỗi tiếng một thời trị vì của vua Khan, nơi đã lưu lại trên thi tập nổi tiếng “Fountain Bakhchysarai” của Đại thi hào Nga A.Puskin, nơi đây còn lưu lại vòi nước chảy mãi không dừng. Dân cư ở đây thưa thớt, các nhà cách nhau bởi quả đồi, nhà ở vùng đồi núi cũng đơn sơ nhẹ nhàng mát mẻ, trước sân nhà đều có giàn nho trĩu quả.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)
Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)

Trên lộ trình vẽ bản đồ địa chất vùng Crimea

Hằng ngày cô giáo hướng dẫn sinh viên đi lộ trình dài với chiếc búa và địa bàn đi qua các khu đồi núi để vẽ bản đồ địa chất. Theo kinh nghiệm của người địa chất là nên hạn chế uống nước trong khi trời đang nắng bức, bởi càng uống nhiều mồ hôi mất nhiều muối lại càng khát. Chiều về được ăn uống nghỉ ngơi thoải mái, lại được các bà chủ nhà hào hiệp cho uống rượu nho tự làm ủ lạnh dưới hầm đất, rất ngon lành.

Một tháng thực tập trôi qua là với nhiều trải nghiệm thực tế ban đầu của người làm địa chất. Kết thúc mùa thực tập năm thứ hai, chúng tôi chia nhau từng nhóm đi tham quan các thành phố ven bờ Biển Đen với bầu trời cao lồng lộng, biển xanh bát ngát tuyệt đẹp. Ở đây có tổ chức đón tiếp dân du lịch bình dân rất hay. Các bà già đón nhận vài ba người về nhà mình ở trọ với giá rất “sinh viên”, còn việc đi thăm quan là tùy thích. Thế rồi chúng tôi lần lược đi qua các thanh phố biển Simferopol, Sevastopol, Yanta... Mùa hè trôi qua thật tuyệt vời, vừa được học trên thực tế vừa hiểu biết thêm đất nước Liên Xô rộng lớn bao la. Kỳ thực tập hè kết thúc sinh viên lại cõng ba lô trở về trường, chuẩn bị vào năm học mới.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)

Cánh đồng lúa mí Siberi nước Nga

Sau kiến tập năm thứ nhất, tất cả sinh viên phải tham gia đi khẩn hoang (Selina) ở Kazacstan. Cả đoàn hàng trăm người gồm cả sinh viên Nga và ngoại quốc do một đại tá giáo viên làm đoàn trưởng. Tất cả mọi người đều đi trên các toa đen, không có giường, mỗi người có một túi ngủ trên sàn xe. Đoàn tàu chạy suốt ngày đêm, thỉnh thoảng dừng tránh tàu, trên tàu không có nhà vệ sinh, sinh viên theo lệnh của trưởng đoàn “nam tả nữ hữu” tỏa ra hai bên tàu làm việc riêng một cách vội vàng để kịp tàu chạy. Đến bữa chúng tôi được phát một ổ bánh mì boston ăn với thịt hộp, uống nước lọc, họa hoằn được chai nước ngọt hoặc chai bia.

Tàu chạy qua các cánh rừng bạch dương xanh ngát vùng Ural. Tiếng tàu cứ chạy lạch cạch đều đều thật buồn tẻ. Chúng tôi nghĩ ra lắm trò giải trí, hết đánh cờ rồi hát các bài dân ca Nga. Trời mùa hè nóng nực khát nước, thấy ông đại tá dẫn đoàn nằm ngủ ngáy phơi bụng phệ rất buồn cười, chúng tôi nghịch đố nhau: Nếu ai vỗ vào bụng ông thì được thưởng chai bia. Không ai giám làm việc tầy đình này, đắn đo mãi tôi muốn thử một phen xem sao. Nhẹ nhàng đến chỗ đại tá tôi nói: Chúc đại tá ngủngon! Rồi hồi họp nói nhỏ vào tai ông rằng mấy người kia thách tôi vỗ vào bụng ông thì được uống bia! Tưởng là ông sẽ mắn phạt cho, bất ngờ ông cười và đồng ý cho tôi vỗ vào bụng. Mọi người cười ầm ĩ mừng chiến thắng rồi chiêu đãi bia chúng tôi. Sau này thỉnh thoảng gặp nhau chúng tôi lại kể cho nhau câu chuyện này để nhớ lại những kỷ niệm năm tháng ấy.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)

Nam Ural

Sinh viên đi khẩn hoang là tham gia gặt lúa mì, phụ máy gặt đập liên hợp, nguời khỏe thì phụ máy cày. Công việc vất vả cả ngày, ăn uống ngoài đồng, tối về ngủ trong nhà bạt, ban ngày nắng nóng đêm thì lạnh buốt. Công việc thật vội vàng để kịp thu hoạch trước khi mùa đông tới.

