Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/8/2022

20:18 | 10/08/2022

773 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - EVN đề nghị chuyển cơ chế tiết kiệm điện từ “tự nguyện” sang “bắt buộc”; Ukraine ngừng trung chuyển dầu Nga tới 3 nước châu Âu; Serbia tuyên bố đạt mức dự trữ khí đốt lịch sử… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 10/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/8/2022
Đường ống Druzhba ở cơ sở lọc dầu Danube của MOL tại thị trấn Szazhalombatta, Hungary, ngày 18/5. Nguồn ảnh: Reuters.

EVN đề nghị chuyển cơ chế tiết kiệm điện từ “tự nguyện” sang “bắt buộc”

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025. Từ kết quả tiết kiệm điện (TKĐ) toàn quốc năm sau đạt cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm; cả giai đoạn từ năm 2010-2021 cả nước tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện.

Kế hoạch tiết kiệm điện trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn này. Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện, ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

Để thực hiện, EVN đề xuất nhiều giải pháp trong đó đề nghị sửa đổi Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010) theo hướng chuyển từ cơ chế “tự nguyện” sang “bắt buộc”, quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước về quản lý năng lượng. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân, khách hàng sử dụng điện phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Ukraine ngừng trung chuyển dầu Nga tới 3 nước châu Âu

Công ty đường ống dẫn dầu nhà nước Transneft của Nga ngày 9/8 cho biết hoạt động cung cấp dầu mỏ của nước này cho 3 nước châu Âu gồm Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc thông qua đường ống Druzhba trên lãnh thổ Ukraine đã bị tạm dừng vào ngày 4/8 do các lệnh trừng phạt cản trở việc thanh toán.

Theo giải thích của Transneft, phía Ukraine đã ngừng hoạt động vận chuyển dầu mỏ do không nhận được tiền thanh toán cho dịch vụ này. Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dầu mỏ của Nga cho Ba Lan và Đức qua đường ống dẫn trên lãnh thổ Belarus vẫn tiếp tục như thường lệ.

Giới chuyên gia nhận định, sự gián đoạn tương tự đối với dòng chảy dầu của đường ống Druzhba sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của EU, gây thêm áp lực lên lạm phát và làm tăng nguy cơ suy thoái.

Hungary đề xuất giải pháp nối lại nguồn cung dầu mỏ của Nga

Tập đoàn dầu khí MOL của Hungary hôm 9/8 xác nhận, nguồn cung dầu thô của Nga thông qua nhánh phía Nam của đường ống Druzhba đã ngừng cách đây vài ngày và cho biết họ đang bắt đầu đàm phán để đảm nhận nghĩa vụ thanh toán chi phí vận chuyển.

Theo hãng tin Origo, MOL đã đề nghị thanh toán phí vận chuyển thay cho Transneft, nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía Ukraine. MOL cho biết, mặc dù họ có đủ lượng dầu thô dự trữ trong một vài tuần tới, nhưng vẫn đang tìm kiếm giải pháp và đã bắt đầu xúc tiến các cuộc đàm phán về đảm nhận nghĩa vụ chi trả phí trung chuyển.

Druzhba là một trong những mạng lưới đường ống dẫn dầu dài nhất trên thế giới, vận chuyển dầu thô từ khu vực phía Đông của Nga đến các nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Nga thường cung cấp khoảng 250.000 thùng dầu mỗi ngày qua nhánh phía Nam của đường ống.

Serbia tuyên bố đạt mức dự trữ khí đốt lịch sử

Trên tài khoản Instagram, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố lượng dự trữ khí đốt của nước này hiện đã đạt mức cao lịch sử và có thể đảm bảo cho mùa đông sắp tới. “262 triệu m3 khí đốt đã được đảm bảo trong kho của chúng tôi ở Banatski Dvor và chúng tôi đã mua thêm 200 triệu m3 nữa, đang được lưu trữ ở Hungary dành riêng cho nhu cầu của Serbia”, ông Vucic viết.

Tổng thống Vucic cho biết thêm, nước này đang tận dụng mọi khả năng về nhiên liệu và cố gắng mở thêm các mỏ than mới. Ông tin tưởng, “người dân Serbia ít ra sẽ có một mùa Đông ít lạnh hơn so với những gì chúng tôi dự đoán”.

Trong khi đó, trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới do nguồn cung khan hiếm, theo kế hoạch mới được Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua ngày 5/8, có hiệu lực vào ngày 9/8, các thành viên được yêu cầu giảm nhu cầu khí đốt, tìm cách dự trữ khí đốt nhiều nhất có thể và chuẩn bị cho khả năng Nga cắt toàn bộ nguồn cung cho khối này, do những căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Nhiều gia đình ở Anh sẽ “nghèo” do hóa đơn năng lượng tăng cao

Trong báo cáo công bố ngày 9/8, End Fuel Poverty Coalition (EFPC) - một tổ chức vận động chống đói nghèo do tác động của giá xăng dầu - ước tính rằng khoảng 10,5 triệu hộ gia đình Anh sẽ ở trong cảnh nghèo trong 3 tháng đầu năm 2023 do chi phí năng lượng gia tăng. Điều này có nghĩa là thu nhập của các gia đình sau khi trả hoá đơn năng lượng giảm xuống dưới ngưỡng nghèo.

Một hộ gia đình ở Anh được coi là nghèo nếu thu nhập của hộ đó thấp hơn 60% so với mức trung bình toàn quốc. Thống kê chính thức cho thấy trong năm 2021, thu nhập trung bình toàn quốc của hộ gia đình ở Anh là 31.000 Bảng, tương đương 37.500 USD.

Dự báo trên được đưa ra trên cơ sở phân tích mới từ công ty nghiên cứu Cornwall Insight. Theo phân tích này, tính bình quân, từ tháng 10 năm nay trở đi, hóa đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh sẽ là 3.582 Bảng, tương đương 4.335 USD, trong 1 năm. Con số sẽ tăng lên mức 4.266 Bảng, tương đương 5.163 USD, từ tháng 1/2023, tương đương 355 Bảng (430 USD)/tháng.

Na Uy dự kiến hạn chế xuất khẩu điện

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa và năng lượng Na Uy Terje Aasland ngày 8/8 cho biết: “Chính phủ sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ có các sắp xếp để ưu tiên việc làm đầy các hồ thủy điện và an ninh cung cấp điện, đồng thời hạn chế xuất khẩu điện khi mức nước tại các hồ thuỷ điện giảm xuống mức rất thấp”.

Động thái của Na Uy báo hiệu một mùa đông càng khó khăn hơn đối với châu Âu, khi cả khu vực phải xoay sở với sự sụt giảm nguồn cung năng lượng Nga kể từ khi xảy ra chiến tranh Nga - Ukraine...

Na Uy là một trong những nước xuất khẩu điện lớn nhất ở châu Âu, thường bán điện qua đường cáp cho các nước Anh, Đức, Hà Lan và Đan Mạch. Na Uy đã xuất khẩu điện trong suốt mùa hè năm nay, dù mức nước ở nhiều hồ thủy điện giảm xuống mức thấp lịch sử do thời tiết khô hạn trong mùa đông và mùa xuân.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/8/2022

T.H