Bước vào năm thứ ba, ngoài các môn khoa học địa chất cơ bản sinh viên được phân ban vào học các môn chuyên ngành với các kiến thức sâu. Riêng địa vật lý chúng tôi được học các môn thăm dò trọng lực, điện, địa chấn, phóng xạ, địa vật lý giếng khoan… cùng các buổi thí nghiệm, các bài za - trốt (kiểm tra), hàng chục bài thi về các môn trong hai học kỳ. Mỗi môn thi được nghỉ trong hai ba ngày, sinh viên hầu như không ngủ để ôn thi. Trên đường đi thi mắt nhắm mắt mở, trong đầu vẫn lởn vởn các công thức toán học chuyên môn.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)
Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)

Thảo nguyên Astrakhan

Thế rồi năm học lướt qua trôi chảy, chuẩn bị cho một kỳ thực tập mới, thực tập sản xuất đầu tiên ở Liên đoàn địa chất Nam Ural hè 1959 .

Ba ngày đêm tàu hỏa chạy liên tục đến thành phố Uran, nơi giáp ranh hai miền Âu-Á của đất nước Nga rộng lớn. Về thực tập ở đây có tôi và San, bạn học cùng lớp, được trọ tại nhà dân. Hai anh em được chủ nhà bố trí ở chung một phòng, ngày đi làm ở thực địa. Mỗi sáng, chúng tôi được gia chủ gói cho ổ bánh mì với mấy quả trứng gà, khoai tây luộc cùng dưa chuột và lọ sữa bò tươi. Các thức ăn ấy không phải mua ngoài chợ mà do gia đình tự làm ra. Thời ấy tất cả nông dân Nga đều sinh sống trong nông trường tập thể hoặc nông trường quốc doanh. Hằng ngày người ta đi làm cho nông trường, song nhà nào cũng có nuôi bò, lợn và vườn rau riêng. Sinh viên thực tập được ăn ở cùng gia đình mà không phải trả tiền. Ba tháng thực tập ngoài thực địa và làm công tác xử lý số liệu ở văn phòng, chúng tôi đã có một số kiến thức thực tế bổ sung cho những bài giảng lý thuyết ở trường.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)
Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ II)

Niên khóa 1959-60, chương trình học năm thứ tư đi sâu vào các chuyên môn hẹp, chuẩn bị cho nghề nghiệp ra trường, đó là các môn Thăm dò Địa chấn. Lần này được đi thực tập ở Liên đoàn Địa vật lý Astrakhan trên bờ biển Kaspien. Đây là vùng thảo nguyên rộng lớn có nhiều triển vọng dầu khí ở dưới lòng đất. Đội thăm dò kéo theo đoàn xe kỹ thuật và phục vụ đời sống cho cán bộ công nhân trong suốt thời gian khảo sát hàng tuần trên thực địa. Ban ngày toàn đội chia ra trên thảo nguyên, chiều tối đóng trại nghỉ ngơi ngay trên bãi cỏ. Bộ phận cấp dưỡng lo cho buổi cơm tối, một số người đi săn con seigac - dê sa mạc. Khi tìm thấy bầy seigac hàng trăm con, mọi người phân công nhau, kẻ cho xe chạy vòng quang dồn con vật về phía người đang ẩn nấp chờ sẳn và nổ súng. Có lúc bắn được nhiều phải chọn con nào to béo đưa về làm thịt phục vụ bữa ăn cho toàn đội. Việc săn dê hoang nầy là phạm pháp, có thể bị bắt và chịu phạt từ 500 đến 1000 rúp (gần 500 USD).

Những năm ở Liên Xô miệt mài học hành cũng là thời gian mong đợi trông chờ ngày trở về quê hương. Thế rồi thời gian trôi nhanh tôi đã tốt nghiệp đại học. Trước khi lên tàu về nước tôi đi vòng quanh thành phố Moskva thân thương qua những năm miệt mài học tâp và từ biệt các bạn học cùng trường.

Đời người thăng trầm có biết bao nhiêu niềm vui buồn khó quên, không hiểu vì sao càng về già càng nhớ nhiều tới những ký ức của cái thuở trai trẻ ấy!

TSKH. Trương Minh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Chuyện học của những người dầu khí đầu tiên ở nước Nga (Kỳ I)Chuyện học của những người dầu khí đầu tiên ở nước Nga (Kỳ I)
Kỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên XôKỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên Xô
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước NgaKỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
Kỳ I: Ấn phẩm Kỳ I: Ấn phẩm "Tới kho báu Rồng Vàng"
Ký sự Ký sự "Hành trình Người đi tìm lửa": Tập 4- Định danh trên bản đồ Dầu khí thế giới
Kỳ 3: Những chuyên gia dầu khí Liên Xô đầu tiên tại Việt NamKỳ 3: Những chuyên gia dầu khí Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam
Kỳ 2: 302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông HồngKỳ 2: 302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
Kỳ 1: Sự ra đời của bản báo cáo triển vọng dầu khí đầu tiên tại Việt NamKỳ 1: Sự ra đời của bản báo cáo triển vọng dầu khí đầu tiên tại Việt Nam
Bài 2: Việt Nam ghi tên lên bản đồ dầu khíBài 2: Việt Nam ghi tên lên bản đồ dầu khí

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